vĐồng tin tức tài chính 365

Trung Quốc tham vọng xây dựng hệ thống pháp luật tích hợp AI

2021-03-10 18:56

Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 10-3 đưa tin Trung Quốc đang thực hiện các thay đổi trong việc giám sát thẩm phán, hợp lý hóa các thủ tục tòa án và tăng cường uy tín ngành tư pháp, tất cả đều được thể hiện trong kế hoạch xây dựng hệ thống pháp luật tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) của nước này.

Theo đó, hệ thống này của Trung Quốc có thể sẽ trở thành hệ thống pháp luật tích hợp AI đầu tiên trên thế giới.

Sáng kiến Tòa án thông minh

Theo báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc được công bố trong phiên họp “Lưỡng hội” hôm 8-3, Bắc Kinh đang bắt đầu quá trình chuyển đổi cách hệ thống tư pháp vận hành bằng cách áp dụng những công nghệ như phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và AI.

Trung Quốc tham vọng xây dựng hệ thống pháp luật tích hợp AI  - ảnh 1
Trung Quốc nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật tích hợp AI. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Theo các chuyên gia pháp lý, các thay đổi này là một phần của sáng kiến “Tòa án thông minh” của Trung Quốc, do Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc Chu Cường đề xuất, nhằm tăng cường quyền lực chính trị tập trung và thắt chặt sự giám sát của các thẩm phán.

Theo SCMP, tòa án thông minh là một khái niệm mập mờ đề cập đến một loạt các biện pháp công nghệ từ thấp đến cao, bao gồm việc thúc đẩy hiệu quả trong thủ tục nộp các loại giấy tờ và việc tòa án công bố thông tin trực tuyến, cho đến những nỗ lực mang tính tích hợp công nghệ cao hơn như phân tích thuật toán và đưa ra quyết định sau phiên tòa với sự hỗ trợ của AI.

Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (giai đoạn 2021-2025), các tòa án Trung Quốc sẽ nâng cấp lên thế hệ thứ tư của tòa án thông minh vào năm 2025. Thế hệ này bao gồm một nền tảng cơ sở dữ liệu tập trung cho tất cả dữ liệu tư pháp cũng như một trung tâm kiểm soát tập trung giám sát tất cả các khía cạnh của sáng kiến tòa án thông minh trên toàn quốc.

Nhìn lại kết quả của sáng kiến

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, các tòa án trên toàn Trung Quốc đã công bố hơn 120 triệu quyết định lên nền tảng cơ sở dữ liệu trực tuyến kể từ năm 2014 và hơn 11 triệu phiên tòa đã được phát trực tuyến.

Cùng với việc cải thiện tính minh bạch, các tòa án ở nhiều vùng khác nhau tại nước này cũng đang thử nghiệm các dự án thí điểm theo sáng kiến tòa án thông minh, bao gồm cả việc thừa nhận chứng cứ điện tử.

Từ tháng 2-2020 đến tháng 12-2020, hơn bảy triệu trường hợp đã được nộp trực tuyến và hơn bốn triệu trường hợp được hòa giải trực tuyến. Trong khi đó, gần 900.000 phiên tòa được xét xử hầu như trong cùng giai đoạn trên, tăng gấp bảy lần so với năm 2019.

Theo báo cáo, từ năm 2016 đến năm 2020, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc, các tòa án Trung Quốc đã tổng hợp 220 triệu hồ sơ vụ việc lên nền tảng dịch vụ và quản lý Big Data và tạo ra 870 báo cáo đặc biệt bằng cách sử dụng phân tích Big Data.

Cùng giai đoạn trên, báo cáo cũng cho biết hơn 640 triệu hồ sơ dữ liệu đã được tải lên nền tảng tư pháp quốc gia tích hợp blockchain để lưu trữ bằng chứng tòa án và gần 2,5 triệu trong số đó đã được chứng nhận.

Một bước tiến tới quyền lực chính trị tập trung

Bình luận về sáng kiến này, giáo sư luật Jin Haijun tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết công nghệ blockchain đặc biệt hữu ích trong việc khóa hoặc ghi lại bằng chứng kỹ thuật số, đặc biệt là đối với các trường hợp liên quan quyền sở hữu trí tuệ.

Trung Quốc tham vọng xây dựng hệ thống pháp luật tích hợp AI  - ảnh 2
Một phiên tòa trực tuyến tại Trung Quốc. Ảnh: CNET

“Trước đây, tài liệu bằng chứng trong những trường hợp như vi phạm bản quyền sẽ phải yêu cầu công chứng vì những bằng chứng đó có thể dễ dàng bị xóa nếu không được ghi chép đúng cách. Điều này tuy phát huy tốt nhưng lại rất tốn kém” – ông Jin cho biết.

“Giờ đây, blockchain có thể đảm nhận các chức năng của một công chứng viên trong việc khóa hoặc ghi lại bằng chứng” - ông Jin nhấn mạnh, nói thêm rằng tòa án thông minh cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính công khai của cơ quan tư pháp, ngay cả trong đại dịch COVID-19.

“Các phòng xử án trực tuyến cho phép các phiên tòa xét xử được thực hiện thông qua internet, nơi nguyên đơn có thể ở nhà trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19” – ông Jin nói.

Trong một báo cáo đánh giá luật sắp công bố, ông Rachel Stern - giáo sư luật và khoa học chính trị tại ĐH California – Berkeley và ông Benjamin Liebman - giáo sư luật tại Trường Luật Columbia - nhận định tòa án thông minh của Trung Quốc là một định hướng chính sách từ trên xuống và ưu tiên chính trị cộng hưởng. Mục tiêu chính được Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh nhằm thúc đẩy "tập trung quyền lực chính trị và dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo".

Ông Stern viết: “Việc đảm bảo các quyết định tư pháp nhất quán trên phạm vi rộng lớn của Trung Quốc thường được xác định như một cách giúp hệ thống pháp luật trở nên công bằng hơn, cũng như nhằm tăng cường lòng tin của công chúng rằng các tòa án đóng vai trò là người xét xử công bằng”.

Hơn nữa, việc áp dụng thống nhất luật pháp quốc gia đóng vai trò là một bước tiến quan trọng đối với quyền lực chính trị tập trung, trong khi việc áp dụng phân tích dữ liệu và AI sẽ giúp các tòa án tại đại lục trở thành “người chơi toàn cầu”, báo cáo cho biết.


 

Xem thêm: lmth.075179-ia-poh-hcit-taul-pahp-gnoht-eh-gnud-yax-gnov-maht-couq-gnurt/et-couq/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Trung Quốc tham vọng xây dựng hệ thống pháp luật tích hợp AI”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools