Hiện có hàng nghìn tấn củ cải trắng đồng ở xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội, nông dân phải nhổ bỏ vì ế.
Còn ở vùng trồng cam Tuyên Quang và Hà Giang, người trồng cam ở tỉnh này như ngồi trên đống lửa khi vào mùa quả chín. Tại Đồng Nai, bưởi cũng đang vào vụ thu hoạch nhưng không có thương lái hay doanh nghiệp thu mua.
Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học và Nông nghiệp Việt Nam nhận định kinh nghiệm của các hợp tác xã nông sản làm tốt hiện nay là đa dạng hóa kênh tiêu thụ, không bao giờ phụ thuộc vào một kênh để tránh bị ngắt quãng.
Tại Nhật Bản, các hợp tác xã không bao giờ bán nông sản cho một mối khách hàng mà bán cho siêu thị, bán tại chỗ, bán cho quán ăn, nhà hàng… Kinh nghiệm thành công mà nhiều nước đã làm, đó là hộ nông dân tham gia hợp tác xã, các hợp tác xã cùng tham gia một hiệp hội ngành hàng để cùng tìm kiếm thị trường.
Cần đa dạng thị trường tiêu thụ để không còn tình trạng ùn ứ nông sản mỗi khi vào dịp thu hoạch (Ảnh: TTXVN)
Còn theo Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, để tương lai không còn phải giải cứu nông sản cần phải tiếp tục chuyên canh sâu hơn nữa. Đặc biệt, cần liên kết hình thành các hợp tác xã thu mua, chế biến, tiêu thụ cũng như hình thành các vùng hàng hóa tập trung với diện tích đủ lớn mới có thể thu hút được doanh nghiệp, thương lái tới ký hợp đồng bao tiêu, thu mua, chứ một vài hộ sản xuất đơn lẻ không thể trở thành vùng hàng hóa được.
"Phải có mối liên kết, có hợp đồng với nhau mới sản xuất bền vững, hiệu quả được", ông Cường nhấn mạnh.
Các chuyên gia kinh tế phân tích khi đã tạo thành những vùng chuyên canh thì không còn lối "chạy theo phong trào" dẫn đến ế thừa sản phẩm. Khi đã hình thành vùng chuyên canh cũng có nghĩa là hình thành vùng nguyên liệu, chất lượng sẽ bảo đảm theo quy chuẩn, từ đó sẽ có những hợp đồng sản xuất, thu mua hàng hóa ổn định từ các doanh nghiệp.
Thay vì giải cứu, cần xây dựng chuỗi giá trị nông sản từ đồng ruộng đến siêu thị, xuất khẩu (Ảnh: TTXVN)
Thực tế là không phải đến đợt dịch COVID-19 mới xuất hiện trở lại câu chuyện giải cứu nông sản. Trước đây, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tình trạng giải cứu khá dày đặc từ cá tra, chuối… thì mấy năm nay không còn, nguyên nhân là do đã có tiến triển trong việc xây dựng chuỗi giá trị.
"Về lâu dài, không có con đường nào khác là phải xây dựng chuỗi giá trị nông sản từ đồng ruộng đến siêu thị, xuất khẩu, đặc biệt là phải xây dựng chuỗi giá trị với nông sản chủ lực của từng vùng", tờ Đại biểu nhân dân bình luận.
Để làm được điều này trước hết phải quy hoạch vùng nguyên liệu. Đây là quy hoạch tích hợp, không chỉ riêng nông nghiệp mà phải có cả hệ thống dịch vụ hậu cần (logistics), đầu tư kho lạnh, bảo quản, chế biến... thì mới hạ giá thành và tăng tính cạnh tranh. Việc bố trí nguồn lực rất quan trọng, nếu không chính sách hỗ trợ sẽ chỉ nằm trên giấy, tình trạng tiếp tục giải cứu nông sản cũng sẽ khó có hồi kết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.12220838070301202-nas-gnon-uuc-iaig-iam-gnud/et-hnik/nv.vtv