Đầu tháng 2, Bộ GD&ĐT ban hành bốn thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (TCCDNN) và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập.
Chùm thông tư quy định giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN và có hiệu lực từ ngày 20-3. Từ đây, nhiều giáo viên đang đổ xô đi học các lớp, thi lấy chứng chỉ với hy vọng được giữ hạng.
Một khóa học từ 2,5 đến 3 triệu đồng
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Củ Chi cho biết học tập để nâng cao trình độ là tốt nhưng việc thay đổi văn bản liên tục và không có tính kế thừa gây lãng phí rất lớn thời gian và tiền của của giáo viên.
Mặt khác, bồi dưỡng theo kiểu mì ăn liền sẽ tạo điều kiện cho các trung tâm giàu thêm, còn giáo viên ngày càng chật vật.
Vị này lấy ví dụ, văn bản trước yêu cầu giáo viên phải có tiếng Anh bằng B, tin học bằng B, giáo viên tiếng Anh lại phải có thêm chứng chỉ ngoại ngữ thứ hai nhưng bây giờ đã bỏ. Mỗi người từng phải tốn cả 3-4 triệu đồng để học lấy bằng.
Thông tư mới này lại yêu cầu giáo viên hạng nào phải có chứng chỉ bồi dưỡng hạng đó. Các trung tâm lại nở rộ dịch vụ mì ăn liền học 3-4 ngày có ngay chứng chỉ theo hạng phù hợp (phải đóng 3 triệu đồng/người). Trong khi lương giáo viên mới ra trường sau khi trừ bảo hiểm chỉ nhận được 2.932.000 đồng/tháng.
“Nếu chiếu theo thông tư thì 100% từ cán bộ quản lý đến giáo viên đều phải học. Tôi mong rằng những văn bản dưới luật cần có những điều chỉnh phù hợp để đỡ khổ cho giáo viên. Thông tư có hiệu lực ngày 20-3 thì ít nhất các quyết định có trước ngày 20-3 phải được giữ để chiết ngang sang hạng tương ứng với CDNN của thông tư mới. Nhưng không, các giáo viên vẫn phải học bổ sung và tự bỏ phí. Hiện các trường đang ráo riết tìm các cơ sở giáo dục để học cho kịp tiến độ trước ngày 20-3” - vị này bộc bạch.
Cô trò Trường Tiểu học Mê Linh, quận 3, TP.HCM trong một tiết học.
Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN
Không có chứng chỉ, bị tụt hạng
Đồng quan điểm, thầy H., giáo viên dạy môn toán tại quận 11, nói: “Hầu như giáo viên đã được đào tạo theo chuẩn sư phạm bài bản nên việc yêu cầu phải đi học lấy chứng chỉ là điều vô lý. Điều này chỉ nên áp dụng cho giáo viên không phải chuyên ngành sư phạm. Hiện tôi đang là giáo viên hạng 2 nếu theo Thông tư 03, không có chứng chỉ thì sẽ bị tụt xuống hạng 3. Theo quy định, tôi sẽ phải học nhưng tôi chưa đăng ký vì thấy không phù hợp” - thầy H. nói thêm.
Trong khi đó, cô N., giáo viên môn văn tại huyện Hóc Môn, cho biết hiện cô và nhiều giáo viên khác đã đăng ký theo học lớp online lấy chứng chỉ CDNN.
Nếu chiếu theo thông tư, hiện cô đang là giáo viên hạng 2, không có chứng chỉ CDNN sẽ được xếp hạng 3, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chế độ lương.
“Trước tôi có nghe thông tin về việc học lấy chứng chỉ nhưng không nắm rõ nên chưa đi học. Vì thế, khi đã nắm rõ, trước khi thông tư có hiệu lực tôi phải đi học để giữ hạng. Một khóa học online sẽ gồm 10 buổi. Mỗi buổi 2,5 tiếng với mức phí 2,5 triệu đến 2,8 triệu đồng. Do học online nên sẽ học vào buổi tối và Chủ nhật. Tôi thấy kiến thức tạm ổn nhưng mức phí quá cao” - cô N. nói thêm.
Về vấn đề này, hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 8 chia sẻ chứng chỉ CDNN từ ba năm về trước đã có triển khai. Một số giáo viên đã đăng ký học vào dịp hè, chủ yếu là các giáo viên trẻ. Tuy nhiên, với các thông tư mới quy định cụ thể hơn nên nhiều người tìm cách đăng ký học để lấy chứng chỉ. “Theo chia sẻ của nhiều giáo viên đã từng theo học, kiến thức không hề mới, chủ yếu đã được đào tạo tại các trường đại học” - vị này chia sẻ thêm.
Từ ngày 20-3, lương giáo viên mầm non đến THCS tăng. Cụ thể, giáo viên mầm non sẽ được áp dụng hệ số lương từ 2,1 đến 6,38 (hiện nay đang áp dụng hệ số lương dao động từ 1,86 đến 4,98). Giáo viên tiểu học được áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 đến 6,78 (hiện là 1,86 đến 4,98). Giáo viên THCS được áp dụng hệ số lương từ 2,34 đến 6,78 (hiện là 2,1 đến 6,38). |
Bộ GD&ĐT phản hồi
Về vấn đề này, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN tại Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT (thay thế Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) thực hiện theo quy định tại Luật Viên chức 2010 và Nghị định số 101/2017.
Trong đó, Luật Viên chức 2010 quy định người được bổ nhiệm CDNN nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của CDNN đó (điểm b khoản 1 Điều 31) và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo TCCDNN trước khi bổ nhiệm hạng (điểm b khoản 3 Điều 33);
Còn Nghị định số 101/2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo TCCDNN viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo TCCDNN cao hơn liền kề (điểm a khoản 3 Điều 26).
Việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN là quy định chung đối với viên chức của tất cả ngành, lĩnh vực, không riêng gì ngành giáo dục.
Do đó, quy định giáo viên mầm non, phổ thông công lập có chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN trong các thông tư quy định TCCDNN giáo viên mầm non, phổ thông trước đây (Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) và hiện tại (Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT) bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; bảo đảm tính thống nhất trong quy định về quản lý viên chức.
Đại diện lãnh đạo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT khẳng định: “Muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN giáo viên thì cần thiết phải xem xét, sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017 theo hướng mở rộng quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017 là có thể sử dụng chứng chỉ của chuyên ngành thay thế”.