Bà Nhâm Thị Tư, mẹ cố nghệ sĩ Vân Quang Long, cho biết suốt thời gian qua gia đình bà bị nhiều YouTuber nhục mạ, vu khống - Ảnh: K.P.
"Trời ơi, khổ ơi là khổ. Mấy người này ác miệng, ngày nào cũng chửi nào là gia đình tà đạo, nhà giáo u tối, hai vợ chồng thất đức, trù rủa cả những đứa cháu của tôi...
Chồng tui bệnh tim, cao huyết áp, từ ngày mất con đã đau khổ rồi thêm chuyện này nữa" - bà Nhâm Thị Tư, mẹ của ca sĩ thành viên nhóm nhạc 1088 nổi tiếng những năm đầu thập niên 2000, than thở.
Tố cáo 8 kênh, lại thêm chục kênh "chửi" mới
Bà Nhâm Thị Tư (giáo viên về hưu ở TP Sa Đéc) cho biết gia đình đã gửi đơn kêu cứu đến Công an tỉnh Đồng Tháp để xử lý 8 kênh YouTuber có hành vi nhục mạ, vu khống gia đình bà.
Trong suốt thời gian sau khi ca sĩ Vân Quang Long bị đột quỵ rồi qua đời tại Mỹ, gia đình vừa chịu đựng nỗi đau mất người thân, vừa hứng chịu những lời thêu dệt khoét sâu vào nỗi đau.
Cũng theo bà Tư, trong đơn tố cáo gửi đến Công an tỉnh Đồng Tháp, gia đình đã cung cấp những clip của các YouTuber có nội dung xúc phạm, vu khống không chỉ cha mẹ cố nghệ sĩ Vân Quang Long mà còn cả cô Ái Vân - người vợ đầu của anh. Cũng vì sự việc ồn ào trên YouTube, con gái đầu của ca sĩ bị áp lực đến mức đòi nghỉ học.
Tưởng khi cơ quan công an vào cuộc, gia đình bà Tư sẽ được yên thân, nhưng một số clip vừa bị xóa lại có nhiều kênh mới được lập nên. Số kênh có nội dung "chửi" không căn cứ nay đã tăng lên 20 kênh.
Theo khảo sát của PV, các kênh này đều xuất hiện tự phát, là tài khoản mạng xã hội thuộc về sở hữu cá nhân và thường đăng tải các clip "ăn theo" sự quan tâm của dư luận để câu view. Dù vậy, họ vẫn thu về lượt xem cao ngất ngưởng và vô số bình luận.
Đại tá Thái Thị Mỹ Trang - trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Đồng Tháp - cho biết đã nhận được đơn tố cáo của cha ruột ca sĩ Vân Quang Long về việc bị các kênh YouTuber nhục mạ, vu khống.
Tuy nhiên, chủ những kênh này đều không có ở Đồng Tháp, do đó Công an tỉnh đã gửi thông tin đến các tỉnh thành như Cần Thơ, Đồng Nai, Tiền Giang, Kiên Giang, Đắk Lắk... nhờ phối hợp mời những người có liên quan đến làm việc.
Rất đông YouTuber có mặt livestream từ sớm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đẩy lùi các hành vi thiếu đạo đức
Việc bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác ngày càng trở nên dễ dàng chỉ bằng một dòng bình luận vô thưởng vô phạt, vô trách nhiệm. Chia sẻ quan điểm quanh câu chuyện này, MC Vũ Mạnh Cường cho biết:
"Văn nghệ sĩ nói riêng, người nổi tiếng nói chung đang trở nên yếm thế và thành đối tượng dễ tổn thương trong làn sóng dư luận đang ngày thêm nặng nề và độc đoán. Thường thì họ im lặng vì rất nhiều lý do như đã là người công chúng thì phải cam phận "làm dâu thiên hạ", người ta quan tâm nên mới để ý hay họ yêu nên họ ghét nhiều...".
Đứng trước lợi nhuận béo bở thu được từ gã khổng lồ YouTube trả cho các clip triệu view, không chỉ người thường mà cũng có không ít nghệ sĩ "mờ mắt".
Diễn viên hài T.N. hoạt động khá năng nổ khi chuyển sang làm YouTuber và gần đây, cô đăng tải một clip nói về việc ca sĩ C.L. có con rơi tại Mỹ. Vlog của cô làm nhiều người lên tiếng chỉ trích nam ca sĩ đã không nhận con. Tuy nhiên sau đó, T.N. đăng clip xin lỗi và đính chính thông tin cô đưa ra là sai nhưng không xóa vlog cũ.
Rõ rệt nhất của lối sống "kền kền" là cách các YouTuber làm loạn lên ở tang lễ của nghệ sĩ Chí Tài, Anh Vũ. Chen lấn, xô đẩy, la hét ghi hình rồi đăng lên những nội dung với tiêu đề giật gân là việc chẳng còn xa lạ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Vũ Quang Đức thuộc Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: "Người sử dụng mạng xã hội để đả kích, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác thì tùy theo mức độ, hành vi, hậu quả xảy ra có thể bị xử lý hình sự, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị buộc xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho người bị xúc phạm.
Thực ra, các quy định chế tài người lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm, làm nhục người khác đã tương đối đầy đủ, cụ thể, kể cả chế tài nhà quản trị mạng xã hội. Vấn đề là các cơ quan chức năng có thấy đây là hiện tượng tiêu cực phổ biến gây bức xúc cho đa số người dân để quyết tâm xử lý hay không mà thôi.
Nếu hát karaoke gây ảnh hưởng trong một khu vực nhất định thì việc làm nhục người khác trên mạng xã hội sẽ lan tới hàng triệu con người, mức độ nghiêm trọng hơn nhiều. Về lâu dài, chúng ta nên giáo dục, khuyến khích, cổ vũ cách sử dụng mạng xã hội văn minh, có văn hóa để dần đẩy lùi hành vi này".
Khán giả phải mạnh mẽ phản đối nội dung tiêu cực
YouTuber Phạm Văn Dũ - chủ nhân kênh Oops Banana - có hơn 4,7 triệu lượt theo dõi: "Ngày nay, một video nào đó có nội dung sốc có thể bất ngờ đem lại sự "nổi tiếng" cho kênh, tăng like và tăng người đăng ký theo dõi một cách nhanh chóng.
Điều này kích thích sự ham muốn của nhiều người, dẫn đến số YouTuber ngày càng tăng nhanh. Tuy nhiên, theo tôi, đó chỉ là những nội dung nhất thời, không có giá trị bền vững, lâu dài. Đối với tôi, họ là những YouTuber thông thường chứ không phải người sáng tạo nội dung vì họ chỉ đi theo hướng làm các video giật tít, câu like thôi.
Hiện tại, YouTube đã bắt đầu có những chính sách thắt chặt hơn và tôi cũng mong rằng những nội dung nói trên sẽ không còn xuất hiện nhiều nữa. Từ đó, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một môi trường YouTube sạch sẽ, lành mạnh hơn.
YouTuber Fanny Trần: "Đời tư của nghệ sĩ luôn được khán giả quan tâm, không chỉ riêng YouTuber. Tuy nhiên, tôi nghĩ khi YouTuber làm video nói về cuộc sống của ai đó, nhất là nghệ sĩ thì luôn cần nhận được sự chấp nhận của họ.
Đó là sự tôn trọng lẫn nhau. Mặt khác, các loại nội dung đều có một lượng khán giả nhất định. Vì vậy, để các nội dung YouTube được tốt hơn thì chính khán giả phải có yêu cầu cao hơn, đồng thời mạnh mẽ phản đối những nội dung tiêu cực, thiếu văn minh".
T.VŨ ghi
TTO - 'Gia đình tà đạo', 'nhà giáo u tối', 'hai vợ chồng thất đức', trù rủa cả những đứa cháu... thay những lời sẻ chia, đó là những ngôn từ mà gia đình bà Nhâm Thị Tư, mẹ cố nghệ sĩ Vân Quang Long, liên tục nhận được sau khi chịu nỗi đau mất con.
Xem thêm: mth.61743531201301202-iom-iuhc-hnek-cuhc-meht-ial-hnek-8-oac-ot-nek-nek-rebutuoy/nv.ertiout