vĐồng tin tức tài chính 365

Người miền Tây làm công nhân ở Bình Dương: 'Đời ly hương buồn trăm chiều buồn'

2021-03-13 14:44
Người miền Tây làm công nhân ở Bình Dương: Đời ly hương buồn trăm chiều buồn - Ảnh 1.

Một lớp học tình thương cho con em lao động xa quê tại Bình Dương - Ảnh: B.SƠN

Miệt sông nước không tìm đâu được việc làm, họ không có lựa chọn nào khác ngoài cuộc sống "ly hương".

"Ở quê lấy gì sống"

Các dãy trọ của công nhân miền Tây ở Bình Dương đều na ná nhau. Hai dãy phòng đối diện nhau với lối đi sâu hút vào trong, những sào quần áo phơi phóng ở ngay lối đi. 6 giờ tối, ánh đèn trong những căn phòng trọ chừng hơn chục mét vuông bắt đầu được bật lên. Khung cảnh tranh tối tranh sáng.

Bà Hồng Nhi (47 tuổi, quê Cà Mau) đứng trước cửa phòng trọ nói chuyện với con gái cũng thuê phòng sát bên. Dãy trọ này có chừng 20 phòng thì gia đình bà Nhi thuê 4 phòng liên tiếp. Năm nay Kim Cương (con gái bà Nhi) 20 tuổi thì đã 12 năm cùng với 5 anh chị em nữa theo cha mẹ lên Bình Dương. 

Người lớn vào công ty, làm phụ hồ, người nhỏ làm việc tay chân tự do ở ngoài chờ đến khi đủ 18 tuổi cũng lần lượt theo cha mẹ vào nhà xưởng. Cậu em út 19 tuổi của Kim Cương vừa tan ca về cũng là một ví dụ.

"Quê tui vùng sông nước làm gì có việc mà làm. Có vuông tôm mà nuôi thả quanh năm, ngày nào cũng có bắt lai rai ăn qua bữa vậy thôi. Lên đây làm công nhân cũng có đỡ hơn nhiều", bà Nhi kể về gia cảnh. 

"Ở gần dưới (TP Cà Mau) cũng có nhà máy nhưng toàn nhà máy tôm, cua, thủy sản không à. Lạnh, hôi tanh mà lương thấp nên không làm được. Tôi chưa làm nhưng có mấy đứa em làm ở đó mấy năm, rồi tụi nó cũng bỏ lên đây hết rồi", bà Nhi kể thêm.

Cũng ở khu nhà trọ này, anh Nguyễn Chí Tâm (40 tuổi, quê Tân Hồng, Đồng Tháp) đã 16 năm ở Bình Dương, nhớ lại: "Học hết cấp III, ở quê vất vả đủ đường, đến đường đi xe còn không có, điện chưa có, học xong cũng không có việc gì làm nên tôi lên Bình Dương tìm việc". Nói về lý do chọn Bình Dương, anh Tâm chỉ nhớ rằng lúc đó có công ty đã lên tận bến xe Miền Tây tìm công nhân.

Ở một khu trọ khác, bà Lâm Thị Kim Cương (50 tuổi, quê Thạnh Phú, Sóc Trăng) cũng vừa tan ca về đến nhà trọ. Căn phòng vẫn còn chưa bật điện tối thui. "Nhà có hai đứa con nữa cũng đi làm công nhân, tối nữa tụi nó mới về tới", bà bảo. Bà Cương mới chỉ có "thâm niên" ở Bình Dương gần 4 năm nay sau nhiều năm lăn lộn nuôi tôm. Nhà có ao tôm, có ruộng lúa nhưng vẫn phải tha hương. 

"Làm ăn ở dưới khó khăn, làm gì cũng khó. Lúa năm hai vụ thì khi trúng khi thất. Cũng nuôi tôm mà đâu có trúng, tôm búng đi đâu hết", kể về cảnh nghèo mà bà Kim Cương vẫn rất hài hước. Bà bảo nuôi tôm "ít cũng vô vài trăm triệu" tiền vốn, sau một vụ thất bát là trắng tay, không còn vốn liếng, đành phải đóng cửa nhà đi làm công nhân.

Dang dở cả một thế hệ tương lai

"Cả xã tôi lên Bình Dương" - nhiều người nói vui như vậy. Tuy không hẳn tất cả 100% người dân một xã nhưng tại Bình Dương, không ít khu trọ có hàng trăm nhân khẩu thì người ở trọ đều là người cùng quê, thậm chí cùng chung một ấp hay một xã. 

Tại một công ty da giày ở thị xã Tân Uyên, trong số gần 10.000 công nhân làm việc trong nhà máy có tới quá nửa là người dân miền Tây. Giờ đây, người lao động đến từ ĐBSCL đóng góp nguồn nhân lực rất lớn cho "thủ phủ công nghiệp Bình Dương", trong bối cảnh người lao động từ miền Bắc, miền Trung thưa dần...

Ví dụ, "có một vườn tầm vông" là cụm từ quen miệng của bà con An Giang dành cho một khu trọ tại phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một. Họ gọi vậy có lẽ để gợi nhớ về nếp sống miền quê sông nước giữa lòng phố thị khi những dãy trọ với khoảng 200 - 300 nhân khẩu ở đây đều đến từ vùng quê xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. 

Chồng dắt theo vợ, vợ bế theo con, con cháu là cớ khiến ông bà đi lên đỡ đần, rồi họ hàng, bà con lối xóm... Cứ thế người sau dắt theo người trước, đi xe máy vượt hàng trăm cây số từ An Giang lên Bình Dương mưu sinh.

"Nếu ở quê chỉ làm nông nghiệp với vài công đất thu nhập không đủ sống. Mùa dịch này biên giới bị đóng cửa nên công việc càng ít đi. Nên bà con quê tôi chỉ còn cách đi Bình Dương để kiếm việc làm. Đàn ông đi làm thợ hồ, xây dựng; phụ nữ vào nhà máy, xí nghiệp" - anh Trần Minh Tâm, 31 tuổi, quê An Giang, cho hay.

Tương tự, anh Trần Văn Lý, 34 tuổi, cũng từ An Giang lên Bình Dương được gần 20 năm. Từng trải qua nhiều nghề, anh Lý cho biết thu nhập ở Bình Dương cao hơn ở quê khá nhiều, công việc cũng dễ kiếm nhưng tính toán chi li thì cũng không thấm vào đâu so với vật giá. 

Nếu chịu khó, người lao động phổ thông kiếm được khoảng 10 triệu đồng/tháng nhưng phải trả tiền thuê trọ, tiền nuôi con ăn học, chi phí sinh hoạt hằng ngày... nên cũng chẳng tiết kiệm được là bao.

Điều đau đầu và buồn hơn là những cuộc ly hương của người lớn cũng kéo theo những xáo trộn rất lớn trong cuộc sống của trẻ nhỏ. Anh Tâm cho hay hai con nhỏ phải gửi ở quê để ông bà nội chăm, dù rất nhớ con nhưng vì hoàn cảnh cuộc sống nên đành phải chấp nhận.

Những đứa con của anh Tâm vẫn còn may mắn hơn nhiều đứa trẻ đồng trang lứa bởi không ít trẻ em từ miền Tây theo cha mẹ lên Bình Dương đã không được đi học tiếp mà sớm nghỉ học. 

Tại phường Hiệp Thành có một lớp học tình thương do Đoàn phường tổ chức, lúc nào cũng có hàng chục em nhỏ từ mọi miền quê, trong đó chủ yếu là các em nhỏ từ các tỉnh ĐBSCL.

Tại các thành phố đông công nhân như Thuận An, Dĩ An cũng có không ít lớp học tình thương hình thành ngay trong những khu trọ công nhân...

Giá như ở quê cũng có xưởng máy...

Người miền Tây vốn ăn nói hồ hởi, rổn rảng mà nhắc đến quê lại như chùng xuống. Nói về dự định tương lai, bà Kim Cương mông lung: "Đâu có tính được gì. Làm ở đây chừng nào có ít tiền dành dụm rồi về. Mà lương công nhân làm đâu hết đó nên cũng chưa biết khi nào. Rồi có vốn về nhà cũng chưa biết làm gì.

Nuôi tôm thì cũng hên xui, sợ không dám nuôi nữa. Chừng ở quê mà có nhà máy, có việc làm là về ngay. Nhà cửa bỏ không lâu quá rồi", bà Cương quả quyết. Con trai bà đã có người yêu, "chúng nó thuê phòng ở sát bên mà chưa cưới". "Nó nói ráng làm 1-2 năm nữa có tiền mới cưới. Nhưng giờ xem như cũng có dâu rồi", bà Cương cười bảo.

Bà Hồng Nhi cũng đã nghĩ đến lúc lớn tuổi và biết cảnh công nhân xa quê chỉ đủ sống, "làm gì có vốn dưỡng già" - bà trầm ngâm. Rồi bà bảo giá như ở quê có nhà máy như thế này, đồng lương đỡ đỡ thì cũng ráng về vì còn được gần nhà gần cửa, gần phong tục, lề thói.

Nhắc đến quê, chị Kim Cương, con gái bà Hồng Nhi, cũng lại thấy buồn: "Tết nào cũng không có dư nên cả chục năm còn không về quê ăn tết thì làm sao về ở hẳn được". Với họ, đường về quê là không thể có. Dù ở quê còn có đất, có nơi làm nhà nhưng quá khó mưu sinh.

Ly hương buồn trăm chiều buồn

Câu chuyện tương lai sẽ làm gì, ở đâu dường như với công nhân miền Tây luôn rất mơ hồ. "Cha mẹ lớn tuổi cả rồi, ở quê chẳng có con cái chăm sóc. Nhưng giờ cũng đâu có tính gì được.

Ở đây đến cọng rau, trái ớt cũng phải mua, hai vợ chồng làm công nhân phải bóp ăn bóp mặc mới không thiếu trước hụt sau. Giờ cứ làm công nhân nuôi con thôi. Ở Đồng Tháp cũng có nhà máy đó nhưng cách nhà rất xa, cũng phải ở trọ đi làm", anh Nguyễn Chí Tâm tâm sự.

vu thuy anh cong nhan mien tay (3a) 1(read-only)

Người dân miền Tây dắt díu nhau lên Bình Dương làm công nhân sinh sống ở dãy nhà trọ chật hẹp, nhếch nhác - Ảnh: VŨ THỦY

Hàng xóm của anh Tâm là anh Lương Quốc Thắng (37 tuổi, quê Kiên Giang) cũng là một trong năm anh chị em của gia đình kiếm sống trên đất Bình Dương. Hai vợ chồng anh đã ở Bình Dương 12 năm và có hai đứa con.

"Ở nhà trông vào vài công ruộng làm sao nuôi nổi con đi học. Cha tôi mất, nhà chỉ còn mình mẹ già lủi thủi nhưng không về được, cũng không đưa mẹ lên được. Mẹ lên rồi thì mồ mả tổ tiên ai trông", anh Thắng nói.

Đời công nhân: Không ngừng hi vọngĐời công nhân: Không ngừng hi vọng

TTO - Bị bủa vây bởi những thiếu thốn, thiệt thòi nhưng sau tất cả, gian khó vẫn không làm người công nhân nản chí…

Xem thêm: mth.91874048031301202-noub-ueihc-mart-noub-gnouh-yl-iod-gnoud-hnib-o-nahn-gnoc-mal-yat-neim-iougn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Người miền Tây làm công nhân ở Bình Dương: 'Đời ly hương buồn trăm chiều buồn'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools