Sau đây là một số biện pháp phê bình hay dùng với người làm sếp để nhân viên tâm phục khẩu phục.
Phê bình bằng việc thỉnh cầu
Có một người đang thả lưới đánh cá ở địa phận cấm đánh bắt cá. Phía xa có một cảnh sát đi tới, người đánh cá nghĩ bụng: "Chuyến này nguy rồi!" Tuy nhiên, trái với dự đoán của ông, sau khi viên cảnh sát đến gần, anh này không những không quát to, mắng mỏ, ngược lại còn nói một cách điềm đạm: "Ông à, ông ở đây thả lưới, nước hồ ở hạ lưu há không bị ô nhiễm sao?" Cách xử sự như vậy của viên cảnh sát khiến người đánh cá vô cùng cảm động, vội vàng xin lỗi.
Phê bình một cách ẩn ý
Một công nhân tên Tiểu Vương của đơn vị nọ sắp kết hôn, chủ tịch công đoàn hỏi anh ta: "Tiểu Vương, hôn lễ của các bạn dự định làm như thế nào vậy?"
Tiểu Vương ngại ngùng nói: "Ý kiến của tôi là làm đơn giản một chút, nhưng mẹ vợ tôi nói, bà chỉ có duy nhất một người con gái..." Chủ tịch công đoàn liền nói: "Ồ, đơn vị chúng ta có Tiểu Lý, Tiểu Trương cũng đều là con một!" Rõ ràng ở đối thoại này cả hai bên đều dùng ẩn ý . Ý của Tiểu Vương là hôn lễ không thể không làm to, còn chủ tịch công đoàn lại ra hiệu ngầm: Người khác cũng là con gái một, nhưng có thể tổ chức một cách đơn giản.
Phê bình một cách mơ hồ
Một đơn vị tổ chức đại hội nhân viên nhằm chỉnh đốn kỷ luật lao động. Trong hội nghị, lãnh đạo nói: "Trong thời gian gần đây, kỷ luật của đơn vị chúng ta luôn tốt, nhưng cũng có cá biệt một vài đồng chí biểu hiện tương đối kém, có người đến muộn về sớm, đi làm thường hay ngồi tán gẫu, nói chuyện phiếm..." Ở đây, vị lãnh đạo dùng không ít ngôn ngữ mang ý phiếm chỉ như: "trong thời gian gần đây", "luôn", "cá biệt" ,"có người", "cũng có"... Như vậy, người nói không những đã quan tâm đến thể diện của những người "cá biệt" đó, hơn thế nữa, người nói còn có thể chỉ ra vấn đề. Hình thức này không chỉ rõ tên một ai nhưng thông thường cách nói này có hiệu quả tốt hơn so với cách trực tiếp chỉ tên phê bình.
Phê bình bằng cách thức an ủi
Có một thanh niên đến xin ý kiến của hai nhà thơ nổi tiếng về bài thơ mới sáng tác của mình. Hai nhà thơ vừa nghe người thanh niên đọc thơ, vừa uống rượu. Nghe xong, một nhà thơ nói: "Bài thơ của cậu, câu cú tuy là không trôi chảy, nhưng tôi đã từng đọc qua những bài còn chán hơn thế này. Bài thơ cũng giống như cốc rượu này, cố gắng vẫn có thể nuốt trôi". Lời phê bình này tuy nghiêm khắc nhưng có phần linh động, khiến đối phương có đôi chút được an ủi.
Khi chỉ ra cái sai, cũng đồng thời nêu rõ ra cái đúng
Đa số người phê bình đều luôn coi trọng việc chỉ ra điểm sai của đối phương nhưng lại không thể nói rõ ra được đúng phải như thế nào. Có một nhà phê bình nói rằng: "Anh không làm như vậy thì không được sao?" - câu này hoàn toàn không có tác dụng. Bởi vì nó không có nội dung thực tế, chỉ đơn thuần biểu hiện sự bất mãn của cá nhân.
Đừng quên dùng từ "tôi"
Một nữ công nhân nói với một công nhân khác rằng: "Bộ đồ cô mặc lỗi thời rồi. Thật khó coi" - đây chỉ là ý kiến chủ quan, không làm cho người khác đồng tình.
Cách tốt nhất là nên nói rõ ra đây là nhận xét của cá nhân, có thể tham khảo. Như vậy sẽ dễ nghe hơn, đồng thời còn khiến cho họ tò mò về lí do vì sao bạn đưa ra nhận xét như vậy.
Kiềm chế cảm xúc của bản thân
Trước khi đưa ra lời phê bình nào đó, bạn phải xem lại bản thân, bạn có cảm thấy mình căng thẳng không? Có gì bất mãn với đối phương không? Trước tiên, bạn cần phải điều hòa thái độ của mình - phẫn nộ, oán trách, ghen tỵ… tất cả đều phải gạt bỏ đi, như vậy việc phê bình sau đó mới có tác dụng.
Những người phê bình có nhiều kinh nghiệm cho rằng, trước khi bạn mở lời phê bình người khác, nên tự kiểm điểm xem bản thân đang có thái độ như thế nào, tích cực hay tiêu cực. Tâm trạng không tốt sẽ rất khó che giấu, thêm nữa lại có tính lan truyền rất mạnh.
Một khi đối phương nhận ra điều này, họ ngay lập tức sẽ xuất hiện thái độ giống như vậy, sau đó sẽ tìm cách phản bác những phê bình của bạn và có thái độ so đo, tính toán. Kiểu cảm xúc bị ảnh hưởng từ người khác như thế này sẽ làm cho ý kiến phê bình rơi vào bế tắc, vì vậy những người thông thái không thể không suy nghĩ.
Thay câu phủ định bằng câu nghi vấn
"Bạn làm như vậy là không đúng." Đây là câu cửa miệng mà chúng ta thường dùng để phê bình người khác.
"Bạn làm như vậy có đúng không?" Đây là hình thức câu nghi vấn. Rõ ràng là câu phủ định mang tính tiêu cực rất lớn, nhưng câu nghi vấn lại dễ dàng làm cho đối phương phải tự xét lại mình.
Đổi ngôi xưng hô của người phê bình từ ngôi thứ nhất thành ngôi thứ ba
"Tôi cho rằng bạn không đúng", đây là ngôi thứ nhất; "Mọi người đều cho rằng bạn không đúng", đây là ngôi thứ ba.
Cách thay đổi này sẽ làm giảm sự va chạm trực tiếp giữa người phê bình và người bị phê bình, nhưng lại làm tăng áp lực cho người bị phê bình, bởi vì họ không thể không quan tâm đến cách nghĩ của "mọi người".
Tùy từng việc mà xem xét, không nên động chạm đến nhân cách của đối phương
"Người như anh còn cần thể diện nữa không hả?" "Việc này chứng tỏ anh không lương thiện"… những lời nói như thế này khi nói ra sẽ làm người khác rất tổn thương, nên cần tránh tuyệt đối.
Hơn nữa, khi chúng ta nêu ý kiến với người khác, thì nên cố gắng cụ thể hóa, như vậy đối phương mới dễ dàng chấp nhận. Lời nói càng trừu tượng, càng dễ làm người ta cảm thấy mơ hồ. Họ sẽ không ngừng nghĩ về hàm ý trong câu nói của bạn, thậm chí còn không biết nên trả lời như thế nào.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.75802027180301202-cuhp-uahk-cuhp-mat-neiv-nahn-ed-oan-eht-uhn-hnib-ehp-nac-pes/nv.zibefac