Từ huấn lục vừa ra mắt bạn đọc cả nước - Ảnh: L.ĐIỀN
Đó là lời dạy con trực tiếp từ miệng hoàng thái hậu Từ Dụ, được vua Tự Đức tự tay ghi chép lại, tập hợp thành sách nhan đề Từ huấn lục (chép những lời giáo huấn của Đức Từ).
Sách vừa được Ban Tu thư Đại học Hoa Sen tổ chức dịch thuật và ấn hành nhân kỷ niệm 210 năm ngày sinh của hoàng thái hậu Từ Dụ (1810 - 2020).
225 lời dạy của hoàng thái hậu Từ Dụ - một dạng sử liệu bản gốc
Tập sách xét ở phương diện đạo lý, gồm có 225 lời dạy của hoàng thái hậu Từ Dụ được vua Tự Đức chép cẩn thận làm sách gối đầu giường để vâng theo lời mẹ. Trong đó rất nhiều bài học về đạo lý lễ nghĩa, cách đối đãi trong triều ngoài nội, việc ứng xử giữa vua với họ hàng bên ngoại...
Ở đây cũng nên lưu ý rằng tập sách chép nhiều ý kiến của bà Từ Dụ về họ ngoại, tức những việc liên quan đến dòng họ mình, nhưng tất cả đều là lời lẽ nghiêm khắc, lấy lẽ phải mà răn dạy, bày tỏ chính kiến theo phép nước và đạo lý, tuyệt đối không hề có chút thiên vị cho họ ngoại vua - tức dòng họ của mình.
Không chỉ thế, nội dung tập sách chính là các trao đổi giữa vua với mẹ ở cự ly gần, tại đó, bà Từ Dụ còn tâm tình nhiều chuyện không chỉ nằm trong khuôn khổ riêng tư của hoàng triều, mà còn mang tầm vóc quốc gia do lẽ đây chính là một dạng sử liệu bản gốc độc đáo.
Như chuyện bà Từ Dụ kể lại hành trạng của Thừa Thiên Cao hoàng hậu tức vợ chúa Nguyễn Ánh thời còn bôn ba chưa lên ngôi, phản ánh một cách sống của bà vợ vua đã trở thành bài học:
"Thừa Thiên Cao hoàng hậu ta lúc nhỏ được Cao hoàng đế ta hỏi lấy làm vợ, từng theo bôn ba, từng gặp những khi khó khăn nguy hiểm mà vẫn đối xử với kẻ dưới tốt đẹp. Hễ có tìm được thức ăn thì tự chế biến, trước tiên dâng lên cho nhà vua, sau đó chia ra ban phát hết cho quần thần đi theo.
Từ tướng lãnh cho đến binh sĩ, y phục có bẩn hay rách đều tự thân giặt giũ, may vá cho. Rằng: Họ không có thân thích vợ con, một lòng theo ta, ta có thể không thương xót sao? Cái đức hiền từ kia lớn như vậy. Bởi vậy quần thần đều xem như mẹ, chẳng thể không yêu kính".
Một trang bản thảo Từ huấn lục bút tích chép tay của vua Tự Đức - Ảnh từ sách
Lại có chỗ chính vua Tự Đức khi đang đề cập đến các bậc tiên đế, chép luôn cả những chi tiết có tính cách riêng tư mà ngay các bộ sử thực lục cũng không có cơ hội chép.
Như chi tiết vua Gia Long vốn rất giỏi bơi lội: "Thế Tổ ta rất giỏi bơi lội, mọi người chẳng sánh kịp, khoảng thời trung hưng trở lại nhờ đó mới tránh được họa, sau cùng có thể tái tạo cơ đồ, gian nan quá vậy!".
Quan điểm cấp tiến và những chi tiết cảm động
Thảng hoặc có những chuyện nếu không đọc được sẽ chẳng ai nghĩ trong cung vua thời Tự Đức có hai mẹ con bàn chuyện vá lổ hổng trên mái rui như thể tâm sự thường dân:
"Hiên phía đông chính điện cung Gia Thọ trên mái rui có lỗ hổng, ở đó có nhiều gió lùa vào, ta xin lấy vải bịt lại. Kính vâng lời dạy rằng: Dùng vải cắt xé ra, sau chẳng thể dùng lại, thật phí phạm vô ích. Nên dùng lá chuối khô bịt chỗ đó lại cũng đã kín vậy. Sự tiết kiệm đại để là như vậy".
Từ huấn lục có nhiều chỗ chép chuyện vua đọc sách sử cho mẹ nghe, và nhân đó Hoàng thái hậu ban lời dạy bảo, hoặc đơn giản chỉ là nhận định về các chuyện xưa để làm bài học trị nước lúc bấy giờ.
Cái hay là qua đó phát lộ quan điểm chính trị của cả vua và hoàng thái hậu. Chẳng hạn ở đoạn vua Tự Đức cho biết ông đọc bài sớ của Cao Đường Long nước Ngụy có nói rằng: "Thiên hạ là thiên hạ của thiên hạ, chẳng phải là thiên hạ của bệ hạ đâu". Và Hoàng thái hậu Từ Dụ dạy rằng: "Thật quả là như thế vậy".
Vào thời phong kiến, quan điểm của Cao Đường Long như trên đây đáng xem là trái mệnh phản nghịch, ấy vậy mà Từ Dụ dạy con "điều đó đúng đấy", và vua Tự Đức kính cẩn chép lại, thì đây hẳn là một chi tiết quan trọng để hậu thế còn có dịp xét xem quan điểm chính trị như vậy của Hoàng thái hậu Từ Dụ và vua Tự Đức vào thời bấy giờ, liệu là cấp tiến hay chưa?
Trong những lần trò chuyện riêng với mẹ, cũng có khi vua Tự Đức đề cập chuyện chính sự nước nhà. Đặc biệt là những đoạn đề cập đến tình hình sáu tỉnh Nam kỳ đang nằm trong tay người Pháp, mà đức Từ không nguôi quan tâm đến việc làm sao để được giao trả lại phần đất ấy, gọi "đây là mong ước lớn của ta".
Và có những chi tiết nhỏ nhặt, nhưng lại hết sức cảm động, như câu chuyện vua Tự Đức chép rằng ông có dâng mẹ đôi mắt kính bằng thủy tinh, lâu ngày cái bao đựng kính bị cũ nên xin đổi, thì mẹ bảo rằng: "Nó chỉ bị mỏng chút ít mà thôi, cũng không can gì. Nay nếu đổi lấy cái mới, dùng lâu cũng sẽ cũ, không bằng để cũ như thế cớ gì mà đổi". Vua chỉ còn biết ghi: "Sự tiết kiệm của mẹ là như thế".
Tập sách ngoài toàn văn Từ huấn lục do vua Tự Đức chép gồm 4 quyển chữ Hán được dịch đầy đủ (Trần Đại Vinh và Võ Khắc Vãng dịch và hiệu đính), phụ lục cả bản Hán văn; còn hai phần nội dung là: Kỷ niệm 210 năm ngày sinh Hoàng thái hậu Từ Dụ (1810 - 2020) nhìn lại chặng đường hơn nửa thế kỷ bậc mẫu nghi thiên hạ (TS. Huỳnh Thị Anh Vân); và Giáo dục trong hoàng tộc nhà Nguyễn với tác phẩm Từ huấn lục (TS. Nguyễn Thị Tâm Hạnh).
TTO - Trần Thùy Mai tuy là một cây bút truyện ngắn nổi tiếng nhưng đây là tiểu thuyết đầu tay của chị.
Xem thêm: mth.10490448090301202-oas-ar-cud-ut-auv-yad-ud-ut-uah-iaht-gnaoh-teib-ed-cod-cul-nauh-ut/nv.ertiout