Ngày 1-3, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho biết đã có báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát của đoàn liên ngành kiểm tra các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp (Đoàn kiểm tra liên ngành 415 - PV) để mất rừng nhưng địa phương lúng túng trong việc đòi bồi thường...
Nhiều dự án trồng rừng để mất rừng hàng ngàn hecta
Năm 2009, UBND tỉnh Đắk Nông giao 898ha rừng và đất rừng cho Công ty CP Sản xuất, chế biến Nông Sản Việt (tiền thân của Công ty CP Basalstone) để thực hiện dự án nông lâm nghiệp tại 2 tiểu khu 1698 và 1706, thuộc xã Trường Xuân, huyện Đắk Song.
Thời điểm giao đất năm 2010, dự án có 653,2ha rừng tự nhiên và 244,9ha đất không có rừng. Đến tháng 10-2017, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông xác định diện tích rừng dự án chỉ còn 246ha, tức là có gần 362ha rừng tự nhiên bị mất; 373,2ha rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.
Đến tháng 10-2023, kết quả kiểm tra của Đoàn 415 cho thấy diện tích rừng bị phá của dự án này nâng lên 408ha và chỉ trồng được 33/196,6ha rừng theo quy hoạch.
Tương tự, Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Đắk Nông - Sài Gòn ở huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) được giao 591,81ha, trong đó kế hoạch trồng hơn 300ha rừng và quản lý bảo vệ hơn 204ha rừng.
Đến hết năm 2023, Đoàn kiểm tra 415 xác định diện tích rừng mà doanh nghiệp này đã trồng được là… 0ha.
Trồng từng bằng 0 nhưng doanh nghiệp để mất hơn 80ha rừng; 145ha đất bị lấn, chiếm trái phép. Doanh nghiệp này cũng còn nợ hơn 4 tỉ đồng tiền thuế.
Đây chỉ là 2 trong số 15 dự án được Đoàn kiểm tra liên ngành 415 tỉnh Đắk Nông khoanh vào nhóm có nhiều vi phạm đầu tư, về quản lý đất đai và quản lý bảo vệ rừng.
Xếp chung nhóm này có thể kể đến như: Công ty TNHH Ngọc Thạch, Công ty TNHH Đầu tư Long Sơn, Công ty TNHH Việt Can, Công ty TNHH Bảo Lâm, Công ty cổ phần Thiên Sơn…
Tổng diện tích tỉnh Đắk Nông giao cho các dự án này là gần 6.000ha. Đến cuối năm 2023, kết quả cho thấy các dự án chỉ mới trồng được 257,4ha rừng (đạt hơn 12% quy hoạch), 210,7ha cao su (đạt khoảng hơn 28% quy hoạch) và hơn 268ha cây khác.
Diện tích rừng tự nhiên của các dự án này đã bị mất là hơn 1.912ha (chiếm hơn 76% tổng diện tích quy hoạch dự án). Tổng diện tích rừng và đất rừng đã bị người dân lấn chiếm, trồng các loại cây công nghiệp, cây nông nghiệp khoảng gần 3.500ha.
Tỉnh loay hoay đòi bồi thường
Để xử lý triệt để sai phạm, Đoàn kiểm tra 415 đã đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục giao Thanh tra tỉnh thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất, công tác quản lý bảo vệ rừng và thực hiện nghĩa vụ tài chính của nhiều dự án, trong đó có 2 dự án trên.
Mục đích của việc thanh tra là làm cơ sở thu hồi đất và thực hiện quy trình chấm dứt hoạt động dự án vi phạm.
UBND tỉnh Đắk Nông cũng xem xét thu hồi toàn bộ diện tích dự án của 5 doanh nghiệp khác, gồm: Công ty TNHH Duy Hòa, Công ty TNHH Ngọc Thạch, Công ty TNHH Chế biến, trồng trọt, chăn nuôi Thịnh An Khương, Công ty TNHH Việt Can và Công ty TNHH MTV Sản xuất, thương mại, dịch vụ Bảo Châu. Đối với các dự án còn lại, đoàn yêu cầu thanh tra, đề nghị thu hồi một phần.
Trả lời câu hỏi bằng văn bản cho Tuổi Trẻ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết đơn vị này đang phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, tính toán giá trị thiệt hại, tham mưu UBND tỉnh yêu cầu các chủ dự án bồi thường thiệt hại đối với diện tích rừng bị phá theo quy định.
Đến nay UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại về rừng đối với 15 dự án. Đã có 3 dự án nộp tiền bồi thường thiệt hại về rừng với số tiền khoảng 500 triệu đồng, các doanh nghiệp còn lại chưa chấp hành.
Đòi bồi thường khó vì hiện chưa có chế tài xử lý doanh nghiệp chây ì nộp tiền bồi thường, một số dự án không còn tư cách pháp nhân, không liên hệ được…
Đề nghị 2 bộ hướng dẫn thủ tục chế tài, xử lý
Nói thêm về việc này, ông Lê Trọng Yên - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, trưởng đoàn 415 - thừa nhận gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc đòi bồi thường thiệt hại về rừng.
Việc này cũng có lỗi từ các ban ngành, chính quyền địa phương ở thời điểm giao rừng cho các dự án. Việc giao rừng chưa rõ ràng, chủ yếu trên giấy, không có hợp đồng ràng buộc… nên việc xử lý bồi thường không biết căn cứ vào đâu.
"UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp hướng dẫn về trình tự thủ tục, chế tài xử lý trong việc yêu cầu các doanh nghiệp bồi thường thiệt hại cho Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh Đắk Nông vẫn chưa nhận được văn bản phản hồi của hai bộ", ông Yên thông tin.
TTO - Liên quan đến việc để mất đến hơn 2.000ha rừng, đất rừng ở Đắk Nông, Chi cục Kiểm lâm tỉnh này đề nghị chỉ kiểm điểm các cán bộ liên quan, còn lại nhiều cán bộ đã chết, nghỉ hưu hoặc đã bị kỷ luật từ trước... nên không thi hành kỷ luật.