vĐồng tin tức tài chính 365

Ngân hàng mạnh tay chi cổ tức

2021-03-12 13:41

Ngoài việc công bố kết quả kinh doanh năm 2020, kế hoạch 2021, nhân sự cấp cao, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu..., vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm trong mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm nay vẫn là cổ tức và tăng vốn.

"DỐC HẦU BAO" CHO CỔ TỨC 

Nếu như những năm trước, các cổ đông quan tâm đến việc nhận cổ tức bằng tiền mặt thì năm nay, trong bối cảnh giá nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng cao, cổ đông lại thích nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền và cổ phiếu cũng đã được một số ngân hàng hé lộ với tỷ lệ "khủng", có trường hợp lên đến 40%.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào ngày 24/3 tới, Ngân hàng Quốc tế VIB (VIB) sẽ trình phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và chào bán cổ phiếu. Năm 2020, VIB cũng chia cổ tức, cổ phiếu thưởng gần 30%.

Trước đó, trong tháng 11/2020, VIB đã niêm yết gần 1 tỷ cổ phiếu trên sàn HOSE, với giá tham chiếu cho ngày đầu giao dịch là 32.300 đồng/cổ phiếu. Hiện giá cổ phiếu VIB giao dịch quanh 43.000 đồng/cổ phiếu (phiên 10/3/2021). Năm 2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VIB đạt 5.801 tỷ đồng, tăng 42,1% so với năm 2019 và vượt 29% so với kế hoạch.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng cho hay, lợi nhuận trước thuế năm 2020 dự kiến đạt 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với năm 2019 và bằng 174% kế hoạch đặt ra. Vì thế, theo lãnh đạo cấp cao MSB, ngân hàng sẽ trình phương án chia cổ tức tối thiểu 15% tại Đại hội cổ đông thường niên dự kiến thực hiện trong quý I.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) duy trì mức cổ tức tương đối cao qua các năm. Năm 2020, OCB vượt chỉ tiêu kinh doanh với việc đạt 4.414 tỷ đồng lãi trước thuế. Chia sẻ với giới đầu tư về cơ hội đầu tư vào cổ phiếu OCB trước thời điểm niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng OCB đã "hé lộ" mức cổ tức 2020 dự kiến ở mức 25% bằng cổ phiếu. Đây cũng là lý do khiến giá cổ phiếu OCB luôn duy trì ở mức cao kể từ khi niêm yết (ngày 28/1/2021) đến nay.

Thị trường cũng đang "hóng" thông tin từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) vì năm qua, ngân hàng này chia cổ tức, cổ phiếu thưởng ở mức "khủng" lên đến 65%. Năm 2020, HDBank đạt 5.818 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 15,9% so với năm 2019, tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,93%.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán vấp phải sự cố "nghẽn mạng", nhiều giải pháp xử lý đang được cơ quan quản lý đưa ra để khắc phục, thị trường ít nhiều bị ảnh hưởng đến đà tăng. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn thu hút dòng tiền nhờ sự quan tâm đầu tư của nhà đầu tư. Điều này minh chứng kế hoạch chia cổ tức và cổ phiếu thưởng của các ngân hàng được các nhà đầu tư rất quan tâm hiện nay. Nhiều cổ đông, nhà đầu tư tranh thủ "gom" cổ phiếu ngân hàng để hưởng lợi nhuận này.

TĂNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUA TĂNG VỐN  

Ngoài vấn đề cổ tức được nhiều cổ đông quan tâm, tăng vốn lại là yếu tố khiến nhiều ngân hàng trăn trở. Tăng vốn sẽ giúp gia tăng năng lực cạnh tranh của các ngân hàng, giúp ngân hàng phát triển ổn định, bền vững hơn trong tương lai.

Theo Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, ông Cấn Văn Lực, tăng vốn tiếp tục là thách thức lớn đối với các ngân hàng trong năm 2021. Nhiều yếu tố tạo áp lực tăng vốn cho ngân hàng như các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Điều này sẽ bào mòn lợi nhuận, ảnh hưởng đến năng lực tài chính. Ngoài ra, tăng vốn cũng là điều kiện cần để đảm bảo khả năng cung tín dụng của các ngân hàng. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức 12-13%, theo vị chuyên gia này, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng tăng ít nhất khoảng 7-8%.

Do đó, với việc cho trả cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ tại nhiều ngân hàng cũng tăng tương ứng. Như trường hợp của VIB nói trên. Năm 2021 là năm thứ 2 VIB trình phương án không chia cổ tức tiền mặt để tăng vốn và tập trung phát triển các mảng kinh doanh trọng yếu. Vốn điều lệ dự kiến sau các phương án tăng vốn là khoảng 16.000 tỷ đồng, đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong kinh doanh.

Hay như Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), nhà băng đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% theo mệnh giá. Sau khi trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt, lợi nhuận giữ lại của VietinBank còn hơn 3.886 tỷ đồng. Khoản tiền này cùng toàn bộ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ của năm 2017 - 2018 sẽ được dùng làm nguồn trả cổ tức bằng cổ phiếu (cổ đông VietinBank đã thông qua phương án phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 28,79%), tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này.

Tăng vốn là một trong những tờ trình quan trọng được Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trình đại hội đồng cổ đông diễn ra vào 23/4 tới. Nội dung phương án tăng vốn chưa được ngân hàng thông báo. Tuy nhiên, nhiều khả năng, Vietcombank sẽ trình cổ đông tăng vốn bằng chia cổ tức khi năm 2020 Vietcombank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 23.045 tỷ đồng và tiếp tục đề ra phương án phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ. Mục tiêu chào bán riêng lẻ 6,5% vốn được ngân hàng này đưa ra từ năm 2019, song đến nay vẫn chưa thực hiện.

Với OCB, nhà băng này đang có vốn điều lệ xấp xỉ 11.000 tỷ đồng sau khi thực hiện chia cổ tức năm 2019 và bán cổ phần cho Aozora. Với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại OCB hiện là 19,5%, room của nhà đầu tư ngoại tại OCB còn hơn 10%. Với việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%, vốn điều lệ của ngân hàng này cũng được tăng tương ứng thêm 25%.

Ngoài ra, một số nhà băng cũng dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch huy động vốn mới trong năm nay. Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam A (Nam A Bank) đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó có phương án phát hành 57 triệu cổ phiếu (tương đương 570 tỷ đồng) để chi trả cổ tức với tỷ lệ 12,4878% và chào bán 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 1.430 tỷ đồng).

Theo lãnh đạo Nam A Bank, ngân hàng sẽ chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài theo tỷ lệ quy định. Ngoài ra, ngân hàng cũng đang hoàn tất hồ sơ chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn HOSE, thay vì giao dịch trên UPCoM với mức giá đang xoay quanh 14.200 đồng/cổ phiếu.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt đã trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phần tăng thêm tối đa gần 1.000 tỷ đồng trong quý I/2021. Đồng thời, nhà băng này cũng vừa chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản ủy quyền Hội đồng quản trị quyết định tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tối đa mức 30%, nhằm thu hút vốn ngoại, tăng vốn. Các ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB)... cũng cho biết sẽ tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh bằng việc tăng vốn. Vấn đề này cũng sẽ được đưa ra bàn thảo trong kỳ đại hội cổ đông thường niên sắp tới.

Tuy chưa hết khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, song triển vọng đối với ngành ngân hàng vẫn được đánh giá tích cực khi mặt hàng lãi suất giảm dần, kích cầu tín dụng tăng.

Dù còn một số ngân hàng chưa chính thức công bố kế hoạch đại hội cổ đông năm 2021, tuy nhiên, có thể thấy, thay đổi phương thức trả cổ tức từ tiền mặt sang cổ phiếu sẽ trở thành xu hướng chính trong năm nay.

Điều này cũng dễ lý giải vì năm qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước  đề nghị các ngân hàng thương mại không chia cổ tức bằng tiền mặt, tiết giảm chi phí, dành nguồn tiền để cắt giảm lãi suất đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, sắp tới, chương trình thanh tra của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ lấy chỉ tiêu giảm lãi suất là một yếu tố đánh giá ngân hàng làm tốt hay chưa. Phó Thống đốc nhấn mạnh, các ngân hàng cần chủ động xem xét lại khoản vay cũ để điều chỉnh lãi thấp hơn.

Xem thêm: mth.44334223121301202-cut-oc-ihc-yat-hnam-gnah-nagn/nv.ymonocenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngân hàng mạnh tay chi cổ tức”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools