Người biểu tình phản đối hạt nhân tập trung trước tòa nhà Quốc hội tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản ngày 7-3 - Ảnh: REUTERS
Nhật Bản hiện đang tranh cãi lần nữa về vai trò của năng lượng hạt nhân trong các nguồn năng lượng hỗn hợp của nước này, khi đất nước nghèo tài nguyên này đặt mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050 để hạn chế sự ấm lên toàn cầu, theo Hãng tin Reuters ngày 8-3.
Tuy nhiên, một khảo sát mới đây của Đài truyền hình NHK cho thấy 85% công chúng Nhật lo lắng về các tai nạn hạt nhân. Một khảo sát toàn quốc hồi tháng 2-2021 của báo Asahi cũng tiết lộ 53% người tham gia khảo sát phản đối việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân, so với 32% ủng hộ. Riêng tại Fukushima, chỉ 16% ủng hộ việc khởi động lại chúng.
Trận động đất 9 độ Richter ngày 11-3-2011 gây ra đợt sóng thần quét qua khu vực ven biển phía đông bắc Nhật Bản, đã khiến gần 20.000 người thiệt mạng hoặc mất tích và làm tê liệt Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Chính phủ Nhật Bản đã chi khoảng 300 tỉ USD để tái thiết vùng Tohoku bị tàn phá nặng nề sau thảm họa này. Tuy nhiên, các khu vực quanh Nhà máy Fukushima Daiichi vẫn bị giới hạn do lo ngại mức phóng xạ còn cao.
Vào năm 2012, ủy ban điều tra về sự cố rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã kết luận thảm họa hạt nhân này là "kết quả từ sự thông đồng giữa chính phủ, các cơ quan quản lý và Công ty Điện lực Tokyo" cùng quản lý yếu kém.
Một công nhân mặc đồ bảo hộ đứng gần lò phản ứng số 3 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) tại thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản ngày 10-2-2016 - Ảnh: REUTERS
Đảng Dân chủ cầm quyền khi đó bị chỉ trích vì cách xử lý thảm họa tại Fukushima. Một năm sau đó, lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do (LDP) Abe Shinzo, người ủng hộ phát triển năng lượng hạt nhân, lên nắm quyền điều hành đất nước. Ông Abe đã từ chức năm 2020 với lý do sức khỏe và người kế nhiệm ông, Thủ tướng Yoshihide Suga đã tuyên bố mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Những người ủng hộ cho rằng năng lượng hạt nhân sẽ giúp ích cho quá trình trung hòa carbon. Những người chỉ trích viện dẫn chi phí, tính an toàn và thách thức của việc lưu trữ chất thải hạt nhân là lý do để tránh sử dụng loại năng lượng này.
"10 năm đã qua và nhiều người đã quên. Việc tái khởi động đã không xảy ra nên nhiều người nghĩ chỉ cần chờ, năng lượng hạt nhân sẽ biến mất" - ông Yu Uchiyama, giáo sư khoa học chính trị của ĐH Tokyo, nhận định.
Chỉ 9 trong số 33 lò phản ứng thương mại còn lại của Nhật Bản được phê duyệt để khởi động lại theo các tiêu chuẩn an toàn hậu Fukushima và chỉ 4 lò phản ứng đang hoạt động, so với 54 lò trước thảm họa.
Năng lượng hạt nhân chỉ cung cấp 6% nhu cầu điện tại Nhật Bản trong nửa đầu năm 2020, so với 23,1% từ các nguồn năng lượng tái chế và gần 70% từ nhiên liệu hóa thạch.
Ông Takeo Kikkawa, cố vấn chính sách năng lượng của Chính phủ Nhật Bản, cho biết 33 lò phản ứng thương mại đang hoạt động đã được kéo dài tuổi thọ. Đến năm 2050 sẽ chỉ còn 18/33 lò còn hoạt động, và đến năm 2069 sẽ không còn lò nào. Các doanh nghiệp mới hơn đang đẩy mạnh năng lượng tái chế.
"Nhật Bản là một nước nghèo tài nguyên nên chúng ta không nên từ bỏ lựa chọn hạt nhân. Nhưng thực tế tương lai của năng lượng hạt nhân lại khá ảm đạm", ông Kikkawa nói.
TTO - 10 năm trôi qua kể từ ngày kinh hoàng đã đi vào lịch sử đất nước mặt trời mọc 11-3-2011, ký ức đau thương đã phần nào dịu bớt trong sự hồi sinh mạnh mẽ tại những nơi từng gánh chịu thiên tai.