Bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021) do Quỹ Di sản (Heritage Foundation của Mỹ) vừa công bố cho thấy năm nay, lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình” (Moderately Free), tăng 2,9 điểm và tăng 15 bậc so với năm 2020.
Kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1995, chưa một quốc gia nào có quy mô tương đương đạt được kết quả trong bảng xếp hạng chỉ số tự do kinh tế nhanh chóng như Việt Nam. Các quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng bao gồm: Singapore, New Zealand, Australia và Thụy Sỹ. Trong đó, Singapore đứng đầu với 89,7 điểm.
Thực tế, vị trí thứ 90 trong tổng số 178 quốc gia xếp hạng có thể không phải là một kết quả quá "giật gân". Tuy nhiên, khi đánh giá triển vọng kinh tế của một quốc gia, điều quan trọng không phải quốc gia đó hiện đang đứng ở đâu trong bảng xếp hạng, mà là sự thay đổi vị trí của xếp hạng quốc gia đó theo thời gian.
Về khía cạnh này, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng chú ý. Thời điểm Quỹ Di sản công bố chỉ số này lần đầu năm 1995, Việt Nam đạt 41,7 điểm. Đến năm 2005, con số này tăng lên 48,1 điểm. Vào năm 2010, con số này tiếp tục tăng lên 49,8 điểm. Đặc biệt là sự gia tăng này ngày càng nhanh chóng và đến năm 2015, Việt Nam ghi nhận mức 51,7 điểm. Đến nay là 61,7 điểm - tăng 20 điểm kể từ năm 1995!
Tại Hoa Kỳ, năm 1995 con số này là 76,7 điểm và đã giảm nhẹ xuống 74,8 điểm vào năm 2021. Ý và Pháp hầu như không đạt được tiến bộ nào về tự do kinh tế trong 25 năm, với lần lượt 61,2 điểm và 64,4 điểm vào năm 1995 và 64,9 điểm và 65,7 điểm vào năm 2021.
Thực tế, chỉ có 5 quốc gia trên thế giới, với quy mô nhỏ hơn hoặc không tương đương, có thể bắt kịp với thành tựu tự do kinh tế của Việt Nam trong 25 năm qua. Cụ thể đó là: Moldavia, Bulgaria, Belarus, Romania và Angola.
Bên cạnh đó, sự gia tăng tự do kinh tế đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế và mức sống người dân được nâng cao hơn. Sự phát triển kinh tế của Việt Nam bắt đầu vào năm 1986 với công cuộc Đổi Mới, trong đó tỷ trọng của kinh tế nhà nước ngày càng giảm xuống và kinh tế tư nhân ngày càng tăng lên.
GDP Việt Nam tăng trưởng trung bình 6,7%/năm từ năm 1995 đến năm 2020. Chi tiêu của Chính phủ so với GDP cũng ở mức tích cực - thấp hơn đáng kể so với hầu hết các nước phương Tây. Tại Hoa Kỳ, chi tiêu của Chính phủ lên đến 35,7% GDP vào năm 2019. Con số này ở Việt Nam là 29,1% trong cùng năm.
Chỉ số tự do kinh tế được tính dựa trên 12 tiêu chí, chia theo 4 nhóm. Việt Nam đặc biệt ghi điểm cao trong các lĩnh vực "Chi tiêu công", "Ngân sách nhà nước", "Giảm gánh nặng thuế", "Tự do thương mại" và "Tự do tiền tệ". Trái lại, ở các tiêu chí như "Chính phủ liêm chính", "Hiệu suất của hệ thống tư pháp" và "Tự do đầu tư", Việt Nam có điểm số thấp.
Anh Vũ
Doanh nghiệp và tiếp thị