"Việc nhẹ" không dành cho người yếu bóng vía
Sau nhiều lần hẹn, tôi gặp chị Đinh Thị Phương Loan, sinh năm 1988, quê Phú Thọ hiện đang làm cộng tác viên cho Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Hòa Bình tại một quán cafe nhỏ ở Lạc Long Quân.
Chị Loan tâm sự, từ nhỏ chị đã cảm nhận mình không phải là người phụ nữ của việc nấu nướng, nội trợ. Kể cả khi đã lập gia đình riêng, chị Loan rất ngại công việc của người phụ nữ bình thường mà luôn tìm một cái gì đó khác biệt.
Chị Loan thừa nhận mình là "người không biết sợ". Lúc còn nhỏ cho tới khi lớn, ở trong làng, trong xã ở đâu có đám hiếu chị đều tới giúp những công việc chẳng dành cho con gái.
Chị chứng kiến những công đoạn người thân lo hậu sự cho người đã khuất. Nhưng điều làm chị chú ý là có những người tô vẽ cho người ra đi không quen việc, nên tô vẽ xong thì người yếu bóng vía nhìn thấy có cảm giác sợ hơn.
Từng làm nghề trang điểm chuyên nghiệp, một lần, bạn chị Loan than thở chị gái vừa qua đời vì bị bệnh. Bạn chị Loan đi tìm người trang điểm cho người chị đã qua đời trông thật đẹp nhưng tìm mãi không được. Người nhà tang lễ có trang điểm nhưng họ làm không đẹp.
Trò chuyện với bạn xong, chị Loan bắt đầu nghĩ tới công việc trang điểm cho người đã khuất, để họ thật đẹp khi đi về với thế giới bên kia.
Từ đó, chị bắt đầu thử sức ở cái lĩnh vực ít ai làm, nhiều người nghe đã sợ.
Chị Loan khi bắt đầu công việc của mình
Khách hàng đầu tiên của chị Loan là một cụ bà hơn 70 tuổi.
Gia đình cụ mong muốn chị Loan trang điểm như thế nào để cụ ra đi như đang ngủ.
Chị Loan cùng một người phụ việc tới nhà xác. Khi vào phòng đại thể, không khí lạnh toát, tấm vải trắng mở ra, người đi bên cạnh chị Loan sợ hãi chạy ra. Còn chị cảm giác rất bình thường, chỉ nghĩ đây đúng là một công việc không dành cho người yếu bóng vía.
Chị đeo găng tay, lấy bộ đồ nghề của mình ra để bắt đầu công việc thật điềm tĩnh.
Mỗi ca trang điểm cho người đã khuất mất cả tiếng đồng hồ. Sau khi người đã khuất được tắm rửa thay quần áo, chị Loan bắt đầu vào các công đoạn trang điểm. Chị lau thật sạch da cho họ. Da người đã khuất thường khó bám mỹ phẩm nên việc trang điểm khó hơn.
Các bước trang điểm cho họ cũng rất cầu kỳ, đủ bước, từ tẩy trang, kem dưỡng, kem lót, kem nền, phấn má hồng, tạo khối sống mũi, phấn phủ, kẻ chân mày, phấn mắt, dán mi, son môi, tạo kiểu tóc, sơn sửa móng tay, móng chân...
Chị kể, nhiều năm làm công việc ít ai dám làm, chị gặp những câu chuyện xúc động không thể quên. Có lần, chị trang điểm cho bà mẹ trẻ qua đời vì ung thư khuôn mặt tái nhợt, gày gò.
Vừa trang điểm, chị Loan thấy những đứa trẻ còn bé xíu của người đã khuất cứ bám bên cạnh chị Loan hỏi "cô làm gì cho mẹ con", nước mắt của chị Loan như sắp rơi vì thương cho người ở lại. Chị tự nhủ mình phải làm thật tốt để người ra đi đẹp nhất, họ về miền Tây phương cực lạc với khuôn dung tươi tắn hồng hào.
Mong công việc chuyên nghiệp hơn
Khi bắt đầu đi vào công việc này, chị Loan giấu người thân và gia đình. Tuy nhiên, sau này khi đã được nhiều người biết đến, chị không thể giấu được nên có chia sẻ với mẹ mình. Chị muốn mẹ nói chuyện trước với bố. Mẹ chị Loan biết công việc của con gái, bà chỉ thở dài vì hiểu rõ con gái, từ trước tới nay con đã quyết là làm.
Bố mẹ lo lắng con gái làm công việc như vậy sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống, sợ bị kỳ thị nhất là chị Loan đang làm mẹ đơn thân. Con của chị còn nhỏ cũng chưa hiểu công việc mẹ đang làm là gì.
Tương lai, chị Loan muốn công việc trang điểm cho người đã khuất trở nên chuyên nghiệp hơn. Chị dự định sang Đài Loan để tìm hiểu về công việc này nhưng do dịch bệnh nên chưa thực hiện được. Hiện chị vẫn làm công tác cho các nghĩa trang lớn ở Hà Nội.
Chị Loan trò chuyện với PV. |
"Công việc nghe qua khiến nhiều người có cảm giác sợ, nhưng nếu đã đi với nó thì rất nhẹ nhàng", chị Loan tâm sự. Chị đang ghi lại một cuốn sổ tay trang điểm đặc biệt này để nhiều người có thể hiểu rõ hơn và thậm chí chia sẻ kinh nghiệm về công việc. Chị Loan cũng đang có 4 học viên theo học và họ đều đến nghề trang điểm tử thi như một cơ duyên.
Khánh Chi
Infonet/Vietnamnet