vĐồng tin tức tài chính 365

Tôn vinh các nhà khoa học nữ xuất sắc

2021-03-09 09:57

Lễ kỷ niệm 35 năm Giải thưởng Kovalevskaia và trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 đã diễn ra trang trọng tại Hà Nội ngay trước ngày kỷ niệm Quốc tế Phụ nữ 8/3 chỉ vài ngày. 

Tại đây, Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 đã được trao cho Tập thể nữ Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và PGS.TS Trương Thanh Hương, Giảng viên cao cấp Bộ môn Tim mạch, Trường Đại học Y Hà Nội (Bộ Y tế) bởi những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học tự nhiên nói riêng.

VƯỢT LÊN GIAN NAN, THỬ THÁCH

Trong 35 năm công tác tại Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai và Bộ môn Tim mạch, Trường Đại học Y Hà Nội, PGS.TS Trương Thanh Hương đã nghiên cứu, chuyển giao nhiều công trình khoa học có liên quan tới bệnh lý tim mạch bẩm sinh và di truyền, phát triển các kỹ thuật mới về siêu âm tim.

PGS.TS Trương Thanh Hương từng tham gia và chủ trì 19 đề tài khoa học các cấp, công bố 75 bài báo khoa học trong và ngoài nước; tham gia đào tạo cho nhiều học viên, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa và là chủ biên và thành viên soạn thảo của 20 giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu y khoa có giá trị.

Trong số các đề tài có ý nghĩa trong lĩnh vực y tế mà PGS.TS Trương Thanh Hương là người tham gia, chủ trì nghiên cứu, đáng chú ý như công trình "Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam" - xây dựng thành công mô hình sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam và chuyển giao đến các cơ sở y tế. Ước tính, tại Việt Nam có gần 500 nghìn bệnh nhân mắc bệnh này.

Bệnh di truyền ảnh hưởng đến các thế hệ trong gia đình, từ người lớn đến trẻ nhỏ, cần ngăn chặn việc phát tán nguồn gen bệnh và phòng chống biến chứng gây tàn phế, thậm chí gây tử vong như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, xơ vữa động mạch. Chính nhờ công trình nghiên cứu này mà bệnh nhân và gia đình họ có thể tiếp cận được việc chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh tối ưu, giảm chi phí điều trị biến chứng, bảo toàn lực lượng lao động vì biến chứng của bệnh xuất hiện ở lứa tuổi trẻ.

Trong công tác hoạt động vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam, PGS.TS Trương Thanh Hương cũng luôn chú trọng phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao là phụ nữ, trực tiếp đào tạo, hướng dẫn hơn 20 nhà khoa học là nữ giới, dành nhiều sự quan tâm và nhiệt huyết cho đối tượng bệnh nhi. Bản thân là một nhà khoa học nữ, PGS.TS Thanh Hương thấu hiểu trẻ em có vị trí quan trọng đối với gia đình nói chung và với người phụ nữ nói riêng.

PGS.TS Trương Thanh Hương luôn khích lệ động viên, tạo điều kiện cho các nữ điều dưỡng, y tá, bác sỹ tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động đoàn thể để tăng khả năng gắn kết xã hội, đoàn kết tập thể và nâng cao hiểu biết chung. Cá nhân PGS.TS Trương Thanh Hương đã hai lần được Công đoàn ngành Y tế tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà" ngành y tế: giai đoạn 2010-2015 và năm học 2012-2013.

Ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến của các nhà khoa học nữ, bà Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia cũng bày tỏ sự cảm thông sâu sắc về những thách thức mà các nhà khoa học nữ đã phải đối mặt để kiên định theo đuổi con đường khoa học đến cùng và đạt được nhiều thành công. 

Chủ tịch Nguyễn Thị Doan cũng nhắc đến những điển hình tiên tiến như: GS.TS Trần Thị Luyến, Nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy sản Nha Trang, chủ nhân của nhiều đề tài khoa học có tính ứng dụng cao với đóng góp mới cho 3 lĩnh vực chế biến thủy sản của Việt Nam đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Chị vừa nuôi dạy con, chăm sóc mẹ già, nuôi chồng nằm liệt trên giường bệnh, vừa làm công tác quản lý, vừa giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhưng đến khi nghỉ hưu vẫn mong có sức khỏe để tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho khoa học và đào tạo thế hệ trẻ.

Và còn rất nhiều nhà khoa học nữ đã hy sinh âm thầm, nỗ lực vươn lên để vừa theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học, vừa chăm lo nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc. 

NÂNG CAO CẢ SỐ LƯỢNG VÀ CHẤT LƯỢNG NỮ TRÍ THỨC 

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học, truyền thống đó đã được các thế hệ phụ nữ Việt Nam gìn giữ và trao truyền trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Vượt qua những khó khăn, rào cản, nhiều phụ nữ tài giỏi, tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam đã có những cống hiến quan trọng trên nhiều lĩnh vực, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng đất nước, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tôn vinh.

Trước yêu cầu đất nước phát triển nhanh và bền vững thì tài năng và trí tuệ con người là yếu tố quyết định, đòi hỏi nữ trí thức nước nhà chung vai gánh vác trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang. Bước vào thế kỷ XXI - kỷ nguyên của khoa học và công nghệ, để hướng tới một nền kinh tế phát triển, một xã hội dân chủ, văn minh càng đặt ra nhiệm vụ cấp thiết phải có một đội ngũ trí thức đủ mạnh để nghiên cứu, tiếp cận, cập nhật những thông tin, thành quả khoa học - kỹ thuật phù hợp, áp dụng vào điều kiện thực tế của nước ta.

Các nhà khoa học nữ, các nữ trí thức không chỉ là nguồn nhân lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước, mà còn là những người trực tiếp nuôi dưỡng, dạy dỗ thế hệ trẻ ngay trong môi trường giáo dục đầu tiên là gia đình.

Thực hiện Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh "Tạo điều kiện để phụ nữ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học, tiếp cận với khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước", Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận thức rõ về vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác nghiên cứu, tham mưu chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đặc biệt là nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.

Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tập trung nhiều hơn cho lĩnh vực nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước để tiếp tục có những chủ trương, đường lối, chính sách phù hợp, hiệu quả, để đồng hành, góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng đội ngũ nữ trí thức.

Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà toán học Nga Sophia Kovalevskaia bắt đầu trao tại Việt Nam vào năm 1985, là giải thưởng quốc tế đầu tiên dành cho các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Đây là giải thưởng uy tín thường niên dành tặng cho những tập thể, cá nhân nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội...

Trong 35 năm qua, Giải thưởng được trao cho 20 tập thể và 49 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực toán, lý, hóa, sinh, nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin... Giải thưởng Kovalevskaia kể từ khi ra đời đã có ý nghĩa hết sức đặc biệt và là nguồn động viên lớn đối với các nhà khoa học nữ Việt Nam, khuyến khích các nhà khoa học nữ không ngừng phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn...


Xem thêm: mth.24120451280301202-cas-taux-un-coh-aohk-ahn-cac-hniv-not/nv.ymonocenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tôn vinh các nhà khoa học nữ xuất sắc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools