Sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa được phê duyệt - Ảnh: NXB Giáo dục VN
Năm 2020, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam có 4/5 bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo phê duyệt và được đưa vào sử dụng ở nhiều nhà trường. Có trên 70% số trường tiểu học trên cả nước chọn sách từ 4 bộ này của nhà xuất bản.
Việc tổ chức biên soạn 4 bộ sách giáo khoa mới, trong đó có 2 bộ do các công ty thành viên tổ chức, 2 bộ do nhà xuất bản trực tiếp tổ chức nằm trong chủ trương hướng đến đa dạng hóa nguồn sách giáo khoa trong bối cảnh thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa.
Nhưng trong quá trình biên soạn, hoàn thiện các bộ sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, đơn vị này thay đổi chủ trương, hợp nhất 4 bộ sách còn 2 bộ.
Cụ thể, bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống được hợp nhất từ bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Cùng học để phát triển năng lực; bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo được hợp nhất từ bộ Chân trời sáng tạo và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.
Theo giải thích của lãnh đạo nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, mục tiêu hợp nhất nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả; tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn sách giáo khoa, phát triển sách giáo khoa giấy đồng bộ với sách và học liệu điện tử cũng như nâng cao chất lượng công tác tập huấn sử dụng SGK mới; tiết giảm tối đa chi phí nhằm có được các bộ sách giáo khoa có chất lượng cao hơn nữa về nội dung, hình thức, hợp lí về giá thành".
Nhưng điều này, theo dư luận có thể khiến các nhà trường gặp khó khăn khi phải thay đổi sự lựa chọn sách. Trong khi mỗi bộ sách có một triết lý, cấu trúc, hướng tổ chức bài học khác nhau. Các trường đã tổ chức tập huấn cho giáo viên sau khi chọn sách, nên bây giờ có sự thay đổi, giáo viên sẽ phải làm quen với bộ sách mới.
Về điều này, Nhà xuất bản Giáo dục khẳng định: "Việc hợp nhất này hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh cũng như việc lựa chọn sách giáo khoa, bởi lẽ mỗi cuốn sách giáo khoa đều bám sát và cụ thể hoá các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Dù học theo bộ sách giáokhoa nào thì khi kết thúc lớp 1, học sinh đều phải đạt chuẩn tối thiểu đối với học sinh lớp 1. Mặt khác, 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tuy có sự khác biệt, nhưng đều thể hiện quan điểm xuyên suốt của nhà xuất bản trong việc biên soạn
Tại cuộc làm việc với địa phương về việc chọn sách giáo khoa cho năm học mới trong ngày 10-3, ông Thái Văn Tài - vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Bộ Giáo dục và đào tạo - cũng khẳng định việc lựa chọn các sách giáo khoa của những bộ sách khác nhau không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình của các nhà trường.
Nhưng ông Tài cho biết "Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu các nhà xuất bản có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 đã được phê duyệt phải cam kết tiếp tục cung ứng sách cho các địa phương nếu có nhu cầu mới.
Cụ thể trường hợp 2 bộ sách giáo khoa lớp 1 có tên Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các trường học có thể tiếp tục lựa chọn sử dụng trong dạy học lớp 1 của năm học tới.
TTO - Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM vừa có văn bản gửi phòng giáo dục và đào tạo các quận huyện, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa năm học 2021-2022.