Bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai dự án Ethanol Phú Thọ mức giá phải là 85 triệu USD, song do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã quyết định 59 triệu USD, nên phải thực hiện theo.
Sáng 10.3, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) và 11 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ tiếp tục phần xét hỏi.
Sau một ngày bị cách ly, ông Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí - PVC) được đưa trở lại phiên tòa trả lời thẩm vấn của luật sư.
Tại toà, bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói, phần xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ chỉ là các nhà xưởng, xét về năng lực xây dựng này thì với PVC là rất đơn giản, không thể không thực hiện được. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng nguyên nhân khiến dự án Ethanol Phú Thọ phải dừng thi công là do thiếu tiền.
Bị cáo đã khẳng định không thể thực hiện dự án với mức giá 59 triệu USD, nhưng vì công văn từ trên tập đoàn nên PVC buộc phải chấp hành. Về số tiền thiệt hại hơn 543 tỉ đồng trong vụ án, bị cáo Thanh nói rất phân vân vì đây là số tiền rất lớn, phát sinh do lãi vay chứ không phải tham ô.
"Tôi đã từng phải đền số tiền hơn 30 tỉ đồng trong vụ án "cố ý làm trái" trước đó nên "không biết lấy đâu ra tiền để thực thi", bị cáo nói.
Theo bị cáo Thanh, tháng 3.2013, bị cáo không còn điều hành PVC nữa, khi có công văn dừng không thi công dự án, đáng lẽ chủ đầu tư phải làm việc với nhà thầu để thanh lý hợp đồng hay đền bù hợp đồng, còn trách nhiệm triển khai tiếp là trách nhiệm của chủ đầu tư.
Bị cáo nói, tiền lãi vay thì chủ đầu tư chịu. "Chúng tôi chỉ là người làm thuê", bị cáo Thanh nói.
Liên quan đến sai phạm về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, luật sư hỏi bị cáo Thanh về việc PVC góp 21 tỉ đồng để tăng vốn điều lệ tại PVC Kinh Bắc, qua đó hợp thức tiền mua khu đất 3.400 m2 ở thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Trịnh Xuân Thanh khai không có chủ trương và cũng không bàn bạc với ông Đỗ Văn Hồng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC Kinh Bắc về việc mua 3.400 m2 đất ở Tam Đảo như cáo buộc.
Trịnh Xuân Thanh cho hay năm 2010 được ông Hồng chia sẻ chuyện định triển khai dự án kinh doanh một resort ở Tam Đảo. Hồng chỉ kể với bị cáo rằng làm resort để kinh doanh và bị cáo hỏi mua một căn nếu triển khai. Ngoài ra bị cáo không biết gì.
Trịnh Xuân Thanh cũng phủ nhận việc chỉ đạo chuyển 21 tỉ đồng của PVC góp vốn tại PVC Kinh Bắc, qua đó gây thiệt hại hơn 13,2 tỉ đồng.
"Việc ông Nguyễn Mạnh Tiến (phó TGĐ PVC ngày đó) tự ký quyết định góp vốn khi mới chỉ có chủ trương của tôi là sai. Đây cũng là trường hợp sai duy nhất ở PVC. Lẽ ra khi có có chủ trương của tôi, anh Tiến phải trình lên xin ý kiến để HĐQT ra nghị quyết. Tôi không nói chủ trương góp vốn này như nào nhưng mà anh Tiến đã làm tắt dẫn đến sai quy trình, gây thiệt hại", ông Thanh nói.
Sau phần trả lời này, Trịnh Xuân Thanh đã bị Viện KSND Hà Nội đề nghị tuyên phạt 21-23 năm, tổng hợp 2 tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bị cáo Đinh La Thăng bị đề nghị từ 12-13 năm tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
10 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 2 năm đến 8 năm.
Xem thêm: odl.016788-euht-mal-iougn-al-ihc-iahk-hnaht-naux-hnirt-oac-ib/taul-pahp/nv.gnodoal