Rằm tháng giêng theo phong tục là một trong những ngày quan trọng nhất trong năm trong việc cúng lễ. Năm nay rằm tháng giêng rơi vào cuối tuần (thứ bảy 24-2) nên thu hút đông đúc thực khách vừa đi chùa vãn cảnh kết hợp thưởng thức ẩm thực chay, gặp bạn bè.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trưa ngày 24-2, các hàng quán chay khu vực trung tâm TP.HCM đông nghẹt khách. Đặc biệt quán chay xung quanh các chùa nổi tiếng có thời điểm quá tải, kẹt bàn.
Tại quán cơm chay Thôi Kệ nằm trên đường Lê Hồng Phong (quận 10), ngay cạnh Việt Nam Quốc Tự, mới khoảng 11h trưa nhưng quán đã kín chỗ, hơn 10 nhân viên làm việc hết công suất mới kịp phục vụ thực khách.
Để mua được phần cơm chay, nhiều người phải chen nhau xếp hàng chờ đợi. Không chỉ những người dùng tại quán mà nhiều shipper cũng chen chúc chờ đến lượt để lấy đơn hàng.
Mua 4 suất cơm chay cho cả gia đình, chị Mai Chung (ngụ quận 5) chia sẻ gia đình chị không theo đạo Phật nhưng vào ngày rằm lớn nên cả nhà quyết định rủ nhau đi chùa, ăn chay.
"Vừa ra Tết ai cũng ngán bánh chưng, thịt mỡ, chả giò nên rằm tháng giêng muốn ăn chay để thanh lọc cơ thể lẫn tâm hồn", chị nói.
Bà Nguyễn Thị Thủy - chủ quán Thôi Kệ - chia sẻ lượng khách ngày rằm tháng giêng tăng gấp 5 ngày thường, bà vừa thuê thêm nhân viên thời vụ, vừa phải nhờ thêm người nhà hỗ trợ phụ việc mới kịp phục vụ.
Tương tự, nhà hàng chay Vajra nằm trên cung đường này cũng đông nghẹt khách đầu giờ trưa. Ngoài các món chay thông thường, cửa hàng này còn phục vụ thêm các món mới như cơm hấp lá sen, chả giò trái cây...
Theo chị Nguyễn Thị Thúy - chủ cửa hàng, khách ghé ăn đông nhất vào 11h - 14h và 16h - 20h, giá các món thông thường dao động từ 60.000 - 70.000 đồng, với lẩu chay giá từ 180.000 đồng/suất.
Trong khi đó, bà Phạm Thảo Nguyên - quản lý nhà hàng Việt Chay nằm trong một con hẻm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đối diện chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) - cho hay dịp này nhà hàng phải lược bớt các món chay chế biến cầu kỳ, nhiều bước để phục vụ thực khách nhanh chóng, tốt nhất.
Theo bà Thảo Nguyên, ngày thường nhà hàng đón 90 - 120 khách nhưng vào rằm tháng giêng đón tới 500 - 600 khách.
“Nhu cầu ăn chay của mọi người ngày càng nhiều hơn, đặc biệt từ sau dịch và các ngày rằm lớn như tháng tư, tháng bảy”, bà Nguyên nói.
Sáng 24-2, dù trời mưa rét nhưng vẫn có hàng ngàn người dân đội mưa đến phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) để lễ phủ trong ngày rằm tháng giêng.