Cách ly với thế giới làm cho giá vàng ngày càng ảo
Phan Minh Ngọc
(KTSG) - Sáng 5-3, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục nới rộng, lên mức kỷ lục 8,7 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Cơ quan chức năng dường như bỏ qua hay xem nhẹ tác động của việc để giá vàng trong nước tăng một cách quá ảo. Ảnh: HOÀNG TÂN |
Vẫn không nhập vàng dù chênh lệch giá kỷ lục
Do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ nhiều năm nay không cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, cũng như ngừng sản xuất vàng miếng để tăng cung cho thị trường, nên nguồn cung vàng trong nước chủ yếu đến từ việc mua đi bán lại. Trong khi đó, nhu cầu nắm giữ vàng của người dân không ngừng tăng lên (điều này ít nhất là đúng với nhu cầu vàng trang sức bởi dân số tăng). Ngoài ra, cầu về vàng còn tăng lên bởi nhu cầu sở hữu như là một tài sản đầu tư/đầu cơ và/hoặc phòng ngừa rủi ro, đặc biệt khi nền kinh tế có sự biến động lớn bởi những yếu tố trong và ngoài nước.
Với cung cầu bất cân đối như vậy, giá vàng trong nước đương nhiên sẽ có xu hướng ngày càng thoát ly, vận động độc lập một cách tương đối so với giá vàng thế giới. Điều này được minh chứng bởi “kỷ lục” chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới liên tục bị xô đổ trong thời gian qua, từ một vài trăm ngàn vài năm trước đây lên dần đến 8,7 triệu đồng như hôm 5-3 và chắc sẽ còn bị xô đổ tiếp trong thời gian không xa tới.
Sự ly khai với thế giới làm cho vàng trong nước trở thành một tài sản “ảo”, tăng giá kiểu bong bóng và xẹp xuống bất chừng không theo một nguyên tắc, quy luật có thể đoán định, lý giải nào cả. Kèm theo đó là rủi ro đổ vỡ trong hệ thống tài chính, ngân hàng và cả nền kinh tế cùng một cách như các thị trường khác (chứng khoán, bất động sản...) gây ra khi chúng xì hơi. |
NHNN từ nhiều năm trước tuyên bố rằng, nếu giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế khoảng 400.000 đồng/lượng là có dấu hiệu đầu cơ, làm giá...
Và nay, so sánh chênh lệch ngày càng tăng giữa giá vàng trong nước và thế giới thời gian qua với tiêu chuẩn này, cũng như trồi sụt mạnh của giá vàng trong nước, thì có thể thấy tuyên bố mới đây của NHNN rằng “tại thị trường trong nước, giá vàng trong những năm qua không còn nhảy múa, không ảnh hưởng đến giá hàng hóa và tỷ giá” không còn hoàn toàn đúng nữa.
Có lẽ vì lý do này mà NHNN tới nay vẫn kiên định với chính sách quản lý vàng của mình được thể hiện qua Nghị định 24.
Điều gì sẽ xảy ra?
Câu hỏi đặt ra là nếu NHNN kiên định không cho nhập khẩu vàng, làm cho giá vàng trong nước ngày càng ly khai (và cao hơn) giá vàng thế giới thì điều gì sẽ xảy ra, và hậu quả nào cho nền kinh tế?
Trước tiên, hãy hình dung vàng trong nước như bitcoin. Hai tài sản này có sự tương đồng ở chỗ nguồn cung ngày càng hạn hẹp còn nhu cầu thì có xu hướng gia tăng. Với bitcoin, tổng số bitcoin có thể đào được là 21 triệu đồng. Hiện số bitcoin còn lại có thể đào là 5-7 triệu đồng gì đó, nhưng độ khó và chi phí đào ngày càng tăng lên, làm cho “giá thành” đồng tiền ảo này cũng không ngừng tăng lên.
Dẫu vậy, người ta vẫn tiếp tục đào bitcoin, bất chấp hóa đơn tiền điện ngày càng tăng chóng mặt chừng nào mà giá bitcoin vẫn leo thang và đứng ở mức cao như hiện nay. Đây chính là nguyên nhân mà một số nơi như ở Trung Quốc đã phải cấm đào bitcoin vì quá tốn điện.
Tương tự như vậy là thị trường vàng trong nước. Do NHNN không cho nhập khẩu vàng nguyên liệu từ thế giới có giá thành rẻ hơn, nguồn cung vàng gia tăng chỉ có thể đến từ việc khai thác/đào vàng trong các mỏ vàng trong nước, và từ nguồn... nhập lậu! Nhưng nguồn cung từ các mỏ vàng trong nước cũng rất hạn chế, với dự trữ và sản lượng ngày càng nhỏ và chi phí khai thác ngày càng tăng.
Như vậy, tác động/hậu quả đầu tiên là sự phân bổ ngày càng lệch lạc và lãng phí một nguồn lực xã hội vào khai thác cùng một loại tài sản “ảo” như bitcoin hoặc vàng vốn được dùng nhiều cho mục đích đầu cơ, đầu tư và phòng ngừa rủi ro.
Nói cách khác, nếu thị trường vàng trong nước tiếp tục bị đóng cửa với thế giới thì các nguồn lực hữu hạn trong nền kinh tế sẽ tiếp tục bị kéo ra khỏi khu vực sản xuất thiết yếu để đổ một cách lãng phí vào ngành đào vàng phục vụ các nhu cầu ảo không mong muốn, trong bối cảnh nguồn nhập khẩu với chi phí rẻ hơn bị cắt đứt.
Tác động thứ hai của sự cách ly giá vàng trong nước và thế giới cũng là một sự lãng phí ở dưới dạng thức khác. Như đã đề cập, ngoài nguồn cung do đào vàng trong nước, nhập lậu vàng cũng là một nguồn cung khác cho thị trường vàng trong nước.
Ngoài chuyện tốn ngoại tệ, chủ yếu là đô la Mỹ, để nhập khẩu vàng, vốn là điều bình thường, điều bất bình thường ở đây là, do phải nhập lậu nên đương nhiên số đô la Mỹ cần bỏ ra để chuyển lậu và đưa cùng một lượng vàng vật chất về nước trót lọt qua bao nhiêu “cửa” sẽ phải tăng vọt lên so với nhập khẩu chính ngạch/hợp pháp.
Như vậy, một nguồn lực hữu hạn khác của nền kinh tế lại phải bỏ ra một cách lãng phí để đáp ứng cùng một nhu cầu về vàng của người dân trong nước. Nói cách khác, tưởng rằng sẽ là tốt khi không nhập khẩu vàng hợp pháp vì không phải tốn ngoại tệ để nhập khẩu, nhưng rốt cuộc một lượng đô la Mỹ đáng kể vẫn sẽ chảy ra nước ngoài bằng cách này hay cách khác.
Trong khi đó, nếu để thị trường vàng trong nước liên thông với thế giới thì nhà chức trách hoàn toàn có thể dùng vàng trong nước để chuyển đổi ra ngoại tệ khi cần tăng nguồn cung đô la trong nước, và ngược lại, một cách dễ dàng.
Xin đừng quên rằng vàng cũng là đô la, cần phải dùng đô la Mỹ để mua vàng thì, ngược lại, cũng có thể dùng vàng để mua lại đô la Mỹ một cách dễ dàng, nên nguồn lực ngoại hối chẳng hao hụt đi đâu cả để phải lo sợ rằng nhập khẩu vàng sẽ chảy máu ngoại tệ.
Tác động thứ ba là sự ly khai với thế giới làm cho vàng trong nước trở thành một tài sản “ảo”, tăng giá kiểu bong bóng và xẹp xuống bất chừng không theo một nguyên tắc, quy luật có thể đoán định, lý giải nào cả. Kèm theo đó là rủi ro đổ vỡ trong hệ thống tài chính, ngân hàng và cả nền kinh tế cùng một cách như các thị trường khác (chứng khoán, bất động sản...) gây ra khi chúng xì hơi.
Cơ quan chức năng thường rất tích cực ra cảnh báo mỗi khi có (dấu hiệu) một cơn sốt tài sản ảo/thật nào đó, nhưng dường như lại bỏ qua hay xem nhẹ tác động của việc để giá vàng trong nước tăng một cách quá ảo (so với thế giới). Trên góc độ này, dù cũng là cực đoan nhưng hành động tìm cách can thiệp để giảm đầu cơ vàng từ nhiều năm trước đây của NHNN mỗi khi có sự chênh lệch trên 400.000 đồng/lượng vàng lại tỏ ra hợp lý hơn là hành động cách ly thị trường vàng trong nước với thế giới.
Trên hết, tính hữu hiệu và hậu quả của việc cấm nhập khẩu vàng có thể nhìn rõ hơn qua những ví dụ thực tế về việc cấm/hạn chế nhập khẩu một loại hàng hóa nào đó vào Việt Nam từ thế giới, để rồi kết cục thường là phải dỡ bỏ, tự do hóa hoặc hạ thấp rào cản lên sự nhập khẩu này.
Xem thêm: lmth.oa-gnac-yagn-gnav-aig-ohc-mal-ioig-eht-iov-yl-hcac/183413/nv.semitnogiaseht.www