Một trong những điểm được rút ra trong kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc là đặt mục tiêu tăng trưởng một cách thận trọng nhằm kiểm soát thâm hụt tài khóa cũng như quản lý tiền tệ chặt chẽ. Điều này tương phản hoàn toàn với những gì diễn ra ở Washington, nơi Tổng thống mới đắc cử Joe Biden đang chuẩn bị ký thông qua một gói kích thích bổ sung trị giá 1,9 nghìn tỷ USD mà Quốc hội đã phê duyệt.
Sự khác biệt ngày càng mở rộng này sẽ gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và có thể định hình lại dòng vốn toàn cầu. Tuy nhiên, những khác biệt giữa chính sách của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới lại bắt nguồn từ chính các bài học chính sách khác nhau mà 2 nước đã rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.
Sự phục hồi chậm chạp và khó khăn của Mỹ khiến những người Dân chủ chủ chốt cho rằng cần có các biện pháp kích thích lớn và duy trì nó. Đối với chính sách tiền tệ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cũng đã nói rõ chủ trương của FED trong tuần trước rằng sẽ chưa có thay đổi bước ngoặt nào.
Trung Quốc thu hẹp mục tiêu thâm hụt ngân sách trong năm 2021 sau khi nới lỏng nó để hạn chế những tác động của đại dịch trong năm 2020.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang có một quan điểm khác. Trong cuộc khủng hoảng năm 2008, sự tăng trưởng tín dụng ồ ạt đã dẫn đến nhiều thành phố ma, thuật ngữ mô tả những cơ sở hạ tầng không được sử dụng, năng suất công nghiệp dư thừa và nợ nần chồng chất.
Mặc dù ngăn chặn sớm đại dịch Covid-19 đồng nghĩa là nền kinh tế không cần nhiều sự hỗ trợ vào năm 2020 nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức Trung Quốc đang xoay chuyển mọi thứ để tập trung trở lại vào các sáng kiến dài hạn nhằm tăng cường lĩnh vực công nghệ và giảm thiểu rủi ro nợ.
Nathan Sheets, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu của PGIM Fixed Income đồng thời là cựu thư ký Bộ trưởng Tài chính Mỹ về các vấn đề quốc tế, cho biết: "Mỗi nước đều đã học được bài học từ cuộc khủng hoảng trước đây và đó là lý do của sự hoán đổi chính sách này. Sự kết hợp chính sách hiện nay của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo ra một lý do thuyết phục để đồng tệ tăng giá".
Đây là quan điểm được chia sẻ rộng rãi. Các dự báo cho biết đồng tệ sẽ mạnh lên ở mức 6,38 tệ đổi 1 USD vào cuối năm. Hiện nay đồng tệ đang có giá là 6,523.8 tệ đổi 1 USD vào chiều 8/3 tại Hồng Kông.
Guo Shuqing, một trong những nhà quản lý tài chính của Trung Quốc, nhấn mạnh trước cuộc họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc rằng thực trạng đòn bẩy cao trong hệ thống tài chính cần phải tiếp tục được giải quyết. Guo chỉ ra những lo lắng về tình trạng giá bất động sản tăng cao và nguy cơ tiền từ nước ngoài đổ vào để tận dụng đà tăng của các tài sản Trung Quốc. Ông Guo cũng nói rằng lãi suất cho vay của nước này có thể tăng trong năm nay.
Nguồn cung tiền của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay thấp hơn rất nhiều so với khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008-2009.
Trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh gần đây, lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ vẫn chưa bằng một nửa so với lãi suất ở Trung Quốc.
Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings Plc, cho biết: "Không giống như nhiều ngân hàng trung ương khác, bao gồm cả FED, PBOC đã tiếp tục điều chỉnh chính sách của mình một phần nhằm ngăn chặn sự gia tăng quá mức của giá tài sản. Đối mặt với rủi ro đồng tệ tăng giá, Trung Quốc hy vọng vào một lối thoát đúng lúc khỏi những quy định lỏng lẻo của FED".
Điều đó có thể sớm xảy ra. Trong 3 lần xuất hiện trong 2 tuần qua, ông Powell đã nói rõ rằng FED sẽ giữ nguyên chính sách lãi suất gần bằng 0 cho tới khi nền kinh tế phục hồi và hầu hết người Mỹ thất nghiệp quay trở lại làm việc. Ông Powell cũng không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy việc mua tài sản sẽ giảm dần khi gói kích thích của Chính quyền Biden được đưa vào trong những tháng tới.
Trong khi Trung Quốc phải đối mặt với dòng vốn ồ ạt chảy vào, Mỹ dường như sẽ bơm ra nguồn cung USD lớn hơn vào nền kinh tế toàn cầu thông qua thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng lớn. Theo dự đoán, thâm hụt sẽ đạt khoảng 4% tổng GDP của Mỹ trong năm nay. Đây sẽ là mức cao nhất kể từ giai đoạn 2002-2008.
Các gói kích thích tài khóa của Mỹ vượt xa so với khủng hoảng tài chính 2008.
Thực tế, Trung Quốc đã từng rất mạnh tay tung ra các gói kích thích tài chính trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Tuy nhiên, đến năm 2012, Bắc Kinh tuyên bố chấm dứt các chính sách này. Sau đó, Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn với các đòn bẩy bởi nợ quá mức vốn là nguyên nhân reo rắc rủi ro lên thị trường tài chính và bất động sản của nước này.
Với những thành tựu trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19, sẽ không có gì là đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc quay lưng với các gói kích thích lớn mà tập trung vào nâng cao năng lực công nghệ trong nước và quản lý rủi ro. Đó cũng chính là sự khác biệt nổi trội trong chính sách của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.