Mới đây, trường hợp "bỗng dưng mắc nợ xấu" của anh Nguyễn Ngọc Q. (Hà Nội) gây xôn xao dư luận. Theo đó, anh Q. bị kẻ gian làm giả thông tin để vay tiền. Mãi đến khi anh Q. có nhu cầu vay tiền thực sự từ FE Credit, anh mới được thông báo đang có nợ xấu nên không được cấp khoản vay.
Thông tin này khiến nhiều người hoang mang, bởi không biết liệu mình có rơi vào trường hợp bị giả mạo thông tin và mắc nợ xấu như anh Q. hay không. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu là các khoản nợ quá hạn thành toán từ 91 ngày (tính từ ngày đến hạn thanh toán). Có 5 loại nợ, trong đó ba loại là nợ xấu gồm Nợ dưới tiêu chuẩn, Nợ nghi ngờ và Nợ có khả năng mất vốn. Có 2 cách để kiểm tra nợ xấu.
Thứ nhất, truy cập website của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), trực thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Với lần đầu sử dụng, khách hàng cần kê khai các thông tin cá nhân như họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ. Kèm theo đó là 3 bức ảnh gồm mặt trước, mặt sau của chứng minh thư/căn cước công dân và ảnh chụp chân dung đang cầm chứng minh thư/căn cước công dân.
Sau một vài ngày làm việc để xác thực thông tin, tài khoản của khách hàng sẽ được kích hoạt và có thể tra cứu dữ liệu tín dụng của cá nhân, để biết mình có đang vướng nợ xấu hay không.
Cách thứ hai, kiểm tra trực tiếp với ngân hàng hoặc công ty tài chính. Khách hàng cũng phải cung cấp các thông tin cá nhân chi tiết cho ngân hàng, công ty tài chính.
Hà My
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị