Vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh: CHÍ TUỆ
Những mũi vắcxin đầu tiên đã được tiêm cho nhân viên y tế tuyến đầu. Các lô vắc xin khác đang tiếp tục về, vắc xin "made in Vietnam" hi vọng sẽ đưa vào sử dụng sớm.
Có không ít người kỳ vọng các sinh hoạt sẽ về như xưa, có thể tung tăng trà chanh chém gió, du lịch, tụ tập, không cần phải khai báo y tế sau khi đã được tiêm vắc xin. Nếu nghĩ như vậy, tôi e là lạc quan hơi sớm. Tại sao vậy?
Tại vì nếu chúng ta bình tĩnh hơn và tự hỏi nếu mình đã được tiêm vắc xin thì mình có thể không bị nhiễm bệnh không? Câu trả lời là vắc xin không phải tấm lưới thần kỳ, bạn vẫn có thể bị nhiễm bệnh.
Vắc xin tạo ra kháng thể, nhưng cho đến nay người ta thấy dường như vắc xin có tác dụng làm giảm bớt các triệu chứng nặng của nhiễm COVID-19 hơn là bảo vệ chúng ta khỏi sự lây nhiễm COVID-19.
Câu hỏi kế tiếp là nếu người đã nhiễm bệnh mà được tiêm vắc xin thì người đó có thể lây virus cho người khác được không? Câu trả lời là được vì vắc xin không thể loại bỏ hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể, chưa kể virus này lại nằm ở khu vực hầu họng và đường lây là qua không khí.
Vậy chích vắc xin có tác dụng gì? Các vắc xin lưu hành hiện tại có tác dụng làm giảm các triệu chứng nặng của bệnh, nghĩa là làm giảm nguy cơ phải thở máy do suy hô hấp nếu chẳng may chúng ta bị nhiễm.
Qua các số liệu tổng kết gần đây cho thấy khoảng 50% những người nhiễm virus là không có triệu chứng, 80% không có hoặc có triệu chứng rất nhẹ, y như cảm cúm.
TP.HCM bước vào mùa nắng nóng, nguy cơ hắt hơi nhảy mũi cũng cao hơn và chúng ta không thể biết rằng do nhiễm virus gì. Do vậy dù có chích vắc xin phủ hơn 70% dân số để tạo ra miễn dịch cho cộng đồng thì người lành mang virus vẫn có thể lây cho chúng ta.
Nghe qua có thể là u ám, nhưng cho đến nay chỉ có vắc xin chứng tỏ là giải pháp tốt nhất để giảm tải cho bệnh viện, do đó chích vắc xin vẫn là rất cần thiết.
Tuy nhiên, để loại trừ virus corona ra khỏi đời sống hằng ngày để trở về như thời cách đây 2 năm thì có vẻ còn rất xa, trong bối cảnh đó thông điệp 5K của Bộ Y tế vẫn còn nguyên giá trị để tự bảo vệ mình và bảo vệ cho cộng đồng.
Đặc biệt, việc rửa tay nên được thực hành thường xuyên vì động tác này rất có lợi để không những chống lại virus corona mà còn chống lại các virus khác cũng như vi khuẩn vốn dĩ hiện diện thường trực xung quanh chúng ta và ngay trên tay chúng ta.
Sáng 8-3, dưới sự giám sát của các đoàn của Bộ Y tế do các Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Trần Văn Thuấn và Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu, những liều vắc xin đầu tiên đã được tiêm cho các đối tượng ưu tiên tại những điểm nóng về dịch bệnh.
Xem thêm: mth.19801647090301202-yk-naht-ioul-mat-iahp-gnohk-nixcav/nv.ertiout