Trao đổi với PLO, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết đơn vị này đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo cơ chế giá điện mặt trời áp mái nhằm thay thế cho cơ chế tại Quyết định 13 đã hết hiệu lực từ 31-12-2020.
Dự kiến, dự thảo Quyết định sẽ được hoàn tất và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 này.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, dự thảo Quyết định có nhiều nội dung mới đáng chú ý.
Nhiều chính sách mới đối với điện mặt trời mái nhà đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến. Ảnh: NG
Đó là giá mua điện sẽ giảm, dự kiến còn khoảng 5,3-5,8 cent/kWh, tùy theo công suất. Hệ thống có công suất nhỏ sẽ được ưu tiên mua với giá cao hơn các hệ thống có công suất lớn để khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà ở các hộ dân cư, nhằm mục đích sử dụng tại chỗ.
Theo đại diện Bộ Công Thương, mức giá này đã được tính toán đầy đủ các chi phí đầu tư, chi phí vận hành bảo dưỡng, các loại chi phí của một dự án, chi phí vốn vay để đảm bảo nhà đầu tư cũng có lợi và nhà nước cũng có lợi.
Đặc biệt, trong dự thảo quyết định này cũng quy định chủ đầu tư phải cam kết dùng tối thiểu một lượng điện ở mức nào đó, phần còn lại mới được bán lên lưới.
"Đây là quy định mới với chính người sản xuất ra điện. Bởi nếu bán hết lên lưới sẽ không còn ý nghĩa của điện mặt trời mái nhà là sử dụng điện tại chỗ để giảm gánh nặng cho đầu tư, truyền tải điện, phân phối điện" - ông Dũng nói.
Liên quan đến cơ chế chính sách phát triển các loại hình điện mặt trời khác như điện mặt trời nổi, mặt trời mặt đất, ông Dũng cho biết dự thảo sẽ tập trung xây dựng cơ chế đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư và xác định giá.
Hiện nội dung này vẫn đang được đưa ra lấy ý kiến của các chuyên gia, bộ, ngành liên quan.
Sớm có cơ chế giá cho dự án vận hành trước 1-1-2021 Vào đầu tháng 3 vừa qua, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết các vướng mắc trong quá trình phát triển điện mặt trời. Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, còn một số dự án điện mặt trời có phần công suất đã vận hành thương mại trước 1-1-2021 nhưng có chủ trương đầu tư sau ngày 23-11-2019, theo Quyết định 13 thì chưa xác định được giá bán điện. Điều này dẫn đến chủ đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa ký được hợp đồng mua bán điện, chưa thực hiện thanh toán sản lượng điện đã phát lên lưới. Vấn đề này, Bộ Công Thương cho rằng cần phải sớm có cơ chế giá để áp dụng cho các dự án đã vào vận hành trước ngày 1-1-2021. Vì điều này phù hợp với chủ trương của Chính phủ là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, trong khi các dự án này phát điện đã lâu, gây áp lực lên trả nợ ngân hàng... Các dự án thuộc nhóm này được duyệt chủ trương đầu tư sau ngày 23-11-2019 nhưng đã hoàn tất đầu tư xây dựng trong năm 2020, phát điện trước ngày 1-1-2021. Chi phí đầu tư xây dựng cùng một mặt bằng giá như các dự án điện mặt trời khác đưa vào vận hành trong năm 2020 đã được hưởng cơ chế giá quy định trong Quyết định 13. Do đó có thể xem xét áp dụng giá bán điện tương đương 7,09 UScents/kWh cho các dự án này. Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng giá bán điện tương đương 7,09 UScents/kWh cho phần công suất của các dự án điện mặt trời vào vận hành trong năm 2020 nhưng có chủ trương đầu tư sau ngày 23-11-2019. |