"Nghị định này có điểm mới rất quan trọng là hình thành các đầu mối kiểm soát tài sản, thu nhập. Trước kia, chúng ta không xác định các đầu mối này mà chỉ quy định người nào ở đâu thì sẽ nộp bản kê khai ở cơ quan quản lý người đó.
Ông Đinh Văn Minh
Ông Đinh Văn Minh, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), cho biết như trên khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Theo ông Minh, các cán bộ, công chức... phải hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu theo Luật phòng chống tham nhũng 2018 và nghị định 130 trước ngày 31-3 năm nay.
Ông Đinh Văn Minh
Hình thành 8 cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập
* Nghị định mới ra đời có những quy định nào mới đáng chú ý so với các quy định trước đây, thưa ông?
- Có thể nói cả Luật phòng chống tham nhũng 2018 và nghị định 130 có rất nhiều điểm mới để bảo đảm cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập thực chất hơn. Việc kê khai lần đầu, mà hạn hoàn thành 31-3 năm nay, có đối tượng kê khai rộng, bao gồm tất cả cán bộ công chức, sĩ quan công an, sĩ quan quân đội; đối với viên chức thì cấp phó phòng trở lên và những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Ngoài ra, nghị định này có điểm mới rất quan trọng là hình thành các đầu mối kiểm soát tài sản, thu nhập. Trước kia, chúng ta không xác định các đầu mối này mà chỉ quy định người nào ở đâu thì sẽ nộp bản kê khai ở cơ quan quản lý người đó.
Liên quan đến quá trình thẩm tra xác minh thì trước đây khi đi xác minh mới hình thành các tổ thẩm tra, đến lúc đó mới xác định ai là người đi xác minh. Bây giờ lại khác, sẽ có một cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và chính cơ quan này sẽ tiến hành thẩm tra xác minh, từ đó hình thành một cơ chế có tính chất chuyên nghiệp hơn.
* Như vậy có nghĩa là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ được trao nhiều quyền hơn?
- Theo quy định của luật thì có 8 đầu mối là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Tùy vào đầu mối, kèm theo đó là các đối tượng kê khai.
Ngoài thanh tra, một số cơ quan khác cũng có trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập, trong đó Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản của tất cả những người gồm giám đốc sở trở lên, thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản của những người ở địa phương dưới giám đốc sở, hệ thống tòa án thì kiểm soát tài sản của những người trong tòa án, bên Đảng sẽ kiểm soát tài sản hệ thống các cơ quan của Đảng...
Các cơ quan này có những quyền hạn để bảo đảm thực hiện được việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Khi nhận bản kê khai, cơ quan này có quyền đánh giá các mức độ khác nhau về tính trung thực. Ví dụ, khi nhận một bản kê khai tài sản mà đọc thấy "tiền hậu bất nhất" hoặc nghe thông tin phản ánh khác thì cơ quan này có quyền yêu cầu đối tượng kê khai cung cấp thông tin.
Bên cạnh đó, cơ quan này có quyền yêu cầu các cơ quan khác thực hiện các biện pháp ngăn chặn khi thấy một cá nhân, tổ chức có dấu hiệu tẩu tán tài sản; có thể yêu cầu phong tỏa, không được chuyển nhượng, rút tiền. Cơ quan này cũng có quyền thẩm định giá tài sản nếu nghi ngờ việc kê khai không đúng và định giá tài sản không kê khai.
Tất cả các quyền trên của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đều rất quan trọng, nhằm đánh giá tính trung thực của các bản kê khai, đặc biệt là ngăn chặn việc tẩu tán tài sản. Thực tế các vụ án tham nhũng, thời gian từ điều tra đến khi có bản án rất lâu nên nếu không có biện pháp ngăn chặn thì tài sản sẽ bị tẩu tán và không thể thu hồi.
Một cán bộ công chức thực hiện việc kê khai tài sản lần đầu theo quy định - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bốc thăm để xác minh ngẫu nhiên
* Để tránh việc kê khai hình thức, trốn tránh, không trung thực, thậm chí cả tẩu tán tài sản, nghị định 130 có đưa ra những biện pháp xử lý tăng nặng so với trước đây không, thưa ông? Việc xác minh được thực hiện như thế nào để kê khai tránh hình thức?
- Các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ có quyền tự mình đi xác minh tài sản, chứ không như trước kia phải theo yêu cầu, theo đề nghị, thủ tục rườm rà. Trong đó có hình thức xác minh ngẫu nhiên. Tức là ngoài việc xác minh khi có dấu hiệu không trung thực, có tố cáo, có yêu cầu cơ quan cấp trên... thì có một hình thức nữa là ngẫu nhiên.
Điều này nhắc nhở những người kê khai tài sản là họ có thể bị xác minh bất kỳ lúc nào và đặt họ vào trong trạng thái luôn luôn nghĩ đến việc sẽ bị xác minh tài sản. Nếu họ giấu giếm sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn về mặt pháp lý.
Nói là ngẫu nhiên nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc có trọng tâm trọng điểm, phải có định hướng. Hằng năm, Thanh tra Chính phủ sẽ có định hướng cho việc xây dựng kế hoạch xác minh và các bộ ngành, địa phương trên có cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện.
Hiện nay, chúng ta quyết tâm rất lớn là hằng năm chọn 20% số cơ quan thuộc diện mình kiểm soát. Trong từng cơ quan thì đặt ra mục tiêu xác minh được 10% số cán bộ, công chức thuộc diện kê khai hằng năm. Và trong số 10% được xác minh thì sẽ có một người đứng đầu hoặc cấp phó của cơ quan đó rồi bốc thăm để tìm ra người ngẫu nhiên vào diện xác minh.
* Thực tế hiện nay nhiều cán bộ có chức vụ rất giàu mà không phải ai cũng giàu từ tiền "sạch". Đã có không ít trường hợp tẩu tán tài sản bằng cách đứng tên người thân, nhà cửa xe cộ "núp bóng" dưới tên người nhà. Trường hợp quan chức cố tình tẩu tán tài sản, thậm chí chuyển tài sản ra nước ngoài, thì thực hiện việc kiểm soát thế nào?
- Phải thấy rằng việc kê khai tài sản là rất quan trọng, cần thiết. Trước hết là trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bởi vì chính ở những cơ quan, tổ chức này họ tổ chức việc kê khai tài sản và bản thân những người đứng đầu này phải có nghĩa vụ phổ biến đến những người được yêu cầu kê khai tài sản. Phải hướng dẫn cho những người cần kê khai tài sản hiểu được ý nghĩa và trách nghiệm phải kê khai trung thực.
Các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải thấy được quyền hạn, nghĩa vụ của mình, phải nắm chắc các quyền của mình để thực hiện đầy đủ trách nhiệm, đánh giá được tính trung thực và có các biện pháp ngăn chặn ngay việc tẩu tán tài sản. Bên cạnh đó, những người trong các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải nắm chắc những điểm mới trong nghị định để khi tiến hành xác minh phải làm đúng theo quy định của pháp luật.
Việc đăng ký tài sản hiện nay có tình trạng người nọ đứng tên người kia, việc này khi đăng ký tài sản cần biết nguồn gốc tiền từ đâu, nhận của ai, hay tiền tích lũy nhiều năm cần rõ ràng thì mới kiểm soát được.
Trước kia, luật quy định tài sản tham nhũng là tài sản của người tham nhũng, có nghĩa là khi mang tên người khác thì không thể đụng vào. Còn bây giờ, quan niệm tài sản tham nhũng là tài sản có nguồn gốc của tham nhũng nên có đủ cơ sở để xử lý kể cả tài sản đã mang tên người khác. Cần phải sắp xếp lại cơ chế quản lý nguồn gốc các khoản thu nhập, quản lý tài sản, thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý vi phạm... để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản.
Đồ họa: TUẤN ANH
Không trung thực có thể bị đuổi việc
* Với các trường hợp khai báo không trung thực thì sẽ có biện pháp xử lý cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Trong nghị định 130, việc quy định về hình thức xử lý, chế tài đối với các đối tượng không trung thực rất nghiêm khắc. Tùy từng đối tượng, nếu là cán bộ công chức sẽ bị kỷ luật, cảnh cáo trở lên, thậm chí mất chức, đuổi việc.
Đối với người gian lận ứng cử có thể bị đưa ra khỏi danh sách ứng cử. Những người là lãnh đạo, có chức vụ nếu xác định không trung thực thì họ có thể từ chức thay vì kỷ luật; trong quy trình bổ nhiệm vấn đề này cũng được xem xét, nếu không trung thực sẽ không được bổ nhiệm. Từ đó nâng cao trách nhiệm của các cán bộ, công chức thuộc diện kê khai.
Cần nghiên cứu thêm những giải pháp khác ngoài việc kê khai
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết bản thân bà hoàn toàn ủng hộ những quy định mới về việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức có nghĩa vụ.
Việc kê khai tài sản lần này làm theo mẫu mới đã được nghiên cứu, rà soát chặt chẽ, bài bản. Đây là dịp để cán bộ, công chức rà lại hết toàn bộ tài sản để kê khai và chịu trách nhiệm về bản kê khai đó.
Nếu như quá trình bản kê khai tài sản đó được quản lý chặt chẽ, các bản kê khai được lưu trữ tốt, cũng như thực hiện đúng việc niêm yết, công khai, sử dụng đúng mục đích các bản kê khai, thì theo bà Tuyết, giải pháp này có thể góp phần làm tốt công tác phòng chống tham nhũng.
Tuy nhiên, bà Tuyết cho rằng cần phải nói rõ việc kê khai hiện nay cũng đang phụ thuộc vào sự trung thực của cán bộ, công chức; các giải pháp khác để kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức vẫn chưa hoàn thiện. Bởi vậy việc kê khai sắp tới quan trọng nhất là làm sao để cán bộ, công chức có ý thức tự giác, thực hiện đúng và chịu trách nhiệm khi kê khai.
Mặt khác, theo bà Tuyết, giải pháp kê khai tài sản cũng chỉ mới là một trong những giải pháp bước đầu trong việc phòng chống tham nhũng. Giải pháp này không phải là duy nhất để có thể ngăn chặn hoàn toàn việc tham nhũng.
Do vậy các cơ quan lập pháp cũng cần nghiên cứu để hoàn thiện thêm những giải pháp khác, đồng bộ hơn để Nhà nước có thể quản lý được nguồn thu chi cũng như sự biến động tài sản của cán bộ, công chức.
Như vậy mới có thể góp phần làm tốt công tác phòng chống tham nhũng được. Ví dụ, hiện nay một giải pháp được nhiều người nói tới là kiểm soát việc chi tiêu thông qua hạn chế sử dụng tiền mặt.
Bản kê khai phải công khai
Một cán bộ Thanh tra TP.HCM cho hay theo quy định Luật phòng, chống tham nhũng 2018, có 4 hình thức kê khai tài sản gồm: kê khai lần đầu, kê khai bổ sung, kê khai hằng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ.
Theo nghị định 130, bản kê khai tài sản phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mà người có nghĩa vụ kê khai công tác hoặc tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm, cuộc họp để bầu chức vụ lãnh đạo, quản lý, dịp ứng cử, bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội...
Những người thuộc diện kê khai lần đầu phải hoàn thành trước ngày 31-3-2021. Bản kê lần đầu (2 bản) được cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai bàn giao 1 bản cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trước ngày 30-4-2021.
T. LONG - TH.AN
TTO - Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã duyệt kế hoạch thanh tra năm 2020, trong đó có nhiệm vụ thanh tra kê khai tài sản, thu nhập, thanh tra về phòng, chống tham nhũng với giám đốc sở, chủ tịch UBND quận, huyện.