Phụ nữ trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển Phương Tây không cần những câu nói sáo rỗng hay một ngày đặc biệt để được trân trọng. Họ đòi hỏi quyền được bình đẳng và thấu hiểu trong suốt 360 ngày thay vì những bông hoa hay món quà ru ngủ trong một số ngày lễ.
"Ngày không có phụ nữ"
Tại Mỹ, phong trào “Ngày không có phụ nữ” thường được tổ chức vào dịp 8/3. Theo đó, phụ nữ không cần làm gì cả, không đi làm cũng không đụng vào việc nhà, bỏ mặc mọi thứ và đeo một phụ kiện màu đỏ ra đường để nghỉ ngơi hoặc thư giãn, hay cũng có thể tham gia các cuộc biểu tình hòa bình vào ngày này.
Mục đích chính của cuộc vận động này là đòi quyền bình đẳng cho nữ giới, khẳng định vị thế của phái nữ trong nền kinh tế cũng như xã hội Mỹ.
Không riêng tại Mỹ, khoảng 60.000 phụ nữ tại thành phố Toronto-Canada cũng hưởng ứng phong trào này năm nay. Mỗi năm vào dịp này, hàng trăm nghìn phụ nữ Canada sẽ đổ ra đường không phải để ăn mừng mà là để biểu tình, đòi hỏi nhiều hơn những quyền lợi mà họ xứng đáng được có.
Tại châu Á, hàng trăm nghìn người đã tham gia phong trào “One Billion Rising” nhằm biểu tình đòi sự công bằng cho nữ giới. Những sự kiện tương tự cũng diễn ra ở châu Âu qua nhiều nước như Pháp, Đức, Iceland...
Trên thực tế, lịch sử của ngày 8/3 cũng thấm đẫm tinh thần đấu tranh của hội chị em. Khởi nguyên của ngày quốc tế phụ nữ hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi, nhưng rất nhiều học giả cho rằng sự kiện ngày 28/2/1909 được tổ chức bởi liên đoàn lao động phụ nữ nhà máy dệt tại New York là một trong những sự kiện sớm nhất có liên quan đến quyền bình đẳng giới cũng như chống chiến tranh.
Tiếp theo đó, nhiều cuộc mít tinh, hội họp, thậm chí biểu tình đã được tổ chức bởi các đảng phải, liên đoàn khác nhau vào những mốc thời gian khác nhau tại hàng loạt các nước như Đức, Áo, Đan Mạch, Mỹ, Nga... với sự tham gia của hàng triệu nữ giới.
Mục đích chính của các cuộc biểu tình này chủ yếu vẫn còn nhập nhằng giữa biểu tính chống chiến tranh và đòi quyền bình đẳng cho phái nữ. Hầu hết các sự kiện vẫn được tổ chức vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 2 và phải đến tận năm 1914, Ngày quốc tế phụ nữ mới được thống nhất là ngày 8/3.
Đến ngày 8/3/1917, phụ nữ tại thành phố St. Petersburg biểu tình chống chiến tranh, đòi Sa hoàng khi đó ngừng tham chiến trong chiến thanh thế giới I. Sau này, Vladimir Lenin cùng các lãnh đạo cộng sản khác đã quyết định để ngày 8/3 chính thức là ngày lễ cho nữ giới. Từ đó, truyền thống chào mừng ngày phụ nữ lan rộng trong các nước xã hội chủ nghĩa, bao gồm Việt Nam.
Chính vì tưởng niệm ngày phụ nữ vùng lên mạnh mẽ mà ngày 8/3 trở thành ngày cờ hoa cho các chị em phụ nữ ở những nước xã hội chủ nghĩa. Đây là ngày trọng đại, dùng để ăn mừng cho phái nữ, để tri ân họ với quà và hoa.
Tuy nhiên, lịch sử của đấu tranh nữ quyền của phụ nữ Phương Tây lại khốc liệt hơn nhiều và đây là lý do nhiều chị em vẫn xuống đường biểu tình trong ngày này.
Năm quốc tế phụ nữ
Dù vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng sự kiện hàng trăm nghìn phụ nữ Iceland xuống đường biểu tình vào năm 1975 được cho là đã khơi gợi cảm hứng cho các nhà chính trị tưởng niệm ngày trọng đại này cũng như đặt dấu mốc cho các cuộc biểu tình sau này.
Theo đó, phái nữ Iceland vào ngày 24/10/1975 đã biểu tình chống đối những bất công trong xã hội, việc làm cũng như thu nhập. Khoảng 90% nữ giới tại đây đã từ chối đi làm, dọn nhà hay bất kỳ công việc nào khác nguyên 1 ngày nhằm phản đối tình trạng bất bình đẳng nam nữ.
Vào thời đó, phụ nữ Iceland chỉ kiếm được 40% thu nhập so với nam giới dù cùng làm một công việc, trong khi nhiều người thậm chí không kiếm nổi việc làm vì quá bận chăm sóc con cái, gia đình.
Trước sự bất công ngày một quá đáng, liên đoàn phụ nữ Iceland đã lãnh đạo chị em tổ chức 1 ngày đình công nhằm thay đổi thực trạng này. Rất nhiều nhà máy, sân bay, cửa hàng... đã phải tạm đóng cửa trong ngày 24/10 đó.
Riêng tại thủ đô Reykjavik, khoảng 25.000 phụ nữ đã tụ tập để nghe diễn thuyết cũng như thể hiện sự bất bình đối với xã hội.
Trong sự kiện lịch sử đó, đàn ông đã phải làm nhiều công việc mà họ chưa bao giờ phải thực hiện. Các ông bố buộc phải đưa con cái họ đến nơi làm để trông coi và phải tự làm bữa ăn cho chúng. Hệ quả là các món xúc xích đóng sẵn tại các cửa hàng tiện lợi đã bị bán hết sạch trong 1 ngày cho các ông bố này.
Tầm ảnh hưởng của sự kiện này lớn đến nỗi Liên hiệp quốc (UN) đã phải tuyên bố năm 1975 là “Năm quốc tế phụ nữ”, đồng thời mời 5 người đại diện của Liên hiệp phụ nữ Iceland thành lập một hội đồng riêng trong tổ chức. Chính hội đồng này đã tích cực quảng bá ý tưởng tạm nghỉ 1 ngày trong năm cho phái nữ cũng như đấu tranh cho quyền bình đẳng nữ giới.
Dần dần, tầm ảnh hưởng của sự kiện ngày 24/10 lan ra toàn thế giới. Vào năm 1976, chính phủ Iceland phải ban hành một bộ luật mới về sự bình đẳng nam nữ nhưng chúng không thay đổi nhiều thực trạng thời đó. Tuy nhiên, sự kiện này đã khơi gợi cảm hứng cho phong trào nữ quyền của hàng loạt các quốc gia sau đó.
Thậm chí chính sự kiện này đã tạo tiền đề cho việc trúng cử của nữ Tổng thống đầu tiên trên thế giới tại Iceland vào năm 1980, bà Vigdis Finnbogadottir.
Kể từ đây, nhiều tổ chức nữ quyền được thành lập trên thế giới và thường xuyên tổ chức kỷ niệm ngày biểu tình ở Iceland.
Cũng chính nhờ sự kiện này mà quan điểm của phái nữ phương Tây về ngày 8/3 rất khác so với nhiều nước. Họ xuống đường biểu tình, đòi quyền lợi cho bản thân chứ không ngồi chờ nhận hoa, nhận quà.
Hội chị em thế giới đang vùng lên. Còn Việt Nam thì sao?
Khảo sát của Oxfam America cho thấy phụ nữ chiếm 2/3 số lao động nhận mức lương tối thiểu tại Mỹ. Hàng triệu phụ nữ Mỹ đã bị bóc lột sức lao động hoặc bị đẩy vào các ngành nghề bất hợp pháp bởi vì bất bình đẳng xã hội, bởi họ không nhận được các công việc bình thường như cánh đàn ông.
Nói một cách đơn giản, hàng chục triệu phụ nữ Mỹ hiện sẵn sàng bỏ việc 1 ngày để xuống đường biểu tình trong ngày 8/3 tới để phản đối những bất công mà họ đang phải nhận.
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.49315020180301202-3-8-yagn-auq-nahn-nen-gnohk-un-uhp-oas-iat/nv.zibefac