Panasonic dự định chi 6,5 tỉ đô la để mua hãng phần mềm quản lý chuỗi cung ứng
Khánh Lan
(KTSG Online) – Hãng điện tử Panasonic (Nhật Bản) đang lên kế hoạch thâu tóm hãng Blue Yonder (Mỹ), chuyên cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp, với giá 700 tỉ yen (6,5 tỉ đô la), tờ Nikkei Asian Review ngày 8-3 dẫn lời các nguồn tin cho hay.
Hãng điện tử Panasonic đang đàm phán thâu tóm hãng Blue Yonder (Mỹ), chuyên cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng, với giá 700 tỉ yen (6,5 tỉ đô la). Ảnh: Nikkei Asian Review |
Mô hình kinh doanh của Panasonic theo truyền thống tập trung vào việc bán các sản phẩm điện tử. Nhưng gần đây, hãng này chuyển trọng tâm sang việc kết hợp các sản phẩm phần cứng với các phần mềm, cảm biến và các thiết bị khác để giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Các nguồn tin cho biết kế hoạch thâu tóm Blue Yonder là một phần của nỗ lực này.
Blue Yonder sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo nhu cầu sản phẩm và ngày giao hàng cũng như đánh giá các chuỗi cung ứng để cải thiện khả năng kiếm lợi nhuận. Công ty này được thành lập vào năm 1985 và đang có khoảng 3.300 khách hàng doanh nghiệp trên khắp thế giới bao gồm Tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh Unilever (Anh) và Tập đoàn bán lẻ Walmart (Mỹ). Trong năm tài chính 2019, doanh thu của Blue Yonder tăng 8% lên mức 1 tỉ đô la Mỹ.
Vốn nổi tiếng với các sản phẩm gia dụng và điện tử tiêu dùng nhưng trong những năm gần đây, Panasonic mở rộng sang mảng cung cấp linh kiện và dịch vụ cho các doanh nghiệp, chẳng hạn như bán pin xe điện cho Tesla. Thâu tóm Blue Yonder sẽ củng cố các dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng của Panasonic giữa lúc đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp chú trọng hơn đến năng lực ứng phó tình trạng gián đoạn của các chuỗi cung ứng.
Năm 2020, Panasonic đã chi 86 tỉ yen (790 triệu đô la) để mua 20% cổ phần của Blue Yonder. Hai quỹ đầu tư của Mỹ Blackstone và New Mountain Capital nắm giữ số cổ phần còn lại của hãng phần mềm này. Các nguồn tin nắm rõ thông tin về kế hoạch thâu tóm trên nói xác nhận rằng đàm phán giữa Panasonic và hai quỹ này đang bước vào giai đoạn cuối cùng nhưng chưa chắc chắn sẽ đạt được thỏa thuận.
Nếu được thực hiện, đây sẽ thương vụ thâu tóm lớn nhất của Panasonic kể từ năm 2011 khi nhà sản xuất điện tử này chi 800 tỉ yen để sở hữu hoàn toàn hai công ty Sanyo Electric và Panasonic Electric Works. Panasonic muốn nâng tầm sức mạnh của mảng kinh doanh phần cứng bằng cách kết hợp các sản phẩm phần cứng với phần mềm.
Panasonic có thị phần lớn ở sản phẩm camera an ninh sử dụng tại các cửa hàng và ở máy quét mã vạch sử dụng tại các nhà kho. Nếu bán các sản phẩm này riêng lẻ, không kèm theo phần mềm, Panasonic thường phải hạ giá để duy trì tính cạnh tranh. Trong khi đó, giá trị của các sản phẩm phần cứng sẽ tăng lên nếu chúng được tích hợp sẵn phần mềm hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng.
Panasonic dự kiến cung cấp cho các doanh nghiệp những hệ thống tương tự bằng cách tích hợp phần mềm vào các sản phẩm phần cứng và công nghệ của hãng này. Panasonic cũng muốn đi theo mô hình doanh thu lặp lại (recurring revenue business). Trong số những hãng điện tử lớn hiện nay, Sony và Hitachi là những công ty tiên phong phát triển mô hình này, trong đó, Sony tận dụng lợi thế mảng game, còn Hitachi dựa vào nền tảng internet vạn vật (IoT) độc quyền Lumada.
Nếu mua lại Blue Yonder, Panasonic có thể phát triển chuyên môn trong các lĩnh vực như phân tích nhu cầu. Nhiều nhà sản xuất trên thế giới cũng đang nỗ lực giảm bớt sự thuộc vào doanh số của sản phẩm phần cứng. Tập đoàn Siemens (Đức) đã cải thiện khả năng kiếm lợi nhuận bằng cách kết hợp sức mạnh truyền thống ở mảng thiết bị quản lý nhà máy với các dịch vụ tích lũy được thông qua hoạt động thâu tóm. Hãng xe điện Tesla giành được sự ủng hộ của khách hàng nhờ cập nhật phần mềm cho xe điện thông qua internet.
Thị trường phần mềm quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu ước tính có giá trị 15 tỉ đô la trong năm 2019 và con số này tăng khoảng 10% mỗi năm. Nhu cầu phần mềm này đang tăng mạnh khi các công ty sản xuất hàng hóa đang nỗ lực số hóa hoạt động của họ. Blue Yonder đã triển khai phần mềm dự báo nhu cầu và tự động đặt hàng cho bộ phận thực phẩm tươi và chế biến ở chuỗi siêu thị Morrisons (Anh) với 500 siêu thị. Nhờ vậy, mức độ thiếu hụt hàng giảm 30% và thời gian hàng tồn kho cũng giảm 3 ngày. |
Theo Nikkei Asian Review