1. Tôi đã nhấn nút tham gia một diễn đàn của nhóm phụ nữ UTV trên Facebook, theo lời mời của một cô bạn đồng bệnh khác. Nơi này, tất tần tật mọi thứ tôi muốn biết về căn bệnh của mình, đặc biệt là làm sao để sống tiếp một cách bình tĩnh, đã được chia sẻ nhiều hơn mức tôi có thể tìm hiểu ở đâu.
Vậy khi trở thành thành viên chính thức, một người quan sát và tiếp nhận những gì các chị em trao đổi hằng ngày, hằng giờ, một tinh thần khác tôi nghĩ mình được hấp thụ là sự kiên cường và lạc quan, không xem nhẹ cũng không quá quan trọng, chấp nhận và xoay trở theo cái cách tự mỗi bản thân sẽ hiểu mình nên làm gì.
Ở đây ít nhiều không tràn ngập sự thương cảm như tôi nghĩ, dù những di chứng sau hàng loạt cuộc điều trị làm thứ quý giá nhất là sức khỏe và nhan sắc đều thuộc về quá khứ...
Vậy nhưng, những chị phụ nữ vẫn tự tin tươi cười, tự tin chấp nhận cái mất đã mất rồi, bệnh thì cũng bệnh rồi, việc còn lại là vui sống. Họ tự trào, hóm hỉnh, an ủi. Những nụ cười có thật trên mạng ảo khiến tôi biết ơn.
Và dù không biết nhau nhưng thỉnh thoảng ai đó trong nhóm vẫn gửi cho tôi lời chúc vui, chúc khỏe. Hết sức tinh tế, nhẹ nhàng và thấu đáo, không ai khơi gợi lại nỗi đau, bởi ai cũng biết rằng phụ nữ vẫn là kiểu của lặng lẽ chờ vết thương lành lại, không than thở và bi lụy. Họ có nội lực lớn để tự chữa lành.
2. Hồi nhỏ, trong nhiều giấc mơ vẽ ra một cuộc đời mà mình thích, tôi từng nghĩ lớn lên sẽ làm điều gì đó khác biệt để thay đổi thế giới.
Tôi chú ý và đọc rất nhiều những câu chuyện về nữ quyền và bình đẳng giới, do nhìn vào hình ảnh má tôi đã gồng cứng người, cam chịu làm một người không có tiếng nói dù bà gần như là một nhân vật trung tâm và chi phối toàn bộ sự sống còn của một gia đình.
Bạn bè tôi lớn lên ở miền quê cũng vậy: bỏ học, lấy chồng sớm và chịu bạo hành trút lên đời mình bởi một người đàn ông. Nhiều khi tôi tự hỏi vì sao đàn ông thích dùng sức mạnh bạo lực.
Và khi bị bạo hành, bị xem thường, đâu phải phụ nữ không đủ mạnh khỏe để chống trả, mà cái gì đã khiến họ buông xuôi? Là quan niệm xã hội vẫn luôn đặt người phụ nữ ở mé đằng sau, hay là bởi họ tình nguyện định kiến chính mình?
Nhiều câu hỏi đặt ra sau nhiều năm tháng, thậm chí chúng thẩm thấu trong từng tế bào của tôi, khiến tôi trở trăn nhưng chưa bao giờ tìm ra câu trả lời nào thấu suốt.
3. Làm gì có câu trả lời thấu suốt nào, khi ngay cả với thời đại 4.0 như bây giờ, phụ nữ ở đâu đó vẫn bị "thượng cẳng tay, hạ cẳng chân". Ở nơi công cộng, như tiệm cà phê chẳng hạn, phụ nữ vẫn tự dời chỗ để tránh khói thuốc. Ở chợ hay nơi đông người, phụ nữ vẫn bị ai đó cố tình va quẹt lạm dụng.
Không đâu xa, ở những trò chơi tập thể vẫn có rất nhiều hành động được cho là để gắn kết nhưng lại cố ý va chạm thịt da...
Bạn tránh ra, lên tiếng hay khó chịu thì bạn trở thành một người đi ngược lại, mà nếu không cũng tức là chấp nhận cho người ta cư xử thiếu tôn trọng.
Thời mạng xã hội viết đầy những câu chuyện, nhiều người phụ nữ tôi biết hằng ngày vẫn mạnh mẽ nói lên tiếng nói của nữ quyền. Ai đó nhắc nhau đừng chịu áp lực so sánh, đừng có cảm giác mình quá bình thường trong cuộc đời vô vị bởi những phơi bày "ảo" trên mạng.
Đúng rằng thực tế là cuộc đời ta đang sống, không phải cuộc đời trong mơ. Cuộc sống là những câu chuyện ta tự viết lên hằng ngày, là điều giản dị nhất ta làm. Như cách trao những nụ cười lạc quan, là cách trao tặng chân thành mà lại rất đáng giá của những phụ nữ nhóm UTV tôi nói ở trên.
Thời 4.0 giúp tôi làm quen, nhìn thấy họ, hiểu về họ để hiểu hơn chính mình. Thời 4.0 cũng để cho tôi thấy rằng đâu đó vẫn còn nhiều tâm thế chờ ban tặng, mong muốn được tôn vinh.
Sống trong phút vinh quang ngắn ngủi này đâu bằng làm sao để được trân trọng trong chính giềng mối của gia đình, đâu bằng mỗi ngày một chút dừng lại và hiểu mình sâu hơn. Hiểu rằng đã đến lúc mình nên tự giành lấy tình yêu của chính cuộc đời mình.
TTO -Khi người phụ nữ đặt trọn niềm tin vào hạnh phúc lứa đôi và lòng chung thủy, sự bội bạc của người đầu gối tay ấp hẳn làm họ hụt hẫng, đớn đau tột cùng... Bản thân họ quay cuồng tìm cách trả thù tình, trừng trị kẻ thứ ba cho hả cơn tức.
Xem thêm: mth.58452250170301202-hnim-hnihc-yal-uey-yah-un-uhp-al/nv.ertiout