Cuộc sống hạnh phúc của chị Vân và những đứa con không cùng máu mủ tại căn nhà Hoàng Yến, làng SOS quận Gò Vấp, TP.HCM - Video: CHÂU TUẤN
Hạnh phúc khi được nghe hai tiếng "Mẹ ơi"
Trước khi trở thành "dì tập sự" của làng trẻ em SOS (Gò Vấp, TP.HCM), chị Đào Minh Hải Vân đã tốt nghiệp đại học ngành dược học và từng là chủ của một cửa hàng thuốc, nhưng chị không cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình.
Sau một thời gian tìm hiểu, chị quyết định dừng công việc và nộp đơn xin vào làng. Với chị Vân, mô hình gia đình của làng là điều mà chị tâm huyết nhất. Tại đây, các em sẽ được những bà mẹ chăm sóc như một gia đình thật sự. Các con sẽ không cảm thấy bơ vơ, thiếu thốn.
Thật ra, tâm nguyện được chăm sóc các em có hoàn cảnh kém may mắn đã được nung nấu trong lòng chị Vân trước đó, nhưng phải đến khi tìm hiểu về làng trẻ SOS, "ngọn lửa" ấy mới được thắp lên và "dù công việc này không có lương, tôi vẫn sẽ làm đến cùng".
"Lúc tôi nói với gia đình về quyết định này, ba mẹ không đồng ý. Ba mẹ biết khi vào đây rồi, tôi sẽ không lấy chồng. Ba mẹ nào cũng muốn con mình có một cuộc sống ổn định mà. Nhưng sau đó mẹ tôi đã dành thời gian tới thăm làng, thấy cách nuôi dạy trẻ ở làng rất hay nên chấp nhận cho tôi nộp đơn" - chị Vân tâm sự.
Niềm hạnh phúc mỗi ngày của chị Vân là được nghe các con gọi tiếng "mẹ ơi" - Ảnh: CHÂU TUẤN
Muốn trở thành "mẹ chính thức", những người như chị phải trải qua 2 năm làm "bà dì tập sự". Khi dì Vân đến hỗ trợ cho người mẹ chính thức của ngôi nhà số 7 (nhà Hoàng Yến), may mắn thay, các bé rất ngoan và nghe lời dì.
Thêm phần người mẹ cũ cũng đã đến tuổi nghỉ hưu nên dì Vân trở thành mẹ của các bé sớm hơn. Theo chị, việc chăm sóc cho các con vất vả hơn nhiều lần so với công việc của chị trước đây. Tuy vậy, khi nhắc đến các con, đôi mắt chị tràn đầy niềm hạnh phúc.
"Tôi đến với ngôi nhà số 7 này được 10 ngày thì các bé trong nhà bất ngờ hỏi dì ơi, con gọi dì bằng mẹ được không? Lúc ấy, cảm xúc trong tôi như vỡ òa, tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình có các con trên đời". Thời gian cứ thế trôi qua, đến nay chị Vân đã trở thành mẹ của 7 đứa con.
Muốn cho các con một gia đình thật sự
Trong suốt khoảng thời gian tôi ghé thăm ngôi nhà của chị, bé Tí (2 tuổi) - em út trong nhà - liên tục quấy khóc, đòi mẹ. Tuy nhiên, chị Vân luôn ân cần vỗ về và xoa dịu bé. Lần đầu "học làm mẹ", vất vả là thế nhưng chị Vân luôn cảm thấy công việc này không quá khó khăn.
Các thành viên trong ngôi nhà yêu thương nhau như một gia đình thật sự - Ảnh: CHÂU TUẤN
"Giám đốc ở làng và các mẹ ở những nhà khác giúp đỡ tôi rất nhiều. Thời gian rảnh, mọi người hay ngồi lại tâm sự chuyện nuôi con với nhau, động viên nhau để cùng chăm sóc các con tốt hơn. Làng cũng thường xuyên tổ chức những lớp học, những buổi hội thảo để nâng cao khả năng nuôi trẻ cho các mẹ.
Thời gian đầu, nỗi nhớ nhà cứ thường trực trong lòng. Nhưng ngày qua ngày, cuộc sống bận bịu với việc chăm sóc các con đã lấp đầy khoảng trống trong lòng tôi".
Mỗi tháng, các bà mẹ của làng trẻ SOS có hai ngày phép để về thăm gia đình. "Từ khi nhận bé Tí, tôi thường xuyên chở bé về nhà thăm ba mẹ của mình. Tôi muốn cho các con có một gia đình thật sự.
Ông bà rất cưng các cháu. Tết vừa rồi, ông bà lên kế hoạch để đón tụi nhỏ về nhà ăn tết. Nhưng dịch COVID-19 làm kế hoạch bị hoãn lại. Ba mẹ tôi còn nói đùa: Tự dưng một ngày mình có 7 đứa cháu ngoại", chị kể.
Những đứa trẻ trước khi vào làng đã phải chịu nhiều tổn thương về mặt tâm lý. Do vậy, chị Vân luôn dành tất cả tình yêu thương của mình cho các con. Bây giờ, hạnh phúc của chị là được nhìn các con lớn lên khỏe mạnh, học hành đến nơi đến chốn và yêu thương nhau như một gia đình thực sự.
Dù vất vả nhưng chị Vân luôn cảm thấy hạnh phúc khi được chăm sóc các con - Ảnh: CHÂU TUẤN
Tuy còn nhỏ tuổi nhưng các em đã biết phụ mẹ làm một số việc trong nhà - Ảnh: CHÂU TUẤN
TTO - Một nhóm tình nguyện viên với nhiều độ tuổi khác nhau đi dọc các tuyến đường TP.HCM, mang theo 1.000 bông hoa tươi thắm cùng lời chúc chân thành dành tặng đến 1.000 phụ nữ bình dị, mộc mạc.
Xem thêm: mth.82433801080301202-gnohk-coud-em-gnab-id-iog-noc-io-id/nv.ertiout