Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi “Đối thoại 2045” với đại diện doanh nghiệp và trí thức tiêu biểu, chiều 6-3 tại Hội trường Thống nhất, TP.HCM.
Thủ tướng phát biểu kết luận tại buổi đối thoại. Ảnh: PHƯƠNG THÙY
Sau khi lắng nghe rất nhiều ý kiến các doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu, Thủ tướng cho rằng qua các phát biểu thấy rõ khát khao cháy bỏng về một Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045. Đó là niềm tin mãnh liệt đến năm 2045 xuất hiện những doanh nghiệp, tập đoàn khổng lồ mang tên Việt Nam.
Theo Thủ tướng, có 5 vấn đề được nêu ra tại buổi đối thoại.
Thứ nhất, đó là con người và công nghệ, trong đó có vấn đề chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa của quốc gia.
Thứ hai là cần quan tâm đổi mới thể chế, đây là “bà đỡ” cho doanh nghiệp và của đất nước.
Thứ ba, trao cơ hội phát triển cho mọi loại hình doanh nghiệp, đặc biệt giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, người dân, các thành phần kinh tế như FDI, hợp tác xã, hộ cá thể… trong đó kinh tế tư nhân là một trong những thành phần quan trọng.
Thứ tư là nguồn nhân lực Việt Nam phục vụ phát triển, đi liền với khởi nghiệp sáng tạo, đi liền với đó là bảo vệ môi trường sống, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Và cuối cùng là bảo vệ văn hóa Việt Nam vì nếu mất văn hóa là mất tất cả.
“Chúng ta thống nhất doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn” - Thủ tướng nói và tin rằng cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh đồng nghĩa với một Việt Nam lớn mạnh và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Ảnh: PHƯƠNG THÙY
Từ đó, ông Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ ngành và địa phương chú trọng một số nhiệm vụ. Trước hết, cần thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động của cả hệ thống chính trị trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển doanh nghiệp theo tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là sớm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII mới đây của Đảng.
Các cơ quan cần tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các bộ trưởng, cam kết bảo đảm sự ổn định của kinh tế vĩ mô và minh bạch hóa chính sách.
Các bộ ngành, địa phương phải mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội tham gia của doanh nghiệp. Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường.
Ngoài ra cần bảo đảm thực thi chính sách minh bạch, hiệu quả; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Mục đích là nhằm đảm bảo không biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân thành bao cấp, phục vụ “lợi ích nhóm” dưới mọi hình thức.
Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực và các vấn đề đã nêu ra.
Đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, nhất là các trường đại học, trường dạy nghề. Vai trò của đội ngũ trí thức đi liền với doanh nhân trong thời kỳ hội nhập và thúc đẩy chuyển đổi phát triển đất nước là vô cùng quan trọng.
“Chúng ta hãy chung tay làm cho Việt Nam trở nên thành công hơn nữa, nơi mà trí thức, tài năng nào cũng có cơ hội được cống hiến và phụng sự, có nhiều doanh nghiệp vươn lên trở thành tập đoàn toàn cầu. Việt Nam 2045 là bức tranh đẹp mà tất cả chúng ta và các thế hệ tương lai có cơ hội đặt nét vẽ của mình lên đó” – Thủ tướng nói.