Để nâng cao năng lực quản trị hệ thống, BIDV muốn bầu ông Lê Ngọc Lâm (Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành BIDV) và ông Nguyễn Quang Huy (Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam) tham gia Hội đồng quản trị BIDV nhiệm kỳ 2017-2022, trong đó ông Nguyễn Quang Huy là Ủy iên Hội đồng quản trị độc lập; bầu bà Nguyễn Thị Thu Hà (phó giám đốc Ban Kế hoạch BIDV) tham gia Ban Kiểm soát BIDV nhiệm kỳ 2017-2022.
Được biết, ông Lê Ngọc Lâm sinh năm 1975, trình độ thạc sỹ tài chính ngân hàng. Ông Lâm gia nhập BIDV từ năm 1997, trải qua nhiều vị trí tại các phòng ban khác nhau như Ban Tín dụng, Ban Quản lý rủi ro tín dụng, Ban khách hàng doanh nghiệp. Ông Lâm làm Phó Tổng giám đốc BIDV từ tháng 1/2015 và đến tháng 11/2018 làm Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành.
Ông Nguyễn Quang Huy sinh năm 1960, trình độ Thạc sỹ kinh tế, Kỹ sư tuyển khoáng. Ông Huy làm việc tại Vụ Quan hệ quốc tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ năm 1990. Đến năm 2003, ông Huy làm Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và từ năm 2007 làm Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối. Năm 2014, ông Huy sang làm Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và sang năm 2015 làm Chủ tịch Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Ông Huy nghỉ hưu từ tháng 5/2020.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà sinh năm 1980, trình độ Thạc sỹ tài chính ngân hàng. Bà Hà làm việc tại BIDV từ tháng 10/2002.
Bên cạnh bầu bổ sung 2 thành viên, BIDV cũng miễn nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị độc lập đối với ông Lê Việt Cường kể từ ngày 1/5/2021 theo nguyện vọng cá nhân.
Với sự thay đổi này, Hội đồng quản trị BIDV hiện gồm có 11 thành viên, trong đó 1 thành viên là người nước ngoài, 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập, Ban kiểm soát BIDV gồm có 3 thành viên.
Về kế hoạch kinh doanh 2021, BIDV đặt mục tiêu
- Dư nợ tín dụng tăng trưởng 10-12%
- Huy động vốn dự kiến tăng trưởng 12-15%
- Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 13.000 tỷ đồng
- Tỷ lệ nợ xấu dưới 1,6%
- Tỷ lệ trả cổ tức không thấp hơn mức thực hiện năm 2020
Năm 2020, BIDV lãi trước thuế hợp nhất 9.026 tỷ đồng, giảm 15,9% so với năm 2019 do ngân hàng chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ và miễn giảm lãi, phí cho khách hàng khó khăn do Covid-19 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản BIDV là 1,517 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1,8% so với năm 2019 và tiếp tục là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam.
Năm nay, BIDV sẽ phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng, lên 48.524 tỷ đồng (tăng 20,6% so với thời điểm 31/12/2020).
Trong đó, BIDV phát hành 207,36 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 100:5,2), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 100:7) và phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ (tỷ lệ 100:8,5).
Đối với số cổ phiếu phát hành bằng hình thức chào bán, giá phát hành sẽ được xác định theo giá thị trường, trên cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, BIDV sẽ chuyển đổi chi nhánh Yangon thành ngân hàng con. Tại 31/12/2020, Chi nhánh BIDV Yangon có tổng tài sản đạt khoảng 120 triệu USD, vốn điều lệ 85 triệu USD, Huy động vốn đạt 34 triệu USD, dư nợ cho vay đạt khoảng 23 triệu USD. Chi nhánh đã bắt đầu có lãi từ năm 2018, sớm hơn 1 năm so với Đề án thành lập, Lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 1,62 triệu USD. Sau chuyển đổi, vốn điều lệ ngân hàng con sẽ là 100 triệu USD, tăng 15 triệu USD. Lợi nhuận trung bình 1,5 triệu USD/năm.
...tiếp tục cập nhật
Hà My
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị