Những cột sóng thần hung dữ do trận động đất Tohoku gây ra ập đến vùng ven biển Minamisoma tại tỉnh Fukushima trong tháng 3-2011 - Ảnh: AFP
10 năm đã qua song ký ức ngày định mệnh 11-3-2011 vẫn còn trong tâm trí những người Nhật từng chịu đựng siêu thảm họa động đất, sóng thần và sự cố nhà máy điện hạt nhân.
Bài học lớn: Không chủ quan
Luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất là bài học lớn với mỗi người dân tại tỉnh Fukushima, nơi bị ảnh hưởng nặng nhất trong thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011. Bài học đó đã được thử thách hôm 13-2-2021, gần đúng một tháng trước dịp kỷ niệm 10 năm siêu thảm họa.
Khi cơn địa chấn mạnh 7,3 độ xảy ra ngoài khơi bờ biển Tohoku lúc nửa đêm 13-2, ông Yoshimasa Imada lập tức có phản ứng nhanh và tự nhủ: "lần này mình nhất quyết phải bảo vệ cả gia đình".
Ông khẩn trương thu vén để sẵn sàng đưa vợ và hai con, đứa lớn 12 tuổi và đứa bé 3 tuổi, tới trung tâm sơ tán gần nhà. Quyết định nhanh chóng, quyết liệt của người đàn ông 55 tuổi này bắt nguồn từ những mất mát không thể đảo ngược từ 10 năm trước.
Ông Imada sống tại Minamisoma, tỉnh Fukushima, khi trận động đất kinh hoàng mạnh hơn 9 độ xảy ra ngày 11-3-2011. Thảm họa sóng thần diễn ra ngay sau đó đã cướp đi sinh mạng của cha mẹ ông, người vợ đầu và cả 3 đứa con ông.
"Tôi đã không thể bảo vệ gia đình mình trước đây" - ông Imada kể lại với báo Asahi (Nhật). Ý nghĩ đó đã dằn vặt ông suốt một thời gian dài. "Tôi đã không nghĩ sóng thần có thể ập tới nhà mình" - ông nói.
Ngôi nhà của họ khi đó nằm cách bờ biển khoảng 1km, từ nhà họ không thể nhìn thấy biển vì tầm nhìn đã bị choán bởi rất nhiều tòa nhà dựng lên. Nhưng sóng thần đã quét sạch tất cả. 10 năm qua, dù đã bắt đầu cuộc sống mới với một gia đình mới, nhưng ông Imada chưa bao giờ quên sáu con người ông day dứt đau khổ vì đã không thể cứu sống.
Lúc này gia đình ông vẫn đang sống gần biển, nhà họ cách đó khoảng 2km, nhưng người đàn ông này đã sống với một tâm thế hoàn toàn khác. Ông luôn chuẩn bị mọi thứ để có thể đưa cả nhà sơ tán ngay lập tức khi xảy ra động đất lớn. Mọi tài sản giá trị nhất của gia đình luôn được gói ghém trong một cái túi.
Với nhiều người dân sống tại Soma như ông Imada, cơn địa chấn ngày 13-2-2021 vừa qua không chỉ lập tức gợi lại những ký ức đau thương của thảm kịch năm 2011, mà nó giống như một "bài kiểm tra" cho tinh thần sẵn sàng ứng phó với thảm họa của họ.
Tòa tháp Tokyo Skytree được thiết kế có những khoảng trống giữa các trụ đỡ để gió lớn thổi xuyên qua, giảm bớt áp lực lên tòa nhà. Ở phần móng tòa tháp, các cấu trúc giảm chấn động bằng cao su được dùng để giảm bớt tác động lực di chuyển - Ảnh: BLOOMBERG
Đầu tư xứng đáng cho hạ tầng
Trong thập kỷ qua, theo Hãng tin Bloomberg, Nhật Bản đã gánh chịu khoảng 20% trong số những trận động đất mạnh nhất thế giới (những trận có cường độ từ 6 trở lên) cũng như nhiều cơn bão nhiệt đới mỗi năm. Trong đó, kinh hoàng nhất là cơn địa chấn xảy ra ngày 11-3-2011, kéo theo thảm họa sóng thần và sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-Ichi khiến hơn 15.000 người thiệt mạng.
Tình trạng biến đổi khí hậu cũng đang khiến các thảm họa thiên tai xảy ra với tần suất ngày một dày hơn.
Theo báo cáo của Văn phòng giảm thiểu rủi ro thiên tai của Liên Hiệp Quốc (UNDRR) công bố cuối năm ngoái, trong 20 năm qua, số thảm họa này đã tăng lên 7.348 vụ toàn cầu, cao gần gấp đôi so với 4.212 vụ trong hai thập kỷ trước đó, ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 4,2 tỉ người và gây tổn thất tài chính khoảng 2,97 ngàn tỉ USD.
Bởi vậy, dễ hiểu vì sao Chính phủ Nhật luôn cho rằng việc đầu tư và chuẩn bị kế hoạch ứng phó với các thảm họa là điều thực sự nghiêm túc. Các khoản chi ngân sách cho lĩnh vực giảm nhẹ rủi ro, thiệt hại vì thiên tai vẫn đang tăng theo thời gian, tập trung cho các lĩnh vực nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ dự báo/ứng phó động đất và đầu tư cho các tiến bộ công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Trong tháng 12-2020, Chính phủ Nhật đã đồng thuận kế hoạch chi tiêu ngân sách 15 ngàn tỉ yen (144,4 tỉ USD) trong 5 năm để đẩy mạnh các dự án ứng phó thảm họa. Nước này cũng đầu tư cho các giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro và phát triển các hệ thống siêu máy tính để dự báo lượng mưa.
Trong kế hoạch hành động 5 năm mới nhất, Chính phủ Nhật cũng đã đưa vào 123 dự án giảm thiểu rủi ro thảm họa sau khi đánh giá dự án kéo dài 3 năm hiện có là chưa đủ để bảo vệ tính mạng người dân cũng như tài sản.
Biến "nguy" thành "cơ"
Các kỹ sư và kiến trúc sư Nhật Bản đang nỗ lực mở rộng thêm những giới hạn mới của công nghệ và thiết kế để giảm thiểu tổn thất vì thiên tai.
Một trong những yếu tố khiến Luật kiến trúc sư Nhật Bản (Luật Kenchikushi) khác biệt với nhiều nước chính là có quy định buộc các kỹ sư - kiến trúc sư được cấp bằng hành nghề phải chịu trách nhiệm về những hư hỏng của tòa nhà trong thời gian 10 năm sau khi xây dựng.
Ngân hàng Thế giới năm 2018 từng công bố báo cáo nghiên cứu về "trường hợp của Nhật Bản" như một "case study" (một phương pháp nghiên cứu sự việc thực tế dựa trên một tình huống cụ thể) của việc biến những kinh nghiệm ứng phó thảm họa thành một môi trường xây dựng an toàn hơn.
Theo nhận định của báo cáo này, "bằng cách dần thay đổi các luật xây dựng để ứng phó với những trận động đất liên tiếp và những thay đổi về kinh tế, xã hội cũng như nhân khẩu học", Nhật Bản đã tạo ra một môi trường xây dựng "an toàn và vững chãi nhất trong thảm họa" trên thế giới.
Tokyo Skytree, tòa tháp truyền hình cao nhất thế giới - 634m - và là một trong những điểm thu hút du khách lớn nhất của Tokyo kể từ khi mở cửa cho công chúng năm 2012, có lẽ chính là một trong những ví dụ sinh động nhất cho những nỗ lực nâng cao năng lực ứng phó với thảm họa của người Nhật.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các thiết kế tòa nhà an toàn hơn. Các phần mềm mô phỏng bão có thể dự đoán lượng gió và sức gió trong hai đến ba ngày, một quá trình vốn thường phải mất nhiều tháng thu thập dữ liệu và thử nghiệm thực tiễn.
"Với sóng thần, khoảng thời gian một hoặc hai phút trở thành sự khác biệt giữa sống và chết" - ông Mitsuo Kamata, 68 tuổi, một người đã sống sót trong thảm họa năm 2011 tại Fukushima nhờ kịp thời thoát thân tới một khu đất cao hơn.
Kể từ sau thảm họa đó, trong xe hơi của ông luôn có sẵn nước và đèn pin, bình xăng xe luôn phải còn hơn nửa bình.
Giải pháp trú ẩn tại chỗ
Vào lúc 14h26 ngày 11-3-2011, một trận động đất mạnh 9 độ làm rung chuyển Nhật Bản với tâm chấn được dò thấy ở khu vực cách bờ biển Sendai khoảng 64 dặm (103km) và ở độ sâu khoảng 18,6 dặm (30km). Vài ngày trước đó, một trận động đất mạnh 7,2 độ và nhiều dư chấn mạnh 6 độ đã xảy ra gần đó.
Ở thời điểm xảy ra thảm họa, nước Nhật đang có 54 lò phản ứng hạt nhân. Thảm họa động đất, sóng thần đã làm hư hỏng nhiều nhà máy điện hạt nhân và gây sự cố rò rỉ nghiêm trọng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Để ứng phó thiên tai, nữ kiến trúc sư Naoko Ito tìm đến giải pháp thiết kế không gian trú ẩn vững chắc và an toàn ngay trong mỗi căn nhà khi xảy ra thảm họa.
Theo các chia sẻ trên trang web của bà, lấy cảm hứng từ các thiết kế của người Bắc Âu, bà Naoko Ito tìm ra giải pháp thiết kế nhà ở sao cho một mặt tăng độ bền vững của toàn bộ căn nhà, mặc khác có một nơi an toàn hơn để trú ẩn tại chỗ khi xảy ra thiên tai thảm họa và không cần sơ tán.
Dù vậy theo Bloomberg, tới nay mới chỉ một vài mẫu thiết kế nhà của bà Naoko Ito được xây dựng.
TTO - Thảm họa xảy ra bất ngờ, phản ứng thông thường sẽ lo đối phó với những gì xảy ra trước mắt. Nhưng người Nhật đã nhìn xa và nhìn sâu hơn thế.