Doanh nghiệp nhỏ lo chuyện bảo mật thông tin xuất khẩu
Tâm An
(KTSG Online) – Liên quan đến cảnh báo của Thương vụ Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) về tình trạng lừa đảo, đại diện doanh nghiệp chuyên làm ăn ở thị trường Trung Đông cho biết, lo ngại lớn nhất hiện giờ là chưa có giải pháp về bảo mật thông tin.
Doanh nghiệp có thể tham gia các hội, nhóm chuyên về thị trường Trung Đông để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm. Trong ảnh: một buổi sinh hoạt chuyên đề về thị trường Trung Đông của câu lạc bộ hữu nghị Việt Nam - Ả Rập. |
Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại UAE đã chỉ tên các doanh nghiệp có trụ sở tại nước này có dấu hiệu lừa đảo doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam với những chiêu thức gian lận tinh vi. Trong số này, đáng lưu ý là việc các đối tượng lừa đảo sử dụng tin tặc xâm nhập địa chỉ email của hai doanh nghiệp đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phán, khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền hàng hóa thì tạo một địa chỉ email gần giống với email của bên bán để gửi thông tin tài khoản lừa đảo và nhận tiền.
Trao đổi với KTSG Online, bà Trần Thị Trang Như, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phân phối Sài Gòn, chia sẻ, 14 năm bán hàng ở thị trường Trung Đông, đây là lần đầu tiên bà nghe về chuyện tin tặc xâm nhập email nên rất bất ngờ và lo lắng. Bởi lẽ, với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhỏ như công ty bà thì hoàn toàn không có bộ phận IT (công nghệ thông tin) riêng để lo phần bảo mật này.
“Nghe chuyện bị đánh cắp thông tin (hack) email, tôi rất sợ và thực sự vẫn chưa tìm ra giải pháp để có thể phòng tránh trường hợp này. Đây là rủi ro lớn nhất với doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhỏ như chúng tôi”, bà Như nói thêm.
Cũng theo bà Như, trong năm vừa qua, khi đại dịch diễn ra, việc đi lại không thể thực hiện, việc làm ăn của các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Các doanh nghiệp không thể quảng bá, gặp gỡ khách hàng mới, trong khi các khách hàng cũ cũng mua hàng ít đi do nhu cầu thị trường giảm. Đây cũng là một trong những lý do khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu có tâm lý nóng vội, chấp nhận những điều kiện về giao hàng, thanh toán…dù có rủi ro để bán được hàng.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thủy sản sang nhiều nước Trung Đông cho rằng, không chỉ UAE mà bất kỳ thị trường nào, cũng luôn tiềm ẩn những rủi ro về khách hàng lừa đảo, về hình thức thanh toán không an toàn, về giao nhận hàng không đúng chủng loại...
Vì vậy, vấn đề còn lại là doanh nghiệp phải tự đặt ra những nguyên tắc của mình như tỷ lệ đặt cọc, thời gian thanh toán, phương thức thanh toán… để từ đó quyết định và lựa chọn kiểu khách hàng, hạn chế rủi ro.
“Thực ra, nước nào cũng có thể bị khách hàng lừa. Trước đây thì nói nhiều ở thị trường châu Phi, giờ là UAE. Vấn đề cốt lõi nằm ở doanh nghiệp, cần nâng cao nghiệp vụ ngoại thương, khả năng đàm phán và hiểu rõ thị trường. Càng hiểu thị trường và văn hóa của đất nước đó thì càng giảm được rủi ro”, vị này nói.
Xem thêm: lmth.uahk-taux-nit-gnoht-tam-oab-neyuhc-ol-ohn-peihgn-hnaod/973413/nv.semitnogiaseht.www