Kích cầu du lịch kiểu Đồng Tháp
Nguyễn Văn Mỹ (*)
(TBKTSG) - Covid-19 như thế chiến thứ ba. Cả nhân loại đang gồng mình chống trả, quyết giành chiến thắng vì không còn lựa chọn nào khác. Ngành du lịch điêu đứng, có người còn cho rằng nó bị chết lâm sàng và đang cầu được cứu.
Chủ tịch Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tặng khăn choàng cho du khách ghé tham quan “Cà phê Chủ tịch” và Văn phòng UBND tỉnh. |
Vấn đề là cầu ai và ai cứu? Các cơ quan quản lý và bộ chủ quản vẫn tiếp tục có những đề nghị, nhưng khó khăn đâu chỉ riêng ngành du lịch. Nhiều doanh nghiệp đã phá sản, nguồn thu thuế giảm mạnh. Nhà nước cạn kiệt kinh phí và Việt Nam đâu có giàu như Mỹ hay Nhật Bản hoặc các nước châu Âu để mà lấy tiền ngân sách phát chẩn cho dân mất việc hoặc cứu các doanh nghiệp. Việc giảm hay giãn thời gian nộp thuế cũng phải xét trong toàn cục của đất nước gồm nhiều ngành nghề khác nhau. Việc mở rộng vay ưu đãi không cần thế chấp vẫn không khả thi bởi cũng chẳng ai dám bảo lãnh và thu hồi nợ cho các ngân hàng. Bài toán xoay vòng vốn trong xã hội cứ như hoàn cảnh “nhà nghèo đông con”, chưa có đáp án thuyết phục.
Nhưng dù khó khăn đến mấy, dù cuộc chiến này có kéo dài bao lâu, ngành du lịch cũng sẽ không chết. Nhiều biến cố chiến tranh, thiên tai đã cho thấy khốc liệt là thế nhưng sau thảm họa, du lịch lại hồi sinh mạnh mẽ như chiếc lò xo bị nén. Bởi cuộc sống là những chuyến đi, còn sống là còn đi... Kêu thì cứ kêu, đề nghị cứ đề nghị, đó cũng là những liệu pháp tinh thần thể hiện sự quan tâm, đồng cảm. Song, chủ động nhất cho các doanh nghiệp vẫn là những biện pháp tự cứu mình: cắt giảm tối đa chi phí, huy động mọi nguồn vốn có thể... Doanh nghiệp nào vượt qua cuộc chiến thì càng khẳng định mạnh mẽ sức sống, văn hóa bền vững và bản lĩnh chèo chống của lãnh đạo.
Các địa phương, mỗi nơi cũng cần có cách làm riêng chứ kích cầu bằng giảm giá thì ai cũng làm được, nhưng khổ nỗi giảm sâu thì lỗ, giảm cạn thì khách chẳng quan tâm. Riêng việc hô hào liên kết phát triển du lịch thì phải có những sản phẩm mới lạ cùng những khuyến mãi đặc thù.
Ở Đồng Tháp, cặp bí thư và chủ tịch “song kiếm hợp bích” đã vừa chia tay xứ sen hồng. Vị bí thư ra trung ương làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vị chủ tịch trước khi về làm “công dân gương mẫu” đã để lại quán cà phê doanh nhân - doanh nghiệp, còn gọi là “Cà phê Chủ tịch” vì ở đó chủ tịch mời, tiếp công dân vào đầu giờ làm việc mỗi ngày và trả tiền cà phê. Ông còn để lại một câu đối rất hay, đã trở thành slogan hành động, là ruột gan của lãnh đạo và người dân Đồng Tháp: “Kín cổng, cao tường, khép vận hội /Trải lòng, mở cửa, đón tương lai”.
Cặp bài trùng mới là tân Bí thư Lê Quốc Phong và tân Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa vẫn tiếp tục phong cách lãnh đạo giản dị, cầu thị và sáng tạo với nhiều dự tính đột phá. Để kích cầu du lịch, tỉnh này đã công bố cách khuyến mãi độc đáo trong năm Tân Sửu 2021: du khách về Đồng Tháp du lịch qua đêm, chủ tịch tỉnh sẽ mời uống cà phê sáng tại “Cà phê Chủ tịch” trong khuôn viên trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh và tặng mỗi người một ký gạo đặc sản ST25 trồng tại Đồng Tháp”. Nhân dịp đầu xuân, tỉnh giới thiệu hai tour độc bản là “Ruộng nhà mình” và “Thu hoạch lúa ma” - không đụng hàng.
Với tour “Ruộng nhà mình”, các công ty lữ hành đưa khách xuống thực địa, trải nghiệm trồng lúa thuận thiên và ký kết bao tiêu sản phẩm (khách cũng có thể tham gia quá trình chăm sóc lúa). Khi lúa chín, du khách về thu hoạch, cùng nông dân gặt, xay xát, đóng gói và nhận gạo ST25 ngon nhất thế giới năm 2019 về làm quà với giá chỉ bằng 60% giá bán tại Sài Gòn. Với chương trình này, cả nông dân, du khách và ngành du lịch đều có lợi. Quan trọng hơn là đã cho thấy sáng kiến đột phá trong liên kết giữa du lịch và nông thôn - nông nghiệp.
Nói về tour “Thu hoạch lúa ma”, lúa ma (còn gọi lúa trời - Oryza rufipogon Griff) mọc tự nhiên ở Vườn Quốc gia Tràm Chim. Lúa này có hạt gạo nhỏ, đuôi dài, dẻo, vị ngọt bùi rất ngon và có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Gọi là lúa ma vì lúc hạt lúa vừa chín nó sẽ tự rụng khi ánh nắng mặt trời lên, do vậy, người ta buộc phải thức khuya, chống thuyền thu hoạch lúa trước bình minh.
Diện tích lúa ma ở Vườn Quốc gia Tràm Chim vào năm nhiều nhất là hơn 1.700 héc ta (năm 2018), ít nhất là 546 héc ta (năm 2015), bình quân vào khoảng 800 héc ta. Lúa ma mọc xen lẫn với các loài quần xã khác trong vùng đất ngập nước như cỏ ống, cỏ bắc, sen, súng, cỏ chỉ... Đồng lúa ma là nơi trú ngụ và cung cấp thức ăn cho các loài cá, chim. Lúa ma đã tồn tại bất kể môi trường khô hạn, ngập lụt, phèn mặn, sâu bệnh... Lúa tự sinh, tự lớn, tự để lại hạt giống mùa sau, không cần chăm bón.
Lúa ma trổ bông vào tháng 10 và bắt đầu chín vào tháng 11-12 cùng mùa nước nổi. Hạt lúa ma chín có vỏ màu vàng đen, mỗi lần chín chỉ vài hạt chứ không rộ cả bông như lúa thường. Đồ nghề thu hoạch lúa ma gồm chiếc xuồng, tấm phên và hai sào tre nhỏ. Người ta dùng sào đập nhẹ bông lúa vào phên để những hạt ngọc trời chín rơi xuống xuồng. Khi thu hoạch thì gọi là thu hoạch lúa ma cho kỳ bí chứ lúc ăn cơm thì lại gọi là cơm gạo trời cho... sang chảnh! Thời gian nấu cơm gạo trời lâu gấp ba so với nấu gạo thường và nghe đâu phải nấu bằng than gỗ tràm ở Tam Nông thì cơm “ngon bá cháy”.
Ngoài ra, khách đi tour “Thu hoạch lúa ma” có thể kết hợp những trải nghiệm thú vị ở Tam Nông; vương quốc tràm, kinh đô chim và nhiều loài hoa lạ như hoàng đầu ấn, nhĩ cán vàng, nhĩ cán tím...
(*) Chủ tịch Lửa Việt Tours
Xem thêm: lmth.paht-gnod-ueik-hcil-ud-uac-hcik/291413/nv.semitnogiaseht.www