Sáng 9/3, TAND Hà Nội tiếp tục xét hỏi các bị cáo liên quan đến vụ án sai phạm tại Dự án Ethanol Phú Thọ.
Theo cáo buộc của VKS, Trịnh Xuân Thanh (Chủ tịch HĐQT PVC) là người duy nhất trong số 12 bị cáo hầu tòa về cả hai tội danh "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Với vị trí chủ tịch HĐQT, ông Thanh biết rõ liên danh của PVC không đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện gói thầu TK05. Tuy nhiên, bị cáo vẫn tiếp nhận sự chỉ đạo của ông Đinh La Thăng và Trần Thị Bình ký các văn bản gửi PVN và PVB xin được chỉ định thầu.
Bị cáo cũng chủ trì cuộc họp HĐQT và Ban tổng giám đốc PVC có nội dung đồng ý thực hiện gói thầu TK05 với mức giá hơn 59 triệu USD, ký công văn gửi bị cáo Đinh La Thăng cam kết thực hiện gói thầu. "Các hành vi này dẫn tới dự án bị dừng thi công, gây thiệt hại hơn 543 tỉ đồng", cáo buộc nêu.
Trịnh Xuân Thanh trả lời chất vấn của HĐXX trong vụ Ethannol Phú Thọ.
Nếu không có chỉ đạo của lãnh đạo PVN thì PVC không làm dự án
Quá trình xét hỏi, Trịnh Xuân Thanh khai khi nắm được thông tin về dự án Ethanol Phú Thọ, PVC có công văn xin tham gia xây dựng, sau đó PVB thông báo đấu thầu công khai.
Lúc này, các đơn vị kỹ thuật của PVC báo cáo về việc công ty không đạt một số tiêu chí mà hồ sơ yêu cầu đề ra. Thấy vậy, Trịnh Xuân Thanh ký văn bản đề nghị PVB thay đổi một số chỉ tiêu cho phù hợp.
Bị cáo giải thích rằng, thực tế thời điểm đó, không có bất cứ một doanh nghiệp nào ở Việt Nam đạt đủ các yêu cầu đưa ra. Không phải lúc nào cũng bắt buộc nhà thầu phải đạt 100% tiêu chí, có thể 70% hoặc 80%, trừ các tiêu chí bất khả kháng thì bắt buộc phải đáp ứng.
Khi HĐXX hỏi thêm PVC không đáp ứng được tiêu chí nào, bị cáo thừa nhận rằng không thể đáp ứng về yêu cầu từng thực hiện dự án có công suất 100 triệu lít/năm và một số yêu cầu về đội ngũ cán bộ
Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh thừa nhận PVC có văn bản đề nghị PVB chỉ định thầu. "Tôi có báo cáo lên tập đoàn về việc không thể làm với mức giá 59 triệu USD mà phải trên 80 triệu USD, sau đó tôi phải làm kiểm điểm", Thanh khai.
Ông cho biết, nếu không có chỉ đạo của lãnh đạo PVN thì PVC sẽ không làm dự án Ethanol Phú Thọ. Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T hoàn toàn đủ năng lực để thực hiện dự án này, vấn đề là thiếu tiền.
Về việc dự án dừng thi công vào năm 2013, Trịnh Xuân Thanh phủ nhận trách nhiệm thuộc về bản thân hoặc các bị cáo khác tại PVC. Bị cáo cho rằng mọi người đều làm thuê, các đơn vị góp vốn vào PVB là ngân hàng, PVOil... khi thấy dự án không hiệu quả, nhân việc đòi tăng tiền, họ dừng lại luôn.
Trong quá trình xét xử, Trịnh Xuân Thanh từng thắc mắc không có PV và không được đưa người thân đến phòng xử.
Cấu kết hợp thức hóa tiền công ty mang đi mua đất nghỉ dưỡng ở Tam Đảo
Theo truy tố, Trịnh Xuân Thanh phạm tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn" khi là Chủ tịch HĐQT PVC đã sử dụng tiền công thâu tóm đất ở Tam Đảo.
Cụ thể, cáo trạng nêu, năm 2009, Thanh bàn bạc với Đỗ Văn Hồng (khi đó là giám đốc Công ty TNHH xây dựng Đào Viên) thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc).
Tháng 8/2009, PVC ký hợp đồng với PVC Kinh Bắc về việc thi công một số hạng mục thuộc dự án Nhà máy Polyester Đình Vũ - Hải Phòng (hợp đồng số 173, giá trị hơn 132 tỉ đồng). Theo thỏa thuận, PVC sẽ tạm ứng cho PVC Kinh Bắc theo tiến độ công việc, tổng giá trị tạm ứng là 10%, tương đương hơn 13,2 tỉ đồng.
Quá trình thực hiện hợp đồng, bị cáo Thanh bàn bạc với ông Hồng tìm mua đất để đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng. Cả hai cùng đi khảo sát và đồng ý mua lô đất 3.400m2 tại thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm 2016, Thanh lên Tam Đảo chơi, biết việc công ty của Hồng gặp khó khăn chưa triển khai được dự án, nên mới nói vợ Thanh huy động bạn bè mua giúp hoặc giới thiệu.
"Sau đấy, những người góp tiền mua là ông Đỗ Chí Thanh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí; ông Trịnh Xuân Tuấn, em ruột tôi... Hoàn toàn không liên quan gì đến tôi", Báo Thanh Niên dẫn lời Trịnh Xuân Thanh khai. Trong số những người góp tiền, ngoài vợ bị cáo, Trịnh Xuân Thanh khai có 1 lãnh đạo Tổng cục cảnh sát.
Bị cáo cho biết sau khi cùng những người chung tiền mua, vợ mình là bà Mai Phương đã thành lập Công ty Mai Phương, do ông Trịnh Xuân Giới đứng tên, để triển khai lô đất thành dự án nghỉ dưỡng.
Đến tháng 7/2020, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu đất trên cho PVC Kinh Bắc.
Nhằm hợp thức hóa số tiền tạm ứng đi mua đất, Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng thống nhất tăng vốn điều lệ của PVC Kinh Bắc từ 50 tỉ lên 150 tỉ, trong đó PVC sẽ góp thêm 21 tỉ đồng.
Tiếp đó, các bị cáo chuyển số tiền 21 tỉ đồng (trong số 25 tỉ đồng tạm ứng) thành tiền góp vốn của PVC tại PVC Kinh Bắc dưới hình thức gán trừ công nợ.
An ninh kiểm soát chặt chẽ ngoài phòng xét xử.
Chiếm đoạt đất thông qua cha và vợ, chây ì không trả khoản tiền 3 tỉ đồng
Cũng theo hồ sơ truy tố, nhằm mục đích sở hữu lô đất 3.400m2, Trịnh Xuân Thanh đã đề nghị Đỗ Văn Hồng chuyển nhượng từ PVC Kinh Bắc sang cho công ty Mai Phương do Thanh lập ra nhờ cha đẻ là ông Trịnh Xuân Giới (đứng tên đại diện pháp luật) với giá 23,8 tỉ đồng.
Tuy nhiên, lợi dụng chức Chủ tịch HĐQT PVC, có sự chi phối ảnh hưởng đến hoạt động của PVC Kinh Bắc, Trịnh Xuân Thanh mới chỉ trả 20,8 tỉ đồng, số tiền 3 tỉ đồng còn lại bị cáo không trả. Đến nay, hệ thống sổ sách kế toán của PVC Kinh Bắc vẫn hạch toán số tiền 3 tỉ đồng là khoản phải thu của công ty Mai Phương.
Tháng 8/2015, ông Trịnh Xuân Giới chuyển nhượng toàn bộ công ty Mai Phương gồm cả thửa đất 3.400m2 cho vợ của Trịnh Xuân Thanh là bà Trần Dương Nga. Gần một năm sau, bà Nga tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ tài sản Công ty Mai Phương cho ông Kiều Đào Lâm (trú tại Vĩnh Phúc) với giá 45 tỉ đồng.
Ngày 24/12/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định tạm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu đất 3.400m2 do công ty Mai Phương đứng tên.
Các cơ quan truy tố xác định, Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng gây thiệt hại cho PVC hơn 13,2 tỉ đồng. Đây là số tiền thua lỗ của PVC (tại thời điểm khởi tố vụ án) khi góp thêm 21 tỉ đồng vốn điều lệ tại PVC Kinh Bắc. Riêng cá nhân Trịnh Xuân Thanh giữ vai trò chủ mưu, hưởng lợi 3 tỉ đồng.
Tháng 1/2018, Trịnh Xuân Thanh bị TAND TP Hà Nội tuyên án chung thân về các tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản, trong vụ án xảy ra tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Tháng 2/2018, bị cáo bị TAND TP Hà Nội tuyên án chung thân về tội tham ô tài sản, trong vụ án xảy ra tại Công ty PVP Land.