Trẻ em xem clip trên YouTube - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Từ vụ việc của YouTuber Thơ Nguyễn làm clip xin vía học giỏi, câu chuyện bảo vệ an toàn cho trẻ em trong môi trường mạng một lần nữa lại được khơi ra nhức nhối.
Hầu hết phụ huynh, luật sư, nhà giáo dục... đều rất quan tâm đến vấn nạn YouTuber "kền kền", YouTuber hướng đến trẻ em nhưng nội dung nhảm nhí, phản giáo dục. Họ mong có những phản ứng mạnh từ người xem, thậm chí khởi kiện để những YouTuber này chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội.
Khi cho con ăn uống, các phụ huynh đều quan tâm thực phẩm có đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm không, thì các phụ huynh cũng cần phải có mức độ chú ý tương đương như vậy với con khi để con tiếp xúc với môi trường số, để tránh cho con bị ngộ độc về mặt tinh thần.
PGS.TS Trần Thành Nam
Cần mạnh dạn lên án, khởi kiện YouTuber "kền kền", độc hại
Chị Trần Đông Vân (quận 7, TP.HCM) nêu ý kiến: "Là một người mẹ, tôi mong rằng sẽ có nhiều phản ứng mạnh, thậm chí khởi kiện Thơ Nguyễn. Phải mạnh tay mới cảnh tỉnh được những người sản xuất nội dung trên YouTube, nhắc nhở họ đừng vì tiền bạc mà làm những điều gây ảnh hưởng đến con trẻ. Trước khi làm nội dung, các YouTuber cần cân nhắc tính nhân văn, tính cộng đồng và pháp lý".
Chị Vũ Kim Anh (quận 2) cho rằng những YouTuber như Thơ Nguyễn nắm được tâm lý trẻ em nên lợi dụng điều đó để kiếm tiền, thay vì giúp trẻ em học điều hay lẽ phải.
Chị nói: "Con gái tôi ban đầu cũng thích kênh Thơ Nguyễn nhưng tôi thấy kênh này nhảm nhí, ngôn từ vô duyên. Tôi không cấm vì nếu vậy, con sẽ càng tò mò. Tôi chọn cách xem cùng con, phân tích với con cái nào phù hợp, cái nào không phù hợp để con hiểu được và tránh xa. Là phụ huynh, chúng ta vẫn phải có trách nhiệm chính trong việc bảo vệ con cái".
Chị Linh Vương (quận 2) lại cho rằng các phụ huynh nên sử dụng tốt hơn ứng dụng YouTube Kids để lọc nội dung cho con mình. Chị phân tích: "YouTube có hai mảng: YouTube cho người trưởng thành và YouTube Kids dành riêng cho trẻ em chưa biết kiểm soát nội dung xem trên mạng. Nhiều phụ huynh còn chưa sâu sát với con cái và chưa nâng cao hiểu biết khi sử dụng công nghệ.
Phụ huynh nên lựa chọn YouTube Kids cho con, cài đặt các từ khóa được phép và không được phép sử dụng. Khi đó, trẻ không thể xem các nội dung có từ khóa đã bị chặn vì kết quả không hiển thị. Về vấn đề này, vai trò của phụ huynh là lớn nhất, sau đó mới là trách nhiệm từ phía YouTube".
Về các clip "độc hại" khó sàng lọc bằng các tiêu chí của YouTube, Facebook... kiểu clip búp bê kumanthong của Thơ Nguyễn, theo viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng, một giải pháp quan trọng là phải đưa bộ môn học giáo dục kỹ năng số vào trong nhà trường để trang bị kỹ năng an toàn trên môi trường số.
Giáo dục về an toàn mạng
Về video có nội dung, hình ảnh "xin vía học giỏi từ búp bê kumanthong" của YouTuber Thơ Nguyễn, luật sư Lê Quang Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định "có dấu hiệu của hành vi cung cấp và tuyên truyền thông tin mê tín dị đoan, gây ảnh hưởng xấu đến khán giả nhỏ tuổi".
Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đã nêu rõ việc hành nghề mê tín dị đoan, trong đó có cả việc kinh doanh "bùa ngải" là vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất và mức độ, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính (từ 3 đến 5 triệu đồng) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, video của Thơ Nguyễn có dấu hiệu của hành vi lợi dụng mạng xã hội "cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc" tại điểm b, khoản 1, điều 101 của nghị định 15/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Mức phạt tiền đối với hành vi là từ 10 triệu đến 20 triệu đồng và buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội), những người làm sáng tạo nội dung trên các nền tảng YouTube, TikTok... là công việc đã được thế giới coi là một nghề thì phải học hỏi để nâng cao kỹ năng nghề của mình, đặc biệt là những người làm các nội dung cho trẻ em.
Cũng là một người sáng tạo nội dung trên YouTube về tình cảm gia đình, quê hương đất nước được yêu thích gần đây, anh Lê Xuân Đức (được biết tới trên mạng với tên Bố Cu Sâu) đồng tình với quan điểm rằng những người làm công việc sáng tạo nội dung cho trẻ em phải đặc biệt chú ý chuyện không ngừng học hỏi về giáo dục, ngôn ngữ, tâm lý trẻ nhỏ. "Khi bạn xác định sự nghiệp của mình sẽ gắn với trẻ nhỏ, ngoài việc sáng tạo không ngừng, bạn cần phải thực sự là người có kiến thức" - anh Xuân Đức nói.
Nhưng PGS Trần Thành Nam cho rằng giải pháp quan trọng hơn cả chính là ở các bậc phụ huynh - chốt chặn cuối cùng trên con đường bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng.
Phụ huynh cần tự nâng cao năng lực công nghệ thông tin của chính mình và phải dành nhiều thời gian cho con hơn, đặc biệt là trong giai đoạn con còn bé, trang bị cho con từ sớm những giá trị tốt để tăng khả năng nhận biết cái xấu cái tốt trên mạng hơn. Ông Nam cũng cho rằng cần đưa chương trình giáo dục về an toàn mạng vào nhà trường...
Sẽ lập mạng lưới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Ông Hoàng Minh Tiến - phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) - cho biết Cục An toàn thông tin đã trình Đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng lên Thủ tướng, dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 3 này. Đề án đề ra nhiều biện pháp để bảo vệ trẻ em trên môi trường số.
Tuy đề án chưa được chính thức thông qua nhưng cục đang chủ động tiến hành một số giải pháp bảo vệ trẻ em. Đầu tiên, trong tháng 4 tới, cục sẽ thiết lập mạng lưới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, mong muốn có sự tham gia rộng rãi của cộng đồng để lên tiếng về những nội dung xấu độc.
Đề án còn đưa ra giải pháp phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng bộ tài liệu về kỹ năng số cho học sinh theo từng lứa tuổi, lồng ghép vào các tiết học công nghệ thông tin, nhằm trang bị cho trẻ em kỹ năng an toàn trên môi trường mạng.
T.ĐIỂU
TTO - Sau khi sự việc kênh YouTube Thơ Nguyễn đăng video xin vía học giỏi từ búp bê ma (Kumanthong) bị dư luận phản ứng, cơ quan thuế đã vào cuộc rà soát, cho thấy cô này đã kê khai nộp hàng tỉ đồng tiền thuế và cơ quan thuế sẽ tiếp tục rà soát.