Tại Hà Nội, sau một ngày được tiêm vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca, điều dưỡng Vũ Thị Thanh Thư, 28 tuổi, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết đêm qua có sốt nhẹ 37,5 độ C, người hơi lạnh, ngoài ra không có phản ứng gì thêm. Sáng 9/3, sức khỏe ổn định, nhiệt độ 37 độ C, hơi mệt nhưng không vấn đề gì, chị vẫn đến bệnh viện làm việc bình thường.
Là người đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 tại Hà Nội, chị Thư cho biết khá hồi hộp. Khi bước vào bàn đăng ký, chị được khám sàng lọc, đo thân nhiệt và tư vấn nên rất yên tâm.
"Là một trong những người trực tiếp chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19 thời gian vừa qua, khi được biết mình sẽ được tiêm vaccine, tôi rất mừng. Sau tiêm, tôi ở lại Phòng Tiêm chủng theo dõi 30 phút, sức khoẻ của tôi không có gì bất thường", chị nói.
Nữ điều dưỡng Vũ Thị Thanh Thư là người đầu tiên tại Hà Nội được tiêm vaccine phòng Covid-19 (Ảnh: Quang Hùng)
TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương bày tỏ niềm vui và vinh dự, may mắn khi là một trong những nhân viên y tế đầu tiên được lựa chọn để tiêm vaccine phòng Covid-19. Theo BS Điền, đây là sự quan tâm, động viên của Chính phủ, Bộ Y tế đối với lực lượng y tế tuyến đầu.
"Sau khi được tiêm vaccine, tôi hơi mệt mỏi giống như khi tiêm các mũi phòng cúm khác. Đó là phản ứng bình thường của cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus, nên tôi không có gì phải lo lắng cả. Sáng nay, sức khoẻ ổn định, tôi vẫn đi làm bình thường tại Trung tâm phòng, chống dịch", bác sĩ Điền cho biết.
Tại TP.HCM, bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, 29 tuổi, Khoa Cấp cứu Hồi Sức tích cực Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chia sẻ, sức khỏe của chị hoàn toàn bình thường, không có các triệu chứng chóng mặt, đau đầu.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho hay, suốt hơn một năm qua, nhân viên y tế gặp áp lực lớn vì mức độ lây nhiễm, tỷ lệ tử vong phức tạp của dịch Covid-19. "Dù Việt Nam đã có những thành công trong việc khống chế nhưng dịch bệnh trên thế giới vẫn phức tạp, do đó những liều vaccine đầu tiên này đã góp phần giải tỏa bớt một phần áp lực của chúng tôi", bác sĩ Phong nói.
Bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân chia sẻ khoảnh khắc nhận giấy xác nhận đã tiêm vaccine phòng Covid-19 (Ảnh: Tứ Quý)
Tại TP. Hải Dương, chị Phạm Thị Tuyết Nhung, 39 tuổi, công tác tại Trung tâm Y tế TP. Hải Dương thuộc tổ lấy mẫu Covid-19 cộng đồng, là người đầu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19. Chị cho biết sức khoẻ bình thường và ngay chiều hôm qua (8/3) đã quay trở lại làm công việc được phân công.
Sáng qua, trước khi thực hiện mũi tiêm đầu tiên, chị Nhung hồi hộp và có phần lo lắng. Tuy nhiên, bản thân công tác trong ngành Y và mọi khâu chuẩn bị cho đợt tiêm này được sắp xếp chu đáo nên chị yên tâm.
Là người được tiêm thứ 2, chị Đỗ Thị Nhài, 38 tuổi, dân số viên công tác tại Trạm Y tế phường Tân Hưng, TP. Hải Dương nói, sau một ngày tiêm vaccine, sức khoẻ của chị bình thường và không có vấn đề gì. "Tối qua đơn vị tiêm phòng có gọi điện hỏi xem tôi có bị chóng mặt, buồn nôn gì không, nhưng tôi không có các biểu hiện đó. Ngay chiều hôm qua, tôi vẫn tham gia công việc bình thường tại địa phương".
Chị Phạm Thị Tuyết Nhung là người đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 tại TP. Hải Dương (Ảnh: Bộ Y tế)
Tại huyện Kim Thành, chị Trịnh Thị Phương, 32 tuổi, giáo viên trường Mầm non xã Tuấn Việt, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng tâm sự, khi biết mình là người đầu tiên được tiêm vaccine, chị không thấy sợ, chỉ cảm giác hồi hộp và vô cùng tự hào. Hiện, sức khỏe của chị hoàn toàn bình thường.
Nữ giáo viên tâm sự, hàng ngày chị cùng các thành viên trong tổ đến từng hộ gia đình rà soát, nắm bắt những thành viên tiếp xúc với những ai, tình trạng sức khoẻ thế nào, tuyên truyền mọi người cài đặt Bluezone, khai báo y tế khi có dấu hiệu bất thường và tới đây sẽ kêu gọi mọi người đi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
"Tôi hy vọng trong ngày gần nhất tất cả người dân Việt Nam đều được tiêm vaccine phòng Covid-19 để chống lại dịch bệnh. Đồng thời, tôi mong muốn mọi người đều chấp hành nghiêm tất cả các biện pháp, quy định phòng, chống dịch của Chính phủ và Bộ Y tế, khai báo y tế thường xuyên để tránh lây lan dịch bệnh", chị Phương nói.
Chị Trịnh Thị Phương, giáo viên trường mầm non Tuấn Việt, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng, là người đầu tiên được tiêm vaccine tại huyện Kim Thành (Ảnh: Bộ Y tế)
Trước đó, sáng 8/3, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia phối hợp với Hệ thống tiêm chủng VNVC đã triển khai đợt tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Trung tâm Y tế TP. Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) theo đúng tinh thần Nghị quyết số 21 của Chính phủ.
377 người là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, đã được tiêm vaccine.
Cụ thể, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh) đã tiêm cho 66 người, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM 104 người, hai điểm tiêm của tỉnh Hải Dương 207 người. Hoạt động tiêm chủng tại cả 4 điểm tiêm chủng trong ngày đầu tiên đều diễn ra an toàn. 100% số người được tiêm chưa ghi nhận phản ứng sau tiêm.
Vaccine phòng Covid-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên này là của AstraZeneca, một trong 3 vaccine đã được WHO thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số lượng 117.600 liều vaccine được Bộ Y tế phối hợp với VNVC (đơn vị cung ứng, tiếp nhận) khẩn trương vận chuyển từ đơn vị cung ứng đến các địa phương ngay sau khi vaccine được rà soát hồ sơ và kiểm định tính an toàn.
Vaccine được bảo quản trong dây chuyền lạnh từ 2-8 độ C và được giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm, sẵn sàng đưa vào sử dụng. Mỗi người trên 18 tuổi sẽ được tiêm 2 mũi, cách nhau 28 ngày, với liều lượng 0,5ml, tiêm bắp.
Sau tiêm, người được tiêm chủng cần ở lại cơ sở y tế 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo. Khi gặp các dấu hiệu bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Theo các dữ liệu đến tháng 2/2021, vaccine của AstraZeneca có hiệu quả phòng lây nhiễm SARS-CoV-2 là 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ hai, chưa ghi nhận trường hợp mắc phải nhập viện do Covid-19 trong nhóm những người đã tiêm chủng.
Minh Nhân
Doanh nghiệp và tiếp thị
Xem thêm: nhc.94003838190301202-91-divoc-eniccav-meit-ihk-uas-ehn-tos-ion-ah-iat-gnoud-ueid-un/nv.zibefac