Gia đình tôi di cư vào đất Sài Gòn từ năm 1954 và từ lúc đó cho tới khi qua đời vào năm 2011, cha tôi vẫn canh cánh ước mơ được về thăm quê một lần, nhưng chúng tôi vẫn không làm được cho ông.
Tôi nhớ ông cảnh sát trưởng nơi gia đình tôi cư ngụ từ năm 1963, trong cái đêm xảy ra chuyện chúng tôi đánh nhau với hàng xóm, nói với cha tôi: "Bác ơi, dù bác đã vào đây mấy chục năm, bác vẫn không phải là người ở đây, nên đừng trách nếu chúng tôi vẫn xem gia đình bác là người ngụ cư!". Nghĩa là chúng tôi vẫn là "dân Bắc kỳ di cư" cho dù tôi sinh ở đây, năm 1958, tại Nhà bảo sanh Lương Kim Vi trên đường Hai Bà Trưng, nơi hằng ngày đi làm tôi vẫn đi ngang, nhìn thấy nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình.
Có lần tôi va quẹt xe vào một đứa nhỏ cũng trên đường này, khiến nó và xe ngã lăn cù. Quen thói bắt nạt, tôi lên giọng "Đi kiểu gì ẩu vậy!" rồi tính... dọt, thì một giọng nói cất lên, trầm và rõ: "Đứng lại, đỡ nó dậy, đền tiền cho nó, nếu không là "có chiện" đó nha!". Tôi nhìn nơi phát ra câu nói đầy vẻ "giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha" này, thì thấy "Lục Vân Tiên" là một gã giang hồ bặm trợn, đội nón tùm hụp, đang ngồi trên xe xích lô của mình nghỉ ngơi và chờ khách. Dĩ nhiên là tôi phải làm theo, vì cũng... hơi ngán "có chiện"!
Lần tôi bị va quẹt khi đạp xe đến trường thì hoàn toàn ngược lại. Trên chiếc xe Honda chở ba, ba thanh niên nhảy ngay xuống, một người đỡ tôi dậy, hai người còn lại khiêng ngay chiếc xe đạp của tôi vào tiệm sửa xe ngay đó, hỏi giá sửa và móc ví trả tiền luôn, xin lỗi tôi rồi mới "biến", tất cả diễn biến chỉ trong vài phút, khiến tôi không nói được câu nào.
Chị hàng xóm của chúng tôi mới đúng là người lao động Sài Gòn thứ thiệt. Chồng là họa sĩ nghèo, chị đẩy xe bán tàu hủ và sữa đậu nành suốt gần 30 năm để nuôi cả nhà. Tôi vẫn thường nghĩ tới mấy câu thơ hình như của Tú Xương tả về vợ "Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng" mỗi khi muốn nói về chị.
Mặc dù hai gia đình đã từng có chuyện bất hòa, chủ yếu là do mấy đứa con trai hăng máu, chị vẫn mỗi khi gặp ông anh tâm thần của tôi lang thang ngoài đường có vẻ đói khát là múc cho ông chén tàu hủ hoặc ly đậu nành. "Để làm phước mà...", chị hay nói thế khi thấy tôi áy náy.
Mới đây, khi ông ấy qua đời, dù chúng tôi không báo, chị vẫn từ xa đến thắp nén hương và chia buồn. Tôi nhớ lời dạy của ông bố vợ người Sài Gòn của tôi ngày xưa: "Con à, ở đây lối xóm có đám ma đừng đợi ai kêu mà phải tới ngay hỏi thăm, chia buồn!".
Khi đọc lại những trang sử về ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), lần nào tôi cũng thấy khoái. Ông ấy đúng là tiêu biểu cho không chỉ là người Sài Gòn mà nói rộng ra là Nam Bộ, trong từng lời nói và hành động. Giờ mỗi khi ra Hà Nội, cô em họ của tôi vẫn giới thiệu tôi với bạn bè một cách hãnh diện: "Ông anh tớ, ở Sài Gòn mới ra!". Nhưng tôi thỉnh thoảng vẫn cứ thắc mắc: "Tôi đã thuộc về vùng đất này chưa nhỉ?".
TTO - Nhân cuộc thi viết Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tiến sĩ Bùi Trân Phượng và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ về tính bao dung, tình nghĩa, tử tế của đất và người Sài Gòn hun đúc hơn 300 năm qua