Theo Bộ Môi trường và Phát triển bền vững Singapore, rác từ thực phẩm là một trong những nguồn chất thải lớn nhất ở nước này. Trong hơn 10 năm qua, lượng chất thải do thực phẩm tạo ra ở Singapore đã tăng khoảng 20%. Và chỉ có 18% lượng chất thải này được tái chế, phần còn lại được xử lý bằng các lò đốt.
Ấu trùng ruồi lính đen đang được sử dụng ở nhiều nước để xử lý rác thải thực phẩm |
Mới đây, Nathaniel Phua, nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc của một công ty công nghệ sinh học ở Singapore đã nghĩ ra phương pháp sử dụng côn trùng để tiêu thụ và tái sử dụng chất thải từ thực phẩm. Trước đây, Phua từng là một nhà kinh doanh thời trang. Anh đã bước vào lĩnh vực quản lý chất thải lần đầu tiên khi làm việc cho bố vợ của mình tại Tiong Lam Supplies, công ty chuyên chuyển hóa chất thải từ thực phẩm thành thức ăn thủy sản.
Theo cách quản lý truyền thống, chất thải từ thực phẩm được phân thành nhiều loại. Và Phua bắt đầu nghiên cứu cách phân tách tất cả các loại chất thải từ thực phẩm. Từ đó, anh đã tìm đến loài ruồi lính đen (còn gọi là ruồi đen).
Loài ruồi thuộc thể phân giải tự nhiên này dùng phần lớn chu kỳ sống của chúng để ăn. Chúng chỉ ăn khi đang ở dạng ấu trùng và có thể tiêu thụ một lượng thức ăn gấp hai lần trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Điều đáng nói là những chú ruồi lính đen này không chỉ giúp loại bỏ chất thải từ thực phẩm mà bản thân chúng còn có thể chuyển hóa thành những sản phẩm có giá trị cao hơn, như thức ăn thủy sản hay phân bón.
“Thử thách lớn nhất của chúng tôi là tìm ra điều kiện sống tốt nhất cũng như môi trường thuận lợi nhất để chúng có thể ăn hết chất thải từ thực phẩm. Chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian mới tìm ra được câu trả lời”, Phua chia sẻ.
Phua thành lập công ty Ento Industries vào năm ngoái và đến tháng 11 năm này công ty này đã nhận được giải thưởng “Doanh nghiệp vì xã hội” do một tổ chức thuộc Ngân hàng DBS (DBS Foundation) trao tặng. Với số tiền thưởng này, Ento Industries dự định sẽ nâng cao năng lực xử lý chất thải từ thực phẩm bằng ruồi lính đen với diện tích cơ sở rộng khoảng 500m2 và có khả năng xử lý 10-20 tấn chất thải từ thực phẩm mỗi tháng.
Claire Wong, Chủ tịch DBS Foundation, cho rằng những nỗ lực của Ento Industries đã góp phần giúp Singapore giải quyết một vấn đề rất nan giải. “Chúng ta cố gắng tìm ra nhiều cách để xử lý chất thải nhưng vẫn chưa có giải phảp tối ưu để loại bỏ hoặc tái sử dụng chúng. Điều quan trọng là không chỉ vứt bỏ hay thiêu đốt chất thải mà cần phải tìm cách tái sử dụng chúng”, Wong chia sẻ.
DBS cũng cho biết nếu Ento có thể nâng cao năng lực hiện tại, tiềm năng phát triển trong lĩnh vực xử lý chất thải của công ty sẽ rất lớn. Phua cũng cho biết với việc chính phủ Singapore đang có kế hoạch tự sản xuất 30% lượng cung thực phẩm của quốc gia (hiện nguồn thực phẩm nhập khẩu vẫn chiếm tỷ trọng lớn) đến năm 2030 và khu vực Lim Chu Kang đang nổi lên thành một trung tâm sản xuất thực phẩm nông nghiệp bằng công nghệ cao, tương lai của Ento cũng sẽ rất sáng sủa.
Hiện, Ento đang có tham vọng tái chế 1 tấn chất thải từ thực phẩm mỗi ngày. “Tầm nhìn của chúng tôi là hỗ trợ các nhà sản xuất thực phẩm thực hiện trách nhiệm của họ trong vấn đề xử lý chất thải. Chúng tôi muốn giúp họ xử lý chất thải từ thực phẩm và chỉ ra chọ họ thấy rằng chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn”, Phua chia sẻ.
Nhất Nguyên (theo CNA)
Xem thêm: lmth.2419241a-mahp-cuht-ut-iaht-tahc-yl-ux-ed-iour-gnurt-ua-gnud-eropagnis/nv.moc.enilnounuhp.www