Theo Adecco, công ty giải pháp nhân sự hàng đầu thế giới, 2020 là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 đã làm gián đoạn các hoạt động thương mại và sản xuất. Ngành du lịch và hàng không là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Dòng vốn FDI vào Việt Nam năm ngoái giảm 25%. Việc đóng cửa các doanh nghiệp và sa thải hàng loạt khiến tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị trong Quý 2/2020 đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Chỉ số tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam ở mức 2,91%, thấp nhất trong thập kỷ 2011 – 2020.
Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực trong việc ngăn chặn dịch bệnh, Việt Nam được xem là điểm sáng trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Nền kinh tế tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng dương và thuộc hàng cao nhất thế giới. Lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đang phục hồi mạnh mẽ sau những tác động ban đầu của đại dịch. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cho phép Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đối tác thương mại. Đồng thời, ngày càng nhiều công ty tái phân bổ chuỗi sản xuất sang Việt Nam trong bối cảnh các nhà máy tại các nước khác đang đóng cửa và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, ... Theo Báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020, Việt Nam đứng thứ 33 trong danh sách 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới, tăng 9 bậc so với năm 2019.
Thị trường lao động đã trải qua những biến động mạnh vào năm 2020. Sự hồi phục trong năm 2021 phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, theo báo cáo, với xu hướng thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến CNTT như Kỹ sư dữ liệu, Kỹ sư cơ sở hạ tầng hay Giám đốc công nghệ, đang tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, Kỹ sư phần mềm và Kiến trúc sư phần mềm với kinh nghiệm dày dặn có thể đạt mức lương trên 100 triệu mỗi tháng.
Trong lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe, các doanh nghiệp có xu hướng tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động hiện có. Một số phương pháp phổ biến nhằm nâng cao hiệu suất của nhân viên bao gồm đào tạo nội bộ, đánh giá hiệu quả công việc và bổ nhiệm lại nhân sự. Do đó, các chuyên gia về Phát triển Nhân tài và Bán hàng được săn đón với mức lương hàng tháng tương đối cao, lên đến 80 triệu.
Trong ngành Tài chính, các vị trí được tìm kiếm hàng đầu là Giám đốc Đầu tư Cổ phần tư nhân; Giám đốc Đầu tư Cổ phiếu niêm yết, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Trưởng bộ phận Nghiên cứu Cổ phiếu cho các công ty FDI; Giám đốc Mua bán và Sáp nhập, Giám đốc điều hành và Giám đốc tài chính cho các doanh nghiệp được tài trợ bởi các nhà quản lý tài sản từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu, Hong Kong và Singapore.
Nhu cầu tuyển dụng các vị trí trên đây có thể được xem là sự dịch chuyển lao động đáng kể trên thị trường tài chính trong các năm tài chính 2020 và 2021.
Một số lĩnh vực khác cũng đang mở rộng việc săn đón nhân tài bao gồm Sản xuất chế tạo, Công nghệ tài chính (Fintech), Logistics, Nông nghiệp và Bán lẻ, báo cáo của Adecco cho hay.
Báo cáo Hướng Dẫn Lương của Adecco Việt Nam là một bản tóm tắt thông tin lương được cập nhật toàn diện, dựa trên dữ liệu từ khách hàng và ứng viên của công ty Adecco Việt Nam trực thuộc tập đoàn Adecco toàn cầu. Các số liệu được hiển thị là mức lương gộp hàng tháng chưa bao gồm các phúc lợi khác.
Thái Quỳnh
Doanh nghiệp và Tisếp thị