Năm 2021, các trường đại học (ĐH) tiếp tục đẩy mạnh hơn công tác tự chủ trong tuyển sinh đầu vào. Đến thời điểm này, dù Bộ GD&ĐT chưa công bố những thông tin về thi tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng việc tuyển sinh ở các trường bằng các phương thức khác như xét học bạ, đăng ký thi đánh giá năng lực… đã rất náo nhiệt.
Chen chân xét học bạ sớm
Từ đầu tháng 3, hàng loạt trường ĐH tại TP.HCM đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ sớm. Không cần chờ điểm của học kỳ II lớp cuối cấp, học sinh khối 12 đã có thể dự tuyển tại nhiều trường, nhiều ngành học để giành suất vào ĐH trước cả khi năm học kết thúc.
Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó Trưởng phòng Truyền thông của trường, cho biết chỉ sau 10 ngày nhận hồ sơ học bạ đã có gần 400 hồ sơ đăng ký, tương ứng với hơn 1.300 nguyện vọng.
Trong đó, hơn 50% nguyện vọng tập trung vào các ngành “hot” theo xu hướng như công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu, robot trí tuệ nhân tạo, quản trị kinh doanh, logistics, tiếng Anh.
“Năm nay, phương thức xét học bạ thu hút nhiều sự quan tâm của phụ huynh, học sinh vì việc xét này thuận tiện và chủ động hơn cho các em. Trung bình một ngày có 30-60 thí sinh, phụ huynh quan tâm và nộp hồ sơ về trường. Trên các kênh tư vấn trực tuyến, trường cũng nhận nhiều quan tâm, thắc mắc của các em” - ThS Phương chia sẻ.
Còn tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, ThS Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh, cho biết qua tám ngày nhận hồ sơ học bạ đầu tiên, trường đã nhận đăng ký hơn 350 nguyện vọng xét tuyển. Số này tăng 15% so với thời điểm năm 2020.
Thí sinh đến tư vấn và nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM những ngày vừa qua. Ảnh: THÁI SƠN
Phương thức xét học bạ có nhiều ưu điểm vì giảm áp lực thi cử, tăng cơ hội trúng tuyển vào các ngành học yêu thích và vào nhiều trường… Tuy nhiên, điều này cũng khiến các em dễ chủ quan hơn. “Khi đăng ký xét tuyển, đã trúng tuyển bằng phương thức nào thì các em nên thực hiện nhập học sớm, không nên đứng núi này trông núi nọ vì nộp trễ thời hạn sẽ bị hủy kết quả và điểm xét ở các đợt bổ sung sau luôn cao hơn nhiều. ThS PHẠM DOÃN NGUYÊN, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM |
Thí sinh chọn thi đánh giá năng lực cao “khủng”
Những năm gần đây, khi các trường ĐH ngày càng được giao quyền tự chủ trong tuyển sinh, nhiều phương thức tuyển sinh mới được áp dụng để đáp ứng nhu cầu tuyển đầu vào của từng trường.
Bên cạnh xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ, những kỳ thi riêng như đánh giá năng lực cũng được nhiều đơn vị tổ chức để tạo nguồn tuyển riêng phù hợp hơn.
Trong đó, khối công lập phía Nam, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM là kỳ thi được tổ chức quy mô nhất và thu hút nhiều thí sinh nhất.
Sau ba năm tổ chức, năm nay dù chỉ mới ở đợt 1, ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục ghi nhận lượng thí sinh “khủng” khi có hơn 74.000 em đăng ký dự thi.
Được biết thời gian mở cổng đăng ký của đợt này từ ngày 15-1 vừa qua, tuy nhiên số lượng đăng ký tăng mạnh trong khoảng chục ngày trở lại đây, khi sát thời hạn kết thúc đăng ký.
Và với số lượng này, đây cũng là số liệu kỷ lục trong ba năm qua. Cụ thể, năm 2018 chỉ có gần 5.000 thí sinh dự thi. Năm 2019, kỳ thi diễn ra trong hai đợt và tổng cộng có hơn 40.000 thí sinh dự thi. Năm 2020 cũng có khoảng 60.000 thí sinh đăng ký dự thi nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tổng số thí sinh dự thi chỉ đạt gần 50%.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm nay dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn quyết định tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực và với quy mô mở rộng hơn để thuận lợi cho thí sinh ở các khu vực.
Trong đó, thi đợt 1 sẽ diễn ra vào ngày 28-3 tại bảy địa phương gồm TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang, Đà Nẵng và hai điểm thi mới so với mọi năm là Bạc Liêu và Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Ở đợt 2, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ mở cổng đăng ký dự thi từ ngày 4-5 đến 4-6. Kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 4-7 tại bốn địa phương, gồm TP.HCM, An Giang, Nha Trang và Đà Nẵng.
Đặc biệt, theo ĐH Quốc gia TP.HCM, chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức này năm 2021 của các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM đều tăng lên. Trong đó, Trường ĐH KHXH&NV với mức chỉ tiêu tối đa 50%, Trường ĐH Bách khoa dành tối đa 70% chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức này…
Tính đến nay, tổng số trường sử dụng kết quả này để tuyển sinh cũng khoảng 70 trường ĐH, CĐ và có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Dự kiến thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ba lần Theo thông tin mới nhất từ Bộ GD&ĐT, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2021 vẫn giữ ổn định như năm trước. Hiện nay, các bộ phận chuyên môn của bộ đang khẩn trương chuẩn bị bộ đề thi tham khảo của kỳ thi tốt nghiệp THPT và dự kiến công bố trong tháng 3. Về tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT cũng cho biết bộ cũng đang hoàn thiện bản dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH chính quy năm 2021 và sẽ sớm công bố trước ngày 1-4 để lấy ý kiến công chúng. Tuy nhiên, nội dung quy chế vẫn tương tự năm 2020 và có thể sẽ điều chỉnh một số điều khoản để tạo điều kiện hơn cho thí sinh cũng như để công tác thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn. Cụ thể như quy chế dự kiến cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ba lần khi xét điểm thi tốt nghiệp THPT vào các trường ĐH, CĐ, trong khi trước đây chỉ có một đợt duy nhất. Ngoài ra, bộ cũng sẽ triển khai cho thí sinh được phép đăng ký xét tuyển nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến thay vì phải đăng ký trên phiếu đăng ký dự thi như những năm trước. Ở những địa bàn còn khó khăn, các trường sẽ hỗ trợ các em đăng ký trực tiếp bằng phiếu. |