vĐồng tin tức tài chính 365

Đánh thuế Google, Facebook: Tin vui với các nước trên thế giới, và cả Việt Nam?

2021-03-07 09:45

Đánh thuế Google, Facebook: Tin vui với các nước trên thế giới, và cả Việt Nam?

Châu Phan

(TBKTSG) - Một tin vui với hầu hết các nước trên thế giới. Ngày 26-2, trong cuộc họp trực tuyến của nhóm quốc gia phát triển G20, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Yellen nói Washington từ bỏ một đòi hỏi chủ chốt liên quan đến việc đánh thuế đối với các ông lớn công nghệ như Google và Facebook, khai thông bế tắc vốn đã làm tăng căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương và ngăn cản việc đi đến một thỏa thuận quốc tế.

Bà Yellen nói Mỹ không còn đòi hỏi điều khoản “safe harbor” (tạm dịch là nơi trú an toàn) cho phép các công ty Mỹ chọn không phải trả thuế như vậy ở nước ngoài. Bà còn nói thêm rằng Mỹ sẽ tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán về việc đánh thuế ở nước ngoài này cũng như về một mức thuế toàn cầu tối thiểu.

Các cuộc đàm phán có sự tham gia của khoảng 140 quốc gia về các điều luật thuế tổng quát lên các công ty công nghệ Mỹ đã bị chựng lại năm 2020 khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump yêu cầu phải có một cơ chế safe harbor. Phần lớn các quốc gia khác nói rằng họ không thể chấp nhận quyền chọn trả thuế như vậy.

Hoan nghênh sự chuyển đổi lập trường này của Mỹ, các nước G20 hy vọng sẽ sớm có một thỏa thuận toàn cầu, có thể là vào mùa hè năm nay, về đánh thuế công bằng lên các công ty công nghệ Mỹ.

Để hiểu bối cảnh đằng sau một thỏa thuận đánh thuế như vậy, cần hiểu cách các ông lớn công nghệ này đang đóng thuế như thế nào.

Nếu chưa phải là một trong số 140 nước tham gia đàm phán thỏa thuận thuế quốc tế trên thì Việt Nam cần tích cực và chủ động tham gia ngay với tư cách là một đối tác đàm phán để cùng các nước khác chia phần một cách công bằng miếng bánh thuế đánh trên lợi nhuận của các công ty công nghệ thu được.

Ví dụ với Google, công ty này cho biết mức thuế doanh nghiệp tổng hợp trên toàn cầu Google đang phải trả là 23% trong vòng 10 năm qua, tương đương với mức thuế trung bình theo quy định của các nước phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là 23,7%.

Phần lớn số thuế này được nộp tại Mỹ, nơi sản sinh và phát triển phần lớn sản phẩm và dịch vụ của Google. Phần thuế còn lại được nộp tại khoảng 50 nước trên thế giới - những nơi Google có văn phòng trợ giúp việc bán dịch vụ (1).

Vấn đề là, mặc dù Google đã trả thuế (không thấp) cho cả Mỹ và nhiều nước khác, nhưng Google e ngại là nếu không có một thỏa thuận đánh thuế quốc tế thì họ đã và sẽ tiếp tục bị đánh thuế (cao), thậm chí là đánh thuế hai lần ở nhiều nước khác theo ý muốn của nước sở tại, như đang xảy ra tại Pháp, Úc, Indonesia..., dù là Google có hay không có văn phòng đại diện hoặc cơ sở của mình (như ở Việt Nam).

Nếu không chấp nhận tuân thủ việc đánh thuế của nước sở tại như vậy thì Google phải đối mặt với rủi ro là bị gây khó khăn hoặc thậm chí buộc phải từ bỏ cơ hội kinh doanh ở các nước này.

Trong khi đó, với tư cách là nước đặt đại bản doanh của Google, Mỹ đương nhiên không muốn phải chia sẻ số thuế đánh trên lợi nhuận của Google cho bất cứ một nước nào, nên mới nảy sinh ra yêu cầu để cho Google có quyền được chọn trả thuế cho ai; ai chống lại yêu cầu này thì bị Mỹ đe dọa trừng phạt thương mại như định làm với Pháp (và từ bỏ ý định này hồi tháng 1 năm nay trước khi ông Trump rời Nhà Trắng).

Nhưng nếu Google chọn Mỹ là nước được Google đóng thuế thì các nước khác sẽ bị thiệt hại. Vì đây là một rủi ro lớn có khả năng thành hiện thực nên không mấy nước khác chấp nhận yêu cầu này của Mỹ, dẫn đến sự bế tắc trong việc đàm phán thuế giữa các quốc gia với Mỹ, cũng như sự “mắc kẹt” của Google giữa các thế lực Đông-Tây vốn chẳng có lợi cho ai.

Không rõ Việt Nam có nằm trong số 140 nước tham gia các cuộc đàm phán nói trên không, vì dường như chưa thấy một dòng tin nào nói về chuyện này ở trong nước. Điều chắc chắn là Việt Nam đang “đau đầu” tìm cách thu thuế trực tiếp từ các công ty công nghệ Mỹ. Do các công ty này không có văn phòng, cơ sở tại Việt Nam nên việc đánh thuế này (dưới dạng thuế nhà thầu) trên thực tế đang gặp một số khó khăn (2).

Việc thu thuế kiểu “nắm đằng lưỡi” như vậy tất nhiên không phải là tối ưu. Nó có thể dẫn đến thất thu thuế, vì bỏ sót nhiều đối tượng nộp thuế tiềm năng do việc đánh thuế vẫn phải phụ thuộc một phần vào sự tự nguyện khai thuế của  phía người sử dụng/đối tác của các công ty công nghệ đa quốc gia này - bên nộp thuế hộ các công ty này.

Bởi vậy, nếu chưa phải là một trong số 140 nước tham gia đàm phán thỏa thuận thuế quốc tế trên thì Việt Nam cần tích cực và chủ động tham gia ngay với tư cách là một đối tác đàm phán để cùng các nước khác chia phần một cách công bằng miếng bánh thuế đánh trên lợi nhuận của các công ty công nghệ thu được từ hoạt động của họ trên phạm vi toàn cầu.

Cần biết rằng việc đánh thuế toàn cầu ở mức tối thiểu cùng với những cải cách về thuế lên các công ty công nghệ sẽ mang lại một khoản thu lên tới khoảng từ 60-100 tỉ đô la Mỹ, tức tương đương tới 4% thuế thu nhập doanh nghiệp trên toàn cầu.

Nếu Việt Nam đã tham gia việc đàm phán này, thì với tư cách là một đối tác đàm phán, Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng cho các cuộc thương lượng gay go còn lại về phạm vi áp dụng của các điều khoản mới về thuế, sự phân bổ phần thuế thu được cho mỗi nước, và việc chế tài để đảm bảo thu được thuế... Tất cả những nội dung này gồm rất nhiều chi tiết lớn và nhỏ, cũng như khó khăn trong việc hiện thực hóa các chỉ dẫn chung thành các quy định chi tiết sẽ làm cho quá trình đàm phán còn lại cho đến đích không hề bằng phẳng.

(1) https://www.blog.google/outreach-initiatives/public-policy/its-time-new-international-tax-deal/

(2) https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/google-facebook-youtube-dong-thue-tai-viet-nam-nhu-the-nao-1304070.html

Xem thêm: lmth.man-teiv-ac-av-ioig-eht-nert-coun-cac-iov-iuv-nit-koobecaf-elgoog-euht-hnad/112413/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đánh thuế Google, Facebook: Tin vui với các nước trên thế giới, và cả Việt Nam?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools