Ảnh: T.L.
Mải mê đuổi theo đám cháy để dập lửa, nhóm bảy cán bộ kiểm lâm và dân rừng bất ngờ bị biển lửa bao vây giữa rừng. Họ đã gọi điện trăn trối với gia đình...
Ngọn lửa tử thần
"Đời tui dập cả trăm đám cháy lớn nhỏ ở ngoài lẫn sâu trong rừng, nhưng không lần nào kinh hoàng như bận đó. Giờ nhớ lại còn tán hồn" - ông Tư Ton (65 tuổi, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, Cà Mau), một "thổ địa" rừng U Minh, rùng mình nhớ lại. Bảy người co cụm lại, lửa cháy tứ bề, kể cả cháy từ đất cháy lên... Họ chẳng thấy được ai và cũng chẳng ai thấy họ, cái chết như đã cận kề. "Có người đã gọi về cho vợ con trăn trối rồi" - ông Tư Ton nhắc lại.
Năm 2010, cũng những tháng hạn này, rừng U Minh lại cháy. Người sống ở vùng rừng rậm nơi cuối đất không lạ gì chuyện cháy rừng. Nhiều năm, tỉnh Cà Mau phải huy động toàn lực lượng tham gia chữa cháy. Nhưng nòng cốt vẫn là lực lượng các lâm trường, kiểm lâm cùng sự hỗ trợ của cư dân vùng rừng.
Lần đó, lửa bốc lên tại lô 1, kinh 19, tiểu khu 4 thuộc Phân trường Sông Trẹm. Lúc 15h, khi ngọn lửa bốc cao hơn đọt tràm thì lực lượng cơ động giữ rừng cũng tức tốc đến điểm nóng. Tổ máy đi chữa lửa có mặt những người dày dạn kinh nghiệm. Trong đó, lực lượng chuyên nghiệp gồm anh Võ Công Đoàn, Nguyễn Văn Hoàng, Đặng Ngọc Thanh, Võ Hoàng An cùng ba dân rừng lão luyện là ông Tư Ton, Ba Ly và anh Út ở xã Khánh Thuận. Họ mang theo máy móc và hàng chục ống dẫn nước để chiến đấu với giặc lửa.
Từ kinh 19, nhóm người phải băng rừng đoạn dài để đến được đám cháy. Rừng U Minh mùa hạn, thân tràm và thực bì dưới gốc tràm khô không khác gì mồi lửa lớn. Tuy nhiên, với những người quá nhiều kinh nghiệm chữa cháy thì không trực tiếp đương đầu với ngọn lửa, mà trước hết là cô lập để lửa không cháy lan. Thậm chí, tùy tình hình mà có nơi họ chủ động đốt khu vực lân cận để hai ngọn lửa gặp nhau và tự tắt.
Lần này, nhóm cơ động nhanh chóng cô lập được đám cháy. Khi khoanh vùng, cô lập đám cháy thành công, họ mới bắt đầu giáp mặt trực tiếp với lửa để dập tắt đám cháy. Ông Tư Ton nhớ lại lúc đó tổ chữa cháy kéo ống nước được bơm từ kênh vào sâu trong rừng để dập lửa. Anh em tiếp cận ngọn lửa từ hướng trên gió mà phun nước. Gió đùa lửa "chạy" tới đâu thì lực lượng cũng đuổi theo để dập tắt đến đó.
Nhưng lần này thì khác. Gió bất ngờ đổi hướng, từ hướng đông quật ngược lại hướng tây và ngọn lửa cũng đổi hướng quật ngược lại đội chữa cháy. Dính cú "hồi mã thương" của lửa quá bất ngờ, nhóm chữa cháy phải chạy ngược lại theo hướng đường ống nước.
Nhưng lúc này, đường ống cũng bị lửa thiêu hủy. Họ rút lui tới đâu thì lửa đuổi theo tới đó. Lớp thực bì dưới chân cũng bắt đầu rực lửa. "Bốn phương tám hướng đều lửa khói. Giữa rừng không lối ra. Nóng bức và không thở được. Nhiều người bắt đầu nghĩ đến cái chết" - ông Tư Ton nhớ lại.
Anh Trần Văn Đệ (bìa phải) gặp lại những người mà nhóm anh đã cứu khỏi đám cháy rừng - Ảnh TIẾN TRÌNH
Mong manh sống - chết
Trong tình thế thần chết cận kề, phản xạ tự nhiên của nhiều người là... bỏ chạy. Ông Ba Ly (Nguyễn Văn Lý, 62 tuổi) là người có mặt hôm đó nhớ lại trong nhóm bảy người bị lửa vây, nóng quá, có người vùng lên tốc chạy. Kinh nghiệm mách ông, nếu bỏ chạy thì chỉ có thể chạy... xuyên qua lửa, tức ngược hướng gió lúc này, nên ông đã nắm áo giữ người này lại để trấn an. "Bình tĩnh" - những người kinh nghiệm trong nhóm nhắc nhở các thành viên còn lại.
Nhóm người mò mẫm đến được khoảnh rừng lửa vừa cháy qua. Nhưng nguy hiểm là tới đâu cũng gặp lửa từ dưới lớp thực bì ngún bốc lên, phỏng cháy chân. Ông Ba Ly đổ mớ nước mang theo chưa sử dụng, lấy chân đùa lớp thực bì đang cháy để khoét một khoảng trống cho mọi người đứng. Hành động đó khiến chân ông bị phỏng nặng, gần như không đứng được. Cầm cự được một lúc, lửa khói cũng vây chặt. Mạng người vô cùng mong manh!
Không thở được vì thiếu oxy, ông Tư Ton lấy bao nilông trùm vào đầu, những người còn lại cố úp mặt vào lưng nhau để tránh khói. Tình thế buộc họ lần mò tìm những thân cây chưa bị cháy rụi để leo lên cao, mong tìm được oxy để thở.
Nhưng leo lên thân cây nào thì lửa từ dưới gốc cũng bốc lên tới đó rồi quật ngã cây. Lúc này chỉ có những thân cây không bị ngã mới cứu được họ. Ông gọi mọi người cùng nhau... đái vào một gốc cây để cố dập ngọn lửa đang âm ỉ từ lớp thực bì dưới gốc. Họ tìm được hai cây tràm chưa bị ngã qua đám cháy, rồi lần lượt... đái vào gốc, sau đó cùng nhau leo lên nhành cây để thở.
Đêm tối giữa rừng sâu đầy lửa khói. Họ không biết bao giờ lửa sẽ bị gió đẩy đến mình. Dưới mặt đất, lửa vẫn nghi ngút cháy lan từ lớp thực bì. Cái chết đã hiện trong đầu những người đàn ông đang co cụm trên thân tràm cháy đen. Mọi liên lạc ra bên ngoài đã đứt. Lúc chiều, điện thoại của một người trong nhóm còn pin, họ gọi về cho người thân. Có người đã trăn trối, có những tiếng khóc của phụ nữ, trẻ con...
Anh Trần Văn Đệ (52 tuổi, công tác tại Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ) kể lại: "Lúc đó, tôi và nhóm anh em cũng đang chữa cháy ở mũi cháy khác. Qua bộ đàm, anh Sáu Sử (Trần Thanh Sử, nguyên giám đốc Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ) huy động anh em tức tốc tìm nhóm anh em đang bị lửa vây. Cỡ nào cũng phải cứu cho được anh em ra" .
Nhận lệnh, anh Đệ cùng các kiểm lâm và dân rừng tức tốc đi tìm nơi có người gặp nạn. Ngặt nỗi đêm tối, khói lửa ngút trời, không cách nào họ thấy được đường đi. Có người trong nhóm giải cứu đã thở dài: "Không biết vào đó rồi chúng ta có toàn mạng trở ra hay không, nói gì đến cứu người". Nhưng anh Đệ và một số anh em càng quyết tâm: "Có chết cũng phải mang họ ra khỏi rừng". Họ níu nhau, mò mẫm tìm nơi nhóm người bị lửa cô lập.
Phải hơn 2 giờ sau, nhóm giải cứu mới tìm đến điểm nóng. Trời tối om, mọi liên lạc đã bị cắt. Nhóm giải cứu chỉ còn biết gọi lớn để hi vọng có tiếng người đáp lại. Họ gọi đến khàn giọng thì bất ngờ từ trong rừng có tiếng vọng ra. Nhưng giữa rừng, trời tối, khói lửa bao vây, việc xác định giọng nói phát ra từ hướng nào cũng rất khó.
Đang mò mẫm thì họ thấy có ánh sáng đèn pin phát ra từ ngọn cây cách đó vài trăm mét. Họ mừng quýnh, chiếu đèn ngược lại. Hai ánh sáng đèn đã tìm thấy nhau, nhưng đó cũng là lúc lửa lan đến những thân tràm. Những máy bơm và ống dẫn nước được nhóm giải cứu hối hả sử dụng để mở đường thoát cho các bạn đang mắc kẹt.
Anh Đệ nhớ khi tìm thấy cả bảy người mắc kẹt đều bị ám đen do khói bụi. Ông Ba Ly phỏng chân không đi được, anh Út thì ngất tại chỗ trong sức nóng khói lửa. Nhóm ứng cứu vừa dập lửa, vừa đưa các nạn nhân ra ngoài. Phải mất nhiều giờ nữa, các nạn nhân mới được đưa ra tới bờ kênh để canô đưa đi cấp cứu.
Ông Ba Ly bị phỏng trong đám cháy, phải chữa tại Bệnh viện huyện U Minh - Ảnh HỮU LỢI
Vẫn ở lại cứu rừng
Cứu người xong, nhóm anh Đệ không rút ra mà ở lại tiếp tục chiến đấu với lửa đang bùng phát. Ông Tư Ton cũng chỉ kịp báo về nhà là mình đã an toàn và người đàn ông gắn bó với rừng đã xung phong ở lại để cùng chữa cháy.
Phải bảy ngày sau, khi ngọn lửa hoàn toàn được dập tắt, ông Tư Ton mới được ăn bữa cơm nhà. Còn anh Đệ lúc đó mới được cởi giày, các móng chân đã bị thối vì rừng thiêng, nước độc và lửa khói.
Trải qua 24 lần phẫu thuật, 3 lần chết đi sống lại, hơn 1.000 ngày nằm liệt giường bệnh nhưng anh vẫn kiên cường sống...
Kỳ tới: 1.000 ngày chiến đấu với thần chết
TTO - Tại tỉnh Cà Mau tình hình khô hạn đang diễn ra khốc liệt, Vườn quốc gia U Minh Hạ nằm trên địa bàn tỉnh này đang thực sự đối diện với nhiều nguy cơ cháy.
Xem thêm: mth.53732231221301202-hnim-u-aul-neib-auig-tehc-tyus-1-yk-ut-hnis-hnar-nal/nv.ertiout