Công khai chào mua chứng minh nhân dân để lừa đảo, trong đó có làm hồ sơ vay tiền các ngân hàng, công ty tài chính - Ảnh chụp màn hình
Có người dân bỗng nhận được trát của tòa do nợ tiền chỉ vì mất chứng minh nhân dân (CMND). Người dân nên cẩn trọng trong lưu giữ, sử dụng các giấy tờ của mình để tránh phiền phức, thậm chí cả vụ việc liên quan án hình sự.
Dân bị tòa gọi, công ty tài chính thiệt hại
Tháng 3-2021, anh Nguyễn Tiến L. (Hà Nội) tra cứu và phát hiện trên dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC - tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) mình có khoản vay quá hạn thuộc nhóm 3 với số tiền tới 177 triệu đồng tại Công ty tài chính FE Credit. Tá hỏa vì chưa từng làm hồ sơ vay tại công ty này, anh đã liên hệ để xác minh. Công ty tài chính cũng ngay lập tức vào cuộc.
Sau khi xác minh, đối chiếu với dữ liệu cá nhân của anh L., FE Credit xác nhận anh L. không hề vay. Kẻ gian đã nhặt được hoặc bằng cách nào đó có được CMND cũ bị mất trước đó của anh L. và thay hình ảnh vào phôi CMND để làm hồ sơ vay tiền qua ứng dụng $nap.
Tinh vi hơn, đối tượng còn sử dụng CMND của anh L. để mở tài khoản đứng tên anh này tại một ngân hàng, rồi sử dụng tài khoản đó để nhận tiền giải ngân.
Ngay sau khi khẳng định đây là một trường hợp giả mạo khoản vay bằng thủ đoạn tinh vi, đại diện FE Credit cho biết anh L. không bị đòi tiền mà được hoàn tất hồ sơ để điều chỉnh thông tin dư nợ tín dụng trên CIC. Như vậy, công ty tài chính bị mất tiền và phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc mới mong có thể lấy lại.
Đây không phải trường hợp cá biệt. Khoảng tháng 2-2021, anh L.T.Lợi (Hà Nội) còn nhận được thư của tòa án về việc yêu cầu anh thanh toán khoản vay cũng với FE Credit. Anh giật mình vì không hề vay và liên hệ ngay lập tức với FE Credit, cung cấp các tài liệu, giấy tờ chứng minh anh bị kẻ gian sử dụng CMND đã bị mất để tạo hồ sơ vay giả mạo danh tính.
Anh Lợi đã phải trải qua một thời gian bồn chồn, nhưng do chứng minh được tài khoản nhận giải ngân khoản vay không phải tài khoản của mình, công ty tài chính đã hoàn tất thủ tục nhằm điều chỉnh thông tin dư nợ tín dụng cho anh Lợi.
Cẩn thận ngay cả với cán bộ tín dụng
Mới đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho hay cũng tiếp nhận thông tin phản ảnh từ khách hàng về việc một số đối tượng làm giả hợp đồng vay để thực hiện các hành vi lừa đảo, thu phí làm hồ sơ/hợp đồng vay nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng thủ đoạn giả mạo hợp đồng vay tiền của ngân hàng với lãi suất thấp cùng các thông tin về ban lãnh đạo ngân hàng đứng tên trên hợp đồng vay. Khách hàng sẽ được yêu cầu thanh toán theo dạng COD (giao hàng thu tiền) thông qua shipper (người giao hàng), bưu điện với chi phí 1,5 - 2,5 triệu đồng để nhận hợp đồng vay.
Bắc Á Bank cũng có cảnh báo: trên thị trường xuất hiện hành vi quảng cáo các hình thức cho vay nhanh trên mạng xã hội/Zalo hoặc mạo danh nhân viên ngân hàng, gọi điện cho khách hàng để giới thiệu các loại hình cho vay với thủ tục dễ dàng, giải ngân nhanh.
Chúng gửi thẻ tự chế giả mạo cán bộ tín dụng/cán bộ thẩm định, sau đó yêu cầu chuyển thông tin CMND, hộ khẩu qua Zalo/Facebook kèm theo một khoản phí ban đầu, sau đó chiếm dụng, thậm chí nhiều người được yêu cầu nộp trước một khoản tiền trả góp cho kỳ thanh toán đầu tiên. Sau khi nhận tiền, chúng chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân.
Công an tỉnh Bắc Ninh cuối năm 2020 cũng phá đường dây làm giả CMND và khởi tố 3 đối tượng, trong đó Phạm Ngọc Lượng (23 tuổi, trú xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) đã tìm cách làm giả CMND để mở tài khoản tại các ngân hàng nhằm mục đích vay tiền và chiếm đoạt tài sản.
Tìm được người đồng ý chụp ảnh để làm giả CMND, Lượng và một đồng phạm đưa người này đến các ngân hàng mở tài khoản để làm thủ tục vay tiền của FE Credit bằng điện thoại. Sau đó, Lượng rút tiền và chia nhau. Với thủ đoạn này, bước đầu cơ quan điều tra xác định nhóm đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt được khoảng 1 tỉ đồng của FE Credit.
Sớm ứng dụng công nghệ vào quy trình cho vay như nhận diện khuôn mặt, chữ ký điện tử... lãnh đạo FE Credit cho hay việc đổi mới công nghệ là việc làm thường xuyên, liên tục.
Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh việc lừa đảo ngày càng tinh vi và liều lĩnh, vì vậy hơn lúc nào hết, đơn vị này "tha thiết bày tỏ mong muốn các cơ quan hữu trách của Nhà nước tiếp tục thúc đẩy nhanh và sớm hoàn thiện việc triển khai rộng rãi gắn chip điện tử cho thẻ căn cước công dân. Điều này sẽ góp phần hạn chế, ngăn chặn được các hành vi gian lận, sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo để thực hiện hành vi phạm pháp".
Trong thời đại công nghệ hiện nay, khi hoạt động tín dụng trên nền tảng kỹ thuật số là xu hướng phát triển tất yếu, công ty tài chính này khuyến cáo người dân luôn đề cao tinh thần bảo mật đối với thông tin cá nhân, góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh.
Cẩn thận fanpage mạo danh các ngân hàng
Một thủ đoạn khác phổ biến đã lâu nhưng rộ lên gần đây là giả mạo trang fanpage, mạng xã hội... của ngân hàng để lừa đảo. Ví dụ nhiều fanpage, group Facebook giả mạo VietinBank như group VietinBank, fanpage Hỗ trợ vay vốn VietinBank...
Những đối tượng giả mạo cán bộ, nhân viên VietinBank đăng các chủ đề trao đổi nghiệp vụ, nhu cầu tài chính như mở tài khoản, mở thẻ, vay tiền... Từ đó tư vấn, đánh vào tâm lý cả tin của khách nhằm lấy cắp thông tin cá nhân (CMND/CCCD, sổ hộ khẩu), thông tin giao dịch (sao kê, OTP, tên đăng nhập, mật khẩu Internet Banking) để chiếm đoạt tài sản.
Theo VietinBank, nhiều khách hàng sau khi truy cập đường link hoặc đơn giản là mở email/tin nhắn... thì thiết bị của khách hàng sẽ bị mã độc xâm nhập và đánh cắp thông tin.
OCB cũng khuyến cáo khách hàng cảnh giác với những cuộc điện thoại, tin nhắn, email tự nhận là nhân viên ngân hàng. Ngân hàng này khẳng định không yêu cầu nạp tiền, chuyển khoản, thanh toán hay thu bất kỳ loại phí nào trong quá trình xem xét khoản vay.
Để bảo mật thông tin và tài sản, VietinBank khuyến cáo khách hàng chỉ truy cập fanpage chính thức và duy nhất của ngân hàng với tên VietinBank, có tick xanh.
Nhiều thủ đoạn lừa đảo vay tiền
Theo một số ngân hàng, hiện có 3 hình thức lừa đảo chính liên quan giấy tờ cá nhân mà người dân cần cảnh giác để tránh thiệt hại. Thứ nhất là mua, bán CMND. Kẻ xấu sử dụng CMND mua lại từ các tiệm cầm đồ, nhặt được hoặc giấy tờ bị mất cắp... sau đó thay hình và sử dụng để đi vay. Khi đó, người bị mất CMND sẽ bị phát sinh dư nợ vay, bị lên nợ xấu và có thể mệt mỏi vì không khai báo khi mất CMND.
Công an làm việc với nhóm nghi can làm CMND và sổ hộ khẩu giả để mở thẻ tín dụng, vay tín chấp rồi chiếm đoạt - Ảnh: CACC
Thứ hai, kẻ xấu có thể thuê người vay hộ để lừa đảo. Hiện trên mạng xã hội và đời thực có cả các đường dây cò mồi dẫn dụ những người khác để họ đứng tên làm hồ sơ vay (thường những người này có trình độ thấp, điều kiện gia đình khó khăn, đối tượng nghiện ngập, cờ bạc...).
Các đối tượng trong đường dây sẽ cho tiền (trả công), chỉ dẫn, hướng dẫn những người bị dẫn dụ để làm hồ sơ vay mua xe máy, đồ gia dụng... Họ sẽ bị dính hồ sơ vay thật, nợ thật, nhưng tiền/hàng hóa thì các đối tượng trong đường dây giữ. Những người này sẽ gặp khá nhiều rắc rối sau khi kẻ xấu hoàn thành mục tiêu chiếm dụng tiền.
Thứ ba, đã xuất hiện trường hợp trắng trợn hơn là làm giả hoàn toàn các hồ sơ, ví dụ như làm giả CMND để đi mở tài khoản và làm hồ sơ vay tại các công ty tài chính, ngân hàng. Như mới đây, Công an TP Hà Nội đã bóc gỡ một đường dây làm CMND và cả sổ hộ khẩu giả để mở thẻ tín dụng, vay tín chấp tại các ngân hàng rồi rút tiền, chiếm đoạt.
TTO - Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa triệt phá đường dây làm giả văn bằng, giấy tờ và môi giới mua bán những loại này. Từ 2019 đến nay, mỗi tháng đường dây này “sản xuất” và tiêu thụ 500 - 1.000 "sản phẩm".
Xem thêm: mth.83771612270301202-iv-hnit-gnac-yagn-uax-ek-gnah-nagn-on-noc-hnaht-gnob-hnal-ney-gnad/nv.ertiout