vĐồng tin tức tài chính 365

Phụ nữ xây dựng giá trị trong hành trình khởi nghiệp

2021-03-08 20:04

Phụ nữ xây dựng giá trị trong hành trình khởi nghiệp

Nội dung: Ngọc Diệp - Trình bày: Thu Trang

 

(TCKTSG Online) - Những ngày này, bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Tổng giám đốc TNI King Coffee, đang tất bật với việc triển khai dự án mới, đó là một nền tảng khởi nghiệp dành cho cộng đồng phụ nữ trên cả nước. Mô hình kinh doanh trên ứng dụng WE4.0 (Women Enterprise) được triển khai đồng bộ trên nền tảng trực tuyến (online) lẫn trực tiếp (offline) và nhượng quyền quán cà phê nhỏ WEHome Café thuộc dự án Women Can Do, do bà sáng lập đang thu hút nhiều phụ nữ tham gia. Dự án hướng đến đối tượng là phụ nữ trong mọi độ tuổi, mong muốn làm chủ, kinh doanh theo khả năng và không cần quá nhiều vốn.

 

Năm 2020, bà là một trong những người được nhận được giải thưởng Doanh nhân truyền cảm hứng toàn cầu, khát vọng nào khiến bà khởi xướng dự án khởi nghiệp cho phụ nữ?

Tôi đã từng trải qua những giai đoạn khởi nghiệp khác nhau. Với lần khởi nghiệp này tôi rất hiểu những khó khăn mà người phụ nữ phải vượt qua, phải tự tin và bản lĩnh để đón nhận những giá trị mới. Cơ hội để người phụ nữ xây dựng giá trị của mình trong việc khởi nghiệp là điều vô cùng tuyệt vời, bởi vì ở đây các chị em vừa được làm chủ chính mình vừa phát huy được trí tuệ của minh, tạo được giá trị và làm chủ cuộc đời.

Khi bắt tay triển khai dự án Women Can Do giúp 100.000 phụ nữ khởi nghiệp, bà hướng tới những mục tiêu gì?

Tôi xây dựng một hệ sinh thái với mục tiêu phục vụ 100.000 phụ nữ khởi nghiệp trên hệ thống bán lẻ thông qua việc ứng dụng các công nghệ 4.0, từ đó giúp người phụ nữ nỗ lực tiến đến phía trước với những cách thức kinh doanh mới.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động to lớn đến đời sống và cách thức mưu sinh của nhiều người. Trong giai đoạn khó khăn, có nhiều chị em phụ nữ cần có nguồn thu nhập mới, cơ hội mới, và tôi đã hỗ trợ tạo một mô hình kinh doanh giúp họ làm kinh doanh an toàn.

Dựa trên thương hiệu cà phê của tôi, dựa trên kiến thức, kỹ năng, tất cả mọi thứ tôi có được tôi sẽ trao truyền, hướng dẫn cho chị em. Chúng ta đang có một thế hệ phụ nữ khởi nghiệp, và tôi kỳ vọng rằng sự đóng góp của mình sẽ góp phần phát triển một hệ thống khởi nghiệp bền vững cho phụ nữ Việt Nam.

Dự án khởi nghiệp của bà được chị em hưởng ứng như thế nào?

Dự án ra đời vào tháng 9-2020, được thử nghiệm ở 12 tỉnh thành và có sự khởi đầu khá lạc quan. Theo kế hoạch đến hết năm 2020 thì số người tham gia dự án khoảng 20.000 người và đến năm 2025 sẽ đạt con số 100.000 phụ nữ khởi nghiệp. Điều đáng mừng là dự án mới triển khai được hơn 6 tháng nhưng đã có nhiều đơn vị tại  Philippines, Malaysia, Indonesia, Myanmar… liên hệ với tôi để hợp tác triển khai dự án trên đất nước họ. Tôi cần phải hoàn thiện mô hình này, làm thật là tốt trước khi nhân rộng ra quốc tế.

Khi bắt tay làm dự án phụ nữ khởi nghiệp này, tôi thấy có ý nghĩa vì giúp được nhiều chị em. Tôi gặp nhiều người, mỗi cuộc đời người phụ nữ là một câu chuyện, có chuyện vui và có nhiều chuyện buồn. Đa phần người phụ nữ tham gia vào dự án đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng cũng có người vì đam mê muốn tìm hiểu kinh doanh nên tìm đến dự án.

Tôi vẫn nhớ có một bác làm giáo viên đã về hưu, khi biết về dự án bác đã tìm đến công ty để đăng ký tham gia, bác nói bác khao khát làm kinh doanh từ lâu, nay mới có cơ hội để thực hiện. Những câu chuyện như thế chính là động lực để tôi thấy rằng mình đang đi đúng con đường.

Dịch Covid-19 đã mang lại những khó khăn, thách thức nào đối với cá nhân bà và doanh nghiệp?

Là người lãnh đạo doanh nghiệp, tôi nhìn nhận đại dịch Covid-19 đến thì doanh nghiệp xác định như trong thời chiến. Người lãnh đạo phải có tư duy khác, phải thay đổi để uyển chuyển lèolái doanh nghiệp vượt qua khúc cua vô cùng khó, thì doanh nghiệp mớicó cơ hội đi tiếp và thành công tốt hơn. Quan điểm của tôi lànếu ngày ngày mặt trời vẫn còn mọc thì tôi vẫn còn vận động để tiếp tục phát triển doanh nghiệp.

Đại dịch lần này là thử thách rất lớn,với mỗi người như tôi, với toàn nhân loại. Mỗi người khi đón nhận thử thách này sẽ có những suy nghĩ khác nhau, có người biến nó thành cơ hội của mình, có người lại sợ hãi tựlàm mất cơ hội.

Còn trong cuộc sống, đại dịch có làm bà suy nghĩ khác về những giá trị cuộc sống, giá trị gia đình?

Đại dịch khiến cho tất cả chúng ta suy nghĩ lại rất nhiều về cuộc đời, về con người, về tình yêu thương và rất nhiều thứ khác.

Khi đại dịch xảy ra con người lại quay trở về những giá trị căn bản, mọi người trở về với gia đình bên những người thân yêu, thấy sức mạnh của gia đình, giúp cho các cá nhân bình tâm chọn cho bản thân hướng đi mới. Có đi đâu chăng nữa gia đình luôn luôn quan trọng nhất, là tổ ấm có giá trị rất thiêng liêng.

Ngoài ra dịch bệnh giúp chúng ta hiểu thế nào là nội lực, thế nào là ngoại lực, giúp chúng ta phải tính toán lại các kế hoạch công việc theo chiều hướng tích cực, người khác không làm thì mình làm mình sẽ thành công. Các bạn trẻ mới khởi nghiệp hãy cố gắng lên.

Bà đang mong muốn truyền tải cảm hứng khởi nghiệp đến những phụ nữ, vậy, theo bà, giá trị nào của bản thân một nhà khởi nghiệp, hay nói rộng hơn là một doanh nhân, khiến bà trân trọng nhất?

Điều tôi trân trọng nhất là trí tuệ và lòng từ bi, nó đi xuyên suốt với tôi từ khi tôi biết nhận thức và sẽ đi đến cuối cuộc đời. Bắt tay vào việc gì thì tôi thường nghĩ đến con đường rất xa, nhưng việc đó phải giúp ích cho đời, giúp ích cho người, tôi không bao giờ chỉ nghĩ cho riêng mình mà luôn luôn nghĩ cho người khác.

Khi đại dịch xảy ra con người lại quay trở về những giá trị căn bản, trở về với gia đình bên những người thân yêu, giúp cho các cá nhân bình tâm chọn cho bản thân hướng đi mới.

Mới đây, bà được bổ nhiệm vào vị trí Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam. Bà cảm nhận ra sao về những thách thức, khó khăn cũng như những cơ hội đối với chính bản thân mình và của ngành nghề này?

Tôi mê cà phê, tôi có thể ngồi trong vườn hàng giờ để ngửi mùi hoa cà phê, Tôi luôn ghinhớ khoảnh khắc này. Khi kinh doanh cà phê tôi đau đáu một điều làm thế nào để cà phê Việt Nam có giá trị hơn, người trồng cà phê được ổn định hơn, hưởng lợi nhiều hơn.

Tôi nhận lời tham gia vào Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam để đóng góp và xây dựng làm cho ngành cà phê thành công.

Đây là công việc buộc cuộc đời tôi cần phải đi trên con đường này. Tôi phải xây dựng được thương hiệu cho cà phê Việt Nam vươn tầm ra toàn cầu đồng thời giúp người nông dân trồng cà phê có cuộc sống, thu nhập tốt hơn.
Từ những chuyến đi công tác, tôi nhận thấy trong mỗi ly cà phê đều có bóng dáng hạt cà phê Việt Nam nhưng người tiêu dùng thế giới gần như không biết Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới và cũng không biết chất lượng hạt cà phê Việt Nam lại ngon đến vậy.

Ngay tại chính thị trường Việt Nam, tôi nghĩ cần phải định nghĩa lại, tổ chức lại để giúp cho ngành cà phê phát triển tốt hơn, bài bản, bền vững hơn. Bài học chúng ta nhìn thấy, Brazil là đất nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới, 15 năm trước họ đã phải tư duy lại, tổ chức lại để giữ vững vị trí này, còn chúng ta không thay đổi chắc chắn sẽ mất vị trí hiện nay.

Trước nguy cơ như vậy tôi đã có những kế hoạch, chiến lược để cùng các thành viên của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam góp phần giữ vững vị trí, vị thế của cà phê Việt Nam. Sắp tới đây tôi sẽ đề xuất thành lập Hiệp hội cà phê đặc sản Việt Nam để giúp tăng giá trị xuất khẩu, giá trị thương hiệu để cả thế giới biết đến nhiều hơn cà phê Việt Nam, tin dùng nhiều hơn nữa cà phê Việt Nam.

Xem thêm: lmth.-peihgn-iohk-hnirt-hnah-gnort-irt-aig-gnud-yax-un-uhp/453413/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phụ nữ xây dựng giá trị trong hành trình khởi nghiệp”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools