Sáng 5/3, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2021 là hơn 6%. Ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh, Trung Quốc giữ các chỉ số kinh tế trong phạm vi thích hợp .
"Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm phù hợp với điều kiện thực tế. Con số hơn 6% cho phép chúng tôi đạt được sự phát triển cao, chất lượng hơn, hiệu quả hơn, bền vững và an toàn", Thủ tướng Trung Quốc nêu rõ.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường báo cáo trước Quốc hội
Kỳ họp Quốc hội lần này của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh các vụ vỡ nợ trái phiếu ở nước này ra gia tăng và sự phục hồi tiêu dùng sau đại dịch vẫn còn rất mong manh. Nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn đang vướng vào nhưng căng thẳng ngoại giao với Mỹ và một số quốc gia khác.
Mục tiêu khiêm tốn
Con số tăng trưởng hơn 6% mà Chính phủ Trung Quốc đặt ra thấp hơn nhiều so với mức dự báo trung bình 8,4% mà Bloomberg khảo sát trước đó.
Với con số chính thức được công bố sáng nay, ông Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược vĩ mô tại China Renaissance Securities Hong Kong, nhấn mạnh: "Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế linh hoạt hơn để nhường chỗ cho cải cách cơ cấu và giải quyết những bất ổn của đại dịch".
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Trung Quốc được đánh giá là "thận trọng"
Ông Pang cho biết thêm, gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu này trong năm nay. Điều này cho thấy, các nhà chức trách đang chuyển trọng tâm sang chất lượng tăng trưởng thay vì tốc độ.
Không nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu đó, nhiều khả năng là vượt. Điều này cho phép chính phủ rảnh tay để đối phó với các vấn đề khác như sự mở rộng quá mức của ngành bất động sản, sự độc quyền của các công ty công nghệ lớn hay sự mở rộng vốn vô trật tự
Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management
Một chi tiết đáng chú ý nữa là thay vì đưa ra mục tiêu tăng trưởng trung bình trong 5 năm tới, chính phủ Trung Quốc có kế hoạch đề xuất mục tiêu hàng năm phù hợp với tình hình thực tế.
Theo các nhà phân tích đến từ Goldman Sachs, cách tiếp cận này cho thấy "một mặt tăng trưởng vẫn rất quan trọng với chính phủ Trung Quốc. Mặt khác, chính phủ cố gắng tránh những mục tiêu tương đối cứng nhắc hay khó đạt được. bị trờ thành nghĩa vụ, từ đó dẫn đến việc kích thích quá mức và mất cân đối trong cơ cấu kinh tế.
Cân bằng
Bắc Kinh đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách ở mức khoảng 3,2%, giảm so với mức cao nhất là hơn 3,6% vào năm ngoái, nhưng cao hơn mức 3% mà các nhà phân tích mong đợi. Hạn ngạch trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương được đặt ở mức 3,65 nghìn tỷ Nhân dân tệ, cao hơn con số dự kiến là 3,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ, nhưng thấp hơn 3,75 nghìn tỷ Nhân dân tệ của năm ngoái.
Trung Quốc không có kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt trong năm nay, sau lần phát hành đầu tiên trong năm ngoái để hỗ trợ nền kinh tế đang lao đao vì đại dịch.
Ông Michael Hirson, người đứng đầu khu vực Trung Quốc và Đông Bắc Á ở Eurasia Group nhận định: Sự tương phản giữa thâm hụt ngân sách cao hơn dự kiến và mục tiêu tăng trưởng thận trọng cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng đảm bảo tăng trưởng kinh tế đồng thời ngăn ngừa rủi ro tài chính.
Tôi nghĩ sự tương phản đó cho thấy Bắc Kinh bắt đầu chú ý đến những rủi ro tài chính dài hạn và quan tâm đến tính bền vững trong tăng trưởng
Michael Hirson, người đứng đầu khu vực Trung Quốc và Đông Bắc Á ở Eurasia Group
Các nhà kinh tế cũng cùng chung quan điểm rằng, cách tiếp cận này cho thấy giới chức Trung Quốc sẽ chỉ rút các biện pháp kích thích kinh tế trong đại dịch "một cách từ từ" và không có bất kỳ động thái mạnh mẽ nào.
Các chuyên gia nhận định Trung Quốc đang tập trung cho chất lượng thay vì tốc độ tăng trưởng
"Các con số, lớn hơn kỳ vọng của chúng tôi và thị trường, cho thấy lập trường của chính phủ là dần dần bình thường hóa chính sách. Chính phủ hướng tới trọng tâm là bình đẳng phúc lợi xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên tinh thần cải thiện phân bổ thu nhập", Michelle Lam, nhà kinh tế tại Societe Generale SA ở Hong Kong, cho biết
Tommy Xie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại Ngân hàng OCBC, cũng bày tỏ quan điểm với tờ Bloomberg: "Việc dần dần bỏ các biện pháp hỗ trợ tài khóa là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy các chính sách vĩ mô không có gì thay đổi".
Tiêu dùng và đổi mới
Hanfeng Wang, chiến lược gia trưởng tại CICC, nói với Bloomberg, một trọng tâm chính khác trong báo cáo của Chính phủ Trung Quốc là thúc đẩy tiêu dùng trong nước và tăng cường đổi mới để đạt được tăng trưởng bền vững hơn.
"Thông điệp của báo cáo này là Chính phủ đang cố gắng thúc đẩy nhu cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng trong giai đoạn kế hoạch 5 năm lần thứ 14", ông Wang đề cập đến kế hoạch phát triển kinh tế của Trung Quốc từ năm 2021 đến năm 2025.
Kích thích tiêu dùng tiếp tục là động lực cho kinh tế Trung Quốc
Trong khi đó, bà Yue Su, nhà kinh tế chính tại Economist Intelligence Unit lưu ý: "Nợ hộ gia đình tại Trung quốc có thể trở nên tồi tệ hơn do làn sóng đầu cơ bất động sản gần đây.
Theo báo cáo, Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản lên 10,6% trong năm nay, trong khi chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển sẽ tăng hơn 7%/ năm trong vòng 5 năm tới.
Khả năng tự cung tự cấp về công nghệ sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển của Trung Quốc. Tiêu dùng và đổi mới dự kiến sẽ là hai động lực tăng trưởng của Trung Quốc vào năm 2021 và 2022
Bruce Pang, China Renaissance
Ông Chaoping Zhu, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JP Morgan Asset Management lưu ý: Mục tiêu của báo cáo nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng năng suất lao động cao hơn GDP với ngụ ý đầu tư nhiều hơn vào công nghệ cũng như cải cách kinh tế theo định hướng thị trường.
Mục tiêu carbon
Trong báo cáo, Chính phủ Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 3% tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP, đồng thời tiếp tục giảm phát thải các chất ô nhiễm chính.
"Giảm phát thải CO2 là một mục tiêu khó", ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng tại Australia and New Zealand Banking Group ở Hong Kong, cho biết.
"Đây là lời hứa của Trung Quốc với thế giới và là một chính sách đối ngoại lớn. Đây cũng là một lời cảnh báo đối với ngành thâm dụng tài nguyên", ông Yeung nói thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.44115011180301202-couq-gnurt-auc-gnort-naht-gnourt-gnat-ueit-cum-uas-gnad-taht-us/et-hnik/nv.vtv