Mới đây, nhiều trang mạng xã hội đã xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh một phụ nữ lớn tiếng và bất ngờ cởi quần trước mặt nhiều người. Sự việc diễn ra ngay tại cổng đền Cuông (xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An), một ngôi đền thờ An Dương Vương thuộc di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Cổng vào đền Cuông, khu vực xảy ra vụ việc của bà M. Ảnh: ĐẮC LAM
Khó phạt người ăn mặc phản cảm ở di tích lịch sử
Theo Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Diễn Châu vào cuộc làm rõ để xử lý nghiêm hành vi của bà M., người phụ nữ nói trên. Lãnh đạo xã Diễn An cho biết chưa thể liên lạc được với bà M. để làm rõ sự việc do bà đi tỉnh xa. Các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục liên lạc mời bà M. đến làm việc để củng cố hồ sơ.
Ông Lê Khắc Hoàng, Chánh Thanh tra Sở VH&TT tỉnh Nghệ An, cho hay: “Sự việc trên diễn ra, nhiều người phẫn nộ, chúng tôi đã vào cuộc. Tuy nhiên, nếu bà M. có hành vi cởi đồ cũng khó xử phạt, bởi hiện nay không có quy định nào xử phạt đối với hành vi ăn mặc phản cảm ở cơ sở tôn giáo, di tích lịch sử.
Không chỉ vụ việc ở đền Cuông, lâu nay nhiều người vẫn thường bất bình trước việc một số người ăn mặc hở hang, phản cảm tại các điểm di tích lịch sử, cơ sở tôn giáo nhưng cơ quan chức năng không thể xử lý được.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, dù có đề xuất bổ sung chế tài xử phạt cho hành vi ăn mặc phản cảm thì cần phải làm rõ thế nào là ăn mặc hở hang, phản cảm, kèm theo quy định xử phạt rõ ràng thì mới mong xử được đúng người, đúng lỗi. Pháp luật hiện hành cũng không có bất kỳ hướng dẫn nào về khái niệm ăn mặc hở hang, phản cảm. |
Sẽ kiến nghị sửa luật để xử lý
Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết việc ăn mặc nghiêm chỉnh khi bước vào chốn tâm linh đã trở thành một quy tắc bất thành văn mà dường như người Việt nào cũng phải biết.
Pháp luật cũng đã luật hóa quy tắc trên tại khoản 2 Điều Nghị định 110/2018, cụ thể: Người tham dự lễ, hội phải ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội.
Dù vậy, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt với các hành vi ăn mặc phản cảm hoặc không mặc quần, áo tại nơi thờ tự, nơi công cộng.
Trước đây, tại Điều 10 Nghị định 73/2010 có quy định xử phạt liên quan đến nếp sống văn minh có quy định cá nhân vi phạm về nếp sống văn minh. Theo đó, sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 60.000-100.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng…
Tuy nhiên, khi Nghị định 167/2013 (thay thế Nghị định 73/2010) có hiệu lực thi hành đã bãi bỏ quy định này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Khắc Hoàng, Chánh Thanh tra Sở VH&TT tỉnh Nghệ An, cũng cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xem xét bổ sung để có chế tài đối với hành vi ăn mặc phản cảm tại các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng”.