Khi tình trạng nghẽn lệnh giao dịch chứng khoán gây bức xúc đối với cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước dâng đến mức cao trào, dự án đầu tư trang bị hệ thống giao dịch mới của HoSE mới được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết.
Hệ thống giao dịch 21 năm cần “cứu chữa”
Khi tình trạng nghẽn lệnh giao dịch bắt đầu “phát tác” từ những phiên giao dịch giữa tháng 12.2020, đó cũng là thời điểm HoSE kỉ niệm 20 năm ngày thành lập.
Cũng có nghĩa, hệ thống giao dịch được Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan hỗ trợ, đã tròn tuổi 20.
Bước sang năm 2021, hệ thống giao dịch của HoSE cũng già thêm 1 tuổi. Và khi tình trạng nghẽn lệnh tiếp tục trầm trọng hơn cho dù từ ngày 4.1.2021 HoSE đã tiến hành nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu.
Bước nâng lô này được cho sẽ giúp giảm từ 20-30% số lệnh giao dịch trên sàn HoSE, qua đó giúp giải quyết tình trạng nghẽn lệnh. Tuy nhiên, từ ngày 4.1 tới nay, tình trạng nghẽn lệnh giao dịch không những không giảm, mà diễn biến ngày càng trầm trọng hơn.
Tư duy hệ thống công nghệ phục vụ giao dịch điện tử của HoSE “20 năm vẫn chạy tốt” trên thực tế đã không còn cầm cự nổi khi lượng thanh khoản đã tăng mạnh. Công suất tối đa đáp ứng 900.000 lệnh mỗi phiên đã trở nên nhỏ bé trước thực tế thị trường. Và càng nhỏ bé hơn nếu so sánh với công suất từ 20-30 triệu lệnh giao dịch mỗi phiên trên sàn chứng khoán Hà Nội – HNX.
Vấn đề đã được dư luận, các chuyên gia cả trên lĩnh vực chứng khoán và công nghệ đặt ra trong những ngày qua, là tại sao lại để một hệ thống công nghệ phục vụ giao dịch của thị trường chứng khoán “chạy” suốt 20 năm mà không có trang bị, thay thế mới trong khi từ khối lượng cho đến giá trị giao dịch, số lượng lệnh giao dịch đã tăng gấp chục, thậm chí gấp trăm lần?
Dự án trang bị công nghệ mới cũng cần “cấp cứu”!
Trên thực tế, HoSE đã có dự án “Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin”, kí kết với Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) từ tháng 12.2012. Dự án có tổng kinh phí đầu tư lên đến vài chục triệu USD, và thời hạn triển khai trong 5 năm.
Dự án này sau rất nhiều lần được các thế hệ lãnh đạo của HoSE đề cập đến cứ tưởng sắp đưa vào vận hành chính thức đến nơi. Thế nhưng, cho đến khi xảy ra tình trạng nghẽn lệnh giao dịch trầm trọng trên sàn HoSE, dự án công nghệ mới vẫn chưa thể xác định được cụ thể bao giờ thì mới hoàn tất để đưa vào vận hành chính thức.
Trong công văn Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) gửi Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước được đăng tải trên website của tổ chức này ngày 10.3.2021, vấn đề chậm trễ trong việc triển khai dự án này cũng đã được VAFI đề cập, cho rằng trong gần 10 năm trời nhưng HoSE không triển khai xong được một dự án phần mềm không có gì phức tạp lắm, trong khi thông thường chỉ mất vài năm.
VAFI cho rằng, từ việc để xảy ra tình trạng nghẽn lệnh giao dịch trong khoảng 3 tháng trở lại đây, cùng với việc chậm trễ dự án trang bị hệ thống công nghệ mới, cho thấy sự yếu kém về năng lực quản trị.
Không chỉ cần “cứu chữa” đối với hệ thống giao dịch già cỗi 21 năm, mà dự án trang bị công nghệ mới để thay thế hệ thống già cỗi kia cũng đang cần được “cấp cứu” hơn bao giờ hết.
Xem thêm: odl.447788-man-5-na-ud-coud-gnox-auhc-esoh-man-8-noh-oas-iv-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal