vĐồng tin tức tài chính 365

Chiếu xạ trái cây đi Mỹ: Toàn Phát 'phá thế' độc quyền của Sơn Sơn

2021-03-07 14:29

Chiếu xạ trái cây đi Mỹ: Toàn Phát 'phá thế' độc quyền của Sơn Sơn

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát được Mỹ cho phép gia nhập chương trình chiếu xạ trái cây xuất khẩu vào quốc gia này bằng việc cử chuyên gia sang kiểm tra, đánh giá để cấp giấy chứng nhận từ ngày 31-3-2021. Điều này có nghĩa, dịch vụ chiếu xạ trái cây đi Mỹ không còn độc quyền của riêng Nhà máy Chiếu xạ Sơn Sơn.

Chiếu xạ trái cây: “sân chơi” không thể một mình!

Độc quyền làm doanh nghiệp xin chiếu xạ trái cây sang Mỹ sắp... phá sản!

 

Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát được cơ quan chức năng Mỹ cho phép cung cấp dịch vụ chiếu xạ trái cây vào Mỹ. Ảnh: TPI

Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online gần đây về chủ đề xuất khẩu trái cây đi Mỹ cho biết, để xuất khẩu trái cây vào thị trường Mỹ, ngoài bắt buộc vùng trồng và nhà máy đóng gói được cấp mã số, thì trái cây phải qua quá trình chiếu xạ.

Toàn Phát gia nhập thị trường

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online, ông Vương Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát xác nhận, ngày 31-3-2021, chuyên gia của Cục kiểm dịch thực vật Mỹ (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ chính thức sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá Nhà máy Chiếu Xạ Toàn Phát để cấp giấy chứng quyền chiếu xạ trái cây xuất khẩu vào thị trường Mỹ. “Sau đó, theo kế hoạch thỏa thuận với phía APHIS, thì từ ngày 1-9-2021, Công ty Chiếu Xạ Toàn Phát sẽ bắt đầu khởi động lô hàng xuất khẩu đầu tiên đi thị trường Mỹ”, ông Hiếu thông tin.

Cũng theo ông Hiếu, các chuyên gia của APHIS sẽ tập trung xem xét toàn bộ cơ sở vật chất của nhà máy nhằm kiểm định xem có đủ điều kiện đáp ứng được các yêu cầu cũng như doanh nghiệp có tuân theo được quy trình chiếu xạ nghiêm ngặt như đã nộp hồ sơ đăng ký với phía Mỹ hay không.

Ông Hiếu cho biết thêm, đây là quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế mà công ty đã chuẩn bị rất kỹ từ 3 năm trước, dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của Cục bảo vệ thực vật.

Xoá độc quyền trong lĩnh vực chiếu xạ trái cây

Với việc Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát được phía Mỹ cho phép tham gia vào chương trinh chiếu xạ trái cây đi thị trường Mỹ cũng đồng nghĩa chương trình này đã không còn là sự độc quyền của riêng Công ty cổ phần chế biến thuỷ hải sản Sơn Sơn - đơn vị quản lý Nhà máy Chiếu xạ Sơn Sơn.

Vì sao Sơn Sơn độc quyền chiếu xạ trái cây xuất khẩu đi thị trường Mỹ?

Theo quy định, một nhà máy chiếu xạ để được cấp mã số và cho phép thực hiện chiếu xạ trái cây xuất khẩu đi Mỹ phải trải qua thủ tục 3 bước.

Sau khi doanh nghiệp xây dựng nhà máy chiếu xạ, bước thứ nhất, là được Cục Bảo vệ thực vật cấp phép; thứ hai, phải có cam kết về vấn đề tài chính với Công ty cổ phần Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn nhằm mục đích chi trả các chi phí cho việc APHIS cử chuyên gia sang Việt Nam kiểm tra, quản lý chương trình chiếu xạ; thứ ba, APHIS sang đánh giá và cấp phép cho nhà máy nếu đủ tiêu chuẩn chiếu xạ.

Tuy nhiên, ông Hiếu tiết lộ rằng, nhà máy chiếu xạ của đơn vị này đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp phép từ lâu, tức đã hoàn thành xong bước thứ nhất. Thế nhưng, sang bước cam kết tài chính với Sơn Sơn lại không thành công vì đơn vị này “không chấp nhận để Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát cùng tham gia vào chương trình”.

Việc một nhà máy chiếu xạ muốn tham gia cung cấp dịch vụ phải được Sơn Sơn đồng ý bắt nguồn từ năm 2006-2007, khi Việt Nam bắt đầu tham gia vào chương trình chiếu xạ đưa trái cây vào Mỹ. Lúc đó, kinh phí của nhà nước không có, muốn tham gia thì doanh nghiệp phải trả các chi phí liên quan đến công tác kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và kiểm dịch từng lô hàng trước khi xuất khẩu.

“Thời điểm đó, Sơn Sơn đã đứng ra nhận lãnh trách nhiệm này, tức đại diện cho chuỗi cung ứng của Việt Nam để làm việc với phía Mỹ, dù chương trình chiếu xạ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Mỹ ký kết”, ông Hiếu giải thích.

Do Sơn Sơn đứng ra chịu trách nhiệm cam kết tài chính với Mỹ nên đơn vị này được công nhận là “Cooperator”. Điều 2.3 của Irradiation Operational Work Plan (Bản kế hoạch hoạt động chiếu xạ) định nghĩa Cooperator là đơn vị được công nhận chính thức đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà đóng gói, và các cơ sở chiếu xạ tại Việt Nam để ký kết kế hoạch tài chính với APHIS.

“Phía Mỹ không đi thu phí từng đơn vị mà thông qua đại diện là Sơn Sơn. Do vậy, khi một đơn vị bất kỳ nào muốn tham gia vào chương trình chiếu xạ trái cây đi Mỹ, thì phải có công văn gửi đến Sơn Sơn với cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trong chương trình này”, ông Hiếu giải thích.

Trước đây Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát đã nhiều lần gởi công văn cho Sơn Sơn, nhưng đơn vị này vẫn không đồng ý cho Toàn Phát tham gia chương trình.

Trước sự việc nêu trên, theo ông Hiếu, phía Mỹ đã thay đổi cách nhìn: APHIS đã công nhận thêm Toàn Phát là "Cooperator" thứ 2 tại Việt Nam, tức thay vì phải đạt thoả thuận tài chính với Sơn Sơn, thì Toàn Phát được quyền ký thỏa thuận trực tiếp với phía Mỹ. "Đây cũng là điểm mới, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khác khi muốn tham gia vào chương trình chiếu xạ trái cây xuất khẩu đi Mỹ”, ông Hiếu cho biết.

Việc xoá bỏ độc quyền trong lĩnh vực chiếu xạ trái cây đi Mỹ sẽ tạo ra được một sân chơi cạnh tranh lành mạnh, giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây có thêm sự lựa chọn đối tác cung cấp dịch vụ chiếu xạ để thỏa mãn và tối ưu hóa lợi ích của chính mình.

Xem thêm: lmth.nos-nos-auc-neyuq-cod-eht-ahp-tahp-naot-ym-id-yac-iart-ax-ueihc/133413/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chiếu xạ trái cây đi Mỹ: Toàn Phát 'phá thế' độc quyền của Sơn Sơn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools