Viện KSND tỉnh Điện Biên mới đây đã hoàn tất cáo trạng vụ án "vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất" và "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", xảy ra tại dự án nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên.
9 bị can bị truy tố, trong số này có ông Nguyễn Tuấn Anh; bà Trần Thị Vân, cựu Giám đốc Trung tâm Quản lý đất đai TP.Điện Biên Phủ (gọi tắt là Trung tâm Quản lý đất đai); bà Nguyễn Thị Khương, nhân viên hợp đồng của Trung tâm Quản lý đất đai...
Lập phương án bồi thường "3 không"
Cáo trạng thể hiện, tháng 12.2020, để thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên, UBND TP.Điện Biên Phủ giao Trung tâm Quản lý đất đai chủ trì đo đạc, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng.
Bị can Nguyễn Thị Khương là trưởng nhóm kê khai, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người có đất bị thu hồi, trong đó có hơn 230.000 m2 của Công ty CP chế biến nông sản Điện Biên.
Theo phân công, bà Khương có nhiệm vụ cùng đại diện công ty, cán bộ địa chính và đại diện đơn vị đo đạc kiểm đếm cây cối, hoa màu, tài sản trên đất bị thu hồi, thời điểm này đã thu hoạch xong. Tuy nhiên, bị can lập phương án bồi thường mà không trực tiếp tìm hiểu người bị thu hồi đất có trực tiếp sản xuất trên diện tích đất bị thu hồi hay không, không tổ chức niêm yết công khai phương án bồi thường và không tổ chức lấy ý kiến người bị thu hồi đất.
Phương án bồi thường sau đó được giám đốc Trung tâm Quản lý đất đai ký duyệt, chuyển đến phòng tài chính thẩm định. Do phương án không có nội dung cây trồng, vật nuôi là gì (bởi thực tế lúa đã thu hoạch), cán bộ phòng tài chính yêu cầu bổ sung. Bị can Khương liền thuê một người viết thêm thông tin "hỗ trợ sản lượng lúa" vào 47 biên bản, rồi trình lại.
Sau khi bổ sung, hồ sơ vẫn thiếu biên bản niêm yết công khai phương án bồi thường, ý kiến của người bị thu đất, xác nhận người bị thu hồi đất có trực tiếp sản xuất nông nghiệp hay không ... Tuy vậy, phòng tài chính vẫn ký duyệt, chuyển phòng TN-MT.
Tiếp đó, phòng TN-MT trình UBND TP.Điện Biên Phủ mà không trực tiếp kiểm tra hồ sơ. Đến tháng 8.2021, Phó chủ tịch UBND TP.Điện Biên Phủ Nguyễn Tuấn Anh ký quyết định phương án bồi thường sai, qua đó gây thiệt hại cho Nhà nước gần 7 tỉ đồng.
Vẫn theo cáo trạng, trong lần lên phương án hỗ trợ đợt sau cho 48 công nhân nhận khoán đất của Công ty CP chế biến nông sản Điện Biên, bị can Khương tiếp tục không thu thập thêm tài liệu mà dựa hoàn toàn vào các số liệu sai lệch đợt trước. Việc làm này khiến Nhà nước thiệt hại hơn 6 tỉ đồng do bồi thường sai lệch.
Đáng chú ý, bà này còn lấy lý do "bồi dưỡng cho công nhân giải phóng mặt bằng làm việc vất vả" để đề nghị công ty "ủng hộ" tiền. Khi công ty không đồng ý, bị can gây khó khăn bằng cách dừng chi trả tiền bồi thường.
Trước động thái trên, lãnh đạo công ty đã chủ động hẹn gặp bà Khương, hai bên thống nhất công ty sẽ phải chi 30% tiền bồi thường để "cảm ơn", tương ứng 1,85 tỉ đồng. Tiền được cho vào một thùng giấy, bỏ vào túi đen to, giao trực tiếp cho bà Khương.
Nhận tiền, bị can không "bồi dưỡng" cho người làm giải phóng mặt bằng mà dùng để mua xe máy, đặt cọc mua đất và gửi tiết kiệm ngân hàng...
Thỏa thuận ăn chia, chưa kịp chia thì bị bắt
Ngoài dự án nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên, bà Nguyễn Thị Khương còn bị cáo buộc có sai phạm thứ hai, liên quan dự án nâng cấp QL279B.
Tháng 12.2020, Ban Bảo trì đường bộ (Sở GTVT tỉnh Điện Biên) đề nghị ký hợp đồng với Trung tâm Quản lý đất đai để thực hiện nhiệm giải phóng mặt bằng dự án.
Biết được thông tin này, bà Khương gặp cựu Giám đốc Trung tâm Quản lý đất đai Trần Thị Vân để xin nhận việc cho nhóm mình. Hai bên thỏa thuận bà Khương sẽ trích lại 30% chi phí giải phóng mặt bằng cho trung tâm (trích ngoài quy định pháp luật).
Bị can Khương rủ thêm 10 người là họ hàng hoặc người quen biết cùng làm. Do nhóm này chưa có tư cách pháp nhân để triển khai dự án, cựu giám đốc Trần Thị Vân đã nhận họ vào làm tại Trung tâm Quản lý đất đai, ký hợp đồng thời vụ để hợp thức hóa, mức lương 4,5 triệu đồng/tháng, từ đó chi sai và gây thiệt hại ngân sách hơn 240 triệu đồng.
Với số tiền trích ngoài 30% theo thỏa thuận, bị can Khương chưa kịp chuyển lại cho Trung tâm Quản lý đất đai thì bị bắt. Trung tâm cũng đã yêu cầu nhiều người trong nhóm của bị can Khương nộp lại số tiền chi không đúng quy định, nhưng chưa cá nhân nào thực hiện.
Viện kiểm sát xác định, tổng thiệt hại của vụ án là hơn 13 tỉ đồng. Đến nay, các bị can đã khắc phục được hơn 3 tỉ đồng, trong đó bà Khương nộp hơn 1,6 tỉ đồng.