Bài “Biến cây xăng thành bến cóc để thu tiền ở ga Sóng Thần” và các bài báo, video liên quan đăng tải trên PLO đã thu hút nhiều lình luận của bạn đọc.
Tài xế: Phải nộp vì sợ gây chuyện
Ngày 6-3, Công an tỉnh Bình Dương vẫn đang phối hợp với Công an TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương lập hồ sơ, điều tra truy xét nhóm người giăng dây lập bến cóc và thu tiền bến bãi ở cây xăng dầu ga Sóng Thần.
Trước đó, Công an tỉnh Bình Dương cũng đã mời làm việc với Nguyễn Thanh Hoài (41 tuổi, quê Hà Tĩnh) và Nguyễn Văn Lâm (48 tuổi, quê An Giang) để làm rõ về việc tổ chức biến cây xăng thành bến cóc, thu tiền.
Hoài (bên trái) và Lâm bị công an mời làm việc. Ảnh L. ÁNH
Đây là động thái quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Bình Dương sau khi Báo Pháp Luật TP.HCM đăng tải bài viết phản ánh việc một nhóm người biến cây xăng thành bến cóc để thu tiền bến bãi ở ga Sóng Thần.
Ghi nhận trong ngày 6-3, khu vực cây xăng đã vắng bóng các xe giường nằm tới đón trả như những ngày trước mà chỉ có các xe tới tiếp nhiên liệu, đổ xăng…
Trao đổi với một chủ xe chạy đường dài người này cho biết, thực tế nhóm biến cây xăng thành bến cóc, thu tiền bảo kê đã xuất hiện từ khoảng ba năm về trước.
“Ở đây thường tập trung từ bốn đến năm người trong đó ông Hoài ‘cỏ’ là có thâm niên. Nhóm người này lập bến cóc, thu tiền bến bãi mạnh nhất là từ khoảng 15 tháng Chạp kéo dài cho đến 20 tháng Giêng. Hoạt động mạnh nhất, tiền thu nhiều nhất là cận ngày Tết với số tiền có thể đến một triệu đồng một lần đón khách, vài trăm ngàn một lần trả khách” – người này nói.
Theo đó, từ trước Tết thì các xe này tấp vào cây xăng để đón khách. Sau Tết thì họ đưa xe vào để trả khách đúng theo nhu cầu đi lại của người dân vào thời gian cao điểm.
Một tài xế chạy xe đường dài cho biết do khu vực cây xăng giao thông thuận tiện, kế Quốc lộ 1 nên thường hay tấp xe vào đón trả. “Hôm rồi tôi dừng lại chỗ đèn đỏ để cho khách xuống thì nhóm này tới đòi tiền bảo kê. Tôi nhất quyết không chịu, thu ai được chứ thu xe tôi 300 ngàn thì phải trả 30 triệu. Đường này là đường nhà nước không phải của mấy ông đó. Sau đó thì tôi mới biết cũng là anh em quen biết với nhau cả” – tài xế này phản ánh.
Tuy nhiên các tài xế khác thừa nhận không phải ai cũng “rắn” được như người tài xế nói trên. “Nhiều tài xế chấp thuận câu chuyện này. Những ngày tết, nhu cầu đi lại tăng cao, tiền vé cũng tăng. Nhiều người nhắm mắt cho xong để mau đón trả khách. Có trường hợp kì kèo giảm giá nhưng phần lớn đều phải nộp. Giả sử trường hợp có người thù, ném đá hoặc chơi bẩn thì hết đường làm ăn” – một tài xế khác nói.
Các tài xế khi vào đón trả khách đều phải nộp tiền "bến bãi" cho nhóm của Hoài. Ảnh Y-T.
Người dân: Mong xử lý nghiêm!
Sau bài viết, nhiều bạn đọc ngạc nhiên không hiểu tại sao lại có chuyện ngang nhiên coi thường pháp luật tồn tại ở một đô thị lớn như vậy. Dưới đây là một số bình luận của bạn đọc gửi về:
- "Sao lại có chuyện "cướp cạn" ngang nhiên như vậy được?"- Lê Hùng
- "Địa phương có biết không?" -Thiên Thảo
- "Tại sao lại như vậy được, nhờ cơ quan chức năng xem xét xử nghiêm!"- NTVD
- "Ngang nhiên lộng hành công khai thế, chẳng lẽ chính quyền không biết? "- Bao Công
- "Loạn quá, chổ nào cũng có anh có chị hết!" -Nguyễn Duy Hạnh
- "Làm rõ có ai bảo kê không?" -Công Bằng
Một số bạn đọc cho rằng họ có biết tình trạng có nhóm người thu tiền bến bãi ở đây nhưng không dám lên tiếng.
"Thực ra thì sự việc này diễn ra rất lâu rồi bản thân mình đã gặp và cho tiền tài xế công nghệ để đóng cho chúng"- bạn đọc Chiến bình luận.
Bạn đọc Cao Đức cũng cho biết: "Hèn gì vào đổ xăng gặp mấy ông này suốt".
Bên cạnh việc cảm cảm ơn các phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM đã âm thầm đeo bám góp phần đưa ra ánh sáng tình trạng bảo kê bến cóc, nhiều bạn đọc bày tỏ mong muốn tình trạng này sớm được xử lý.
"Cần có biện pháp mạnh xử lý dứt điểm tình trạng này, tránh để nhóm này hoạt động gây nhiều ảnh hưởng xã hội"; "Mong cơ quan công an vào cuộc xử lý những kẻ coi thương pháp luật này!"...là mong mỏi của các bạn đọc Nguyễn Phong, Sĩ Nguyên...