Bác sĩ Nguyễn Lan Hải (áo dài xanh) chụp ảnh cùng bạn bè, người hâm mộ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.
Hôm nay, 13-3, cuốn sách chính thức được giới thiệu tới bạn đọc tại đường sách TP.HCM trong buổi giao lưu chủ đề: Tình dục- Tặng gì cho nhau?. Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thuý là người dẫn chuyện. Rất nhiều độc giả yêu mến tác giả và người dẫn chuyện, các cha, sơ đã đến từ rất sớm, trước cả giờ bắt đầu.
Nguyễn Lan Hải không phải là cái tên xa lạ với bạn đọc. Bà tốt nghiệp Đại học y khoa Hà Nội và hiện đang là giảng viên của Học viện Thần học Thánh Tô-ma và vài Học viện Thần học nữ trên toàn quốc. Bà cũng chính là Bác sĩ Hoa Tiêu của chuyên mục Chỉ đường cho hươu – báo Phụ Nữ Chủ Nhật TP.HCM... Và chúng tôi muốn nói tới một câu chuyện nữa về bà, câu chuyện lần đầu được chính bà chia sẻ, chuyện người mẹ từng đứng giữa lằn ranh sinh tử trong quá trình vượt cạn, suýt mất cả mẹ lẫn con, vì vậy mà người mẹ ấy từng nghiện Morphine (một loại thuốc giảm đau thuộc họ thuốc phiện- PV). Phải giới thiệu rõ ràng như vậy để thấy, cuốn sách được viết nên không chỉ bởi một người có chuyên môn, được đào tạo bài bản, “một cái đầu lạnh”, mà còn bởi trải nghiệm, “trái tim nóng” và tình yêu của một người phụ nữ, một người mẹ. |
Bán 1 con bò để học làm nóng chuyện phòng the
Nói về đứa con tinh thần được ấp ủ sau bao năm đằng đẵng của mình, tác giả Nguyễn Lan Hải chỉ giản dị gọi đó là “tâm sự của bà giáo già về hưu”. Ngàn lẻ một vấn đề tình yêu, tình dục được đề cập trong buổi giao lưu và cuốn sách này.
Nhiều khán giả có mặt từ rất sớm tại đường sách TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Bà từng tham dự một lớp học, mà ở đó học viên chi trả khoảng 15 triệu cho vài ba buổi học với chủ đề: “Làm thế nào để làm nóng chuyện phòng the?”. Một học viên khiến bà nhớ mãi, đó là người phụ nữ có gương mặt nám, bàn tay sần sùi, hốc hác.
Chị đã phải bán một con bò để tham dự khoá học như là một hi vọng cuối cùng mong có thể cứu vãn cuộc hôn nhân đang đứng trên bờ vực thẳm của mình. Nhưng kết quả, người phụ nữ ấy không học được nhiều.
Đó là một trong những lý do bà chọn chủ đề Tình dục- Tặng gì cho nhau? cho buổi ra mắt sách hôm nay, cũng là một trong những lý do bà viết cuốn sách này.
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải kí tặng sách. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
“Cuốn sách dành cho những phụ nữ ở xa nhất, những tu sĩ đang làm việc quên mình về vấn đề giáo dục, những người bị lạm dụng tình dục, sinh viên xa nhà, những người lao động đường phố…Cuốn sách cho những người chỉ cần biết chữ thôi, cũng đọc và hiểu. Đó là lý do cuốn sách ra đời”- bác sĩ Lan Hải nói.
Sự khéo léo trong việc dẫn dắt vấn đề của Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thuý giúp những người tham dự phần nào hiểu được sự nghiêm trọng của việc thiếu hụt, hiểu sai về kiến thức tâm lý, tình dục. Chuyện của cái “dường lạnh” khiến tổ ấm lạnh luôn.
Năm khủng hoảng hậu “thiên đường” trong hôn nhân” như: khi đứa con ra đời, vấn đề tài chính, người thứ 3, tuổi xế chiều… Những vấn đề xã hội hiện nay như: chuyện tình một đêm, tình dục có trước tình yêu, câu chuyện nữ sinh lớp 7 sinh con trong nhà vệ sinh được nhắc lại trong buổi giao lưu.
Tình dục - Tặng gì cho nhau?
Là tác giả sách, là người lựa chọn chủ đề giao lưu, khi được hỏi: Tình dục tặng gì cho nhau?, bác sĩ Lan Hải không trực tiếp trả lời.
Cha Phạm Bình chia sẻ tại buổi giao lưu. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Nhưng bằng nội dung sách và trò chuyện, nhiều khán giả đã nhận ra: “Tình dục của con người phải có đôi cánh của tình yêu, sự chung thuỷ”, “Món quà chính là con người mình, là tặng con người chứ không phải tặng một bộ phận cơ thể nào đó, là tặng cả cuộc đời chứ không phải một vài giây phút để rồi hối hận”.
Mỗi con người phải biết trân trọng giá trị của bản thân. Nếu không hiểu được giá trị món quà thì sẽ chẳng thể nào biết trân trọng.
Trong hàng ghế khán giả tới giao lưu có tiến sĩ tâm lý học Linh Trang- người phụ nữ đã cùng đồng nghiệp thầm lặng dạy hàng trăm tiết học miễn phí nhằm chia sẻ kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh tiểu học ở TP.HCM.
Mới đây chị là một trong những cá nhân tiêu biểu vừa được tuyên dương Những tấm gương thầm lặng mà cao cả do UBND kết hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức.
Tiến sĩ Linh Trang chia sẻ rằng cuốn sách là tư liệu để những người làm giáo dục có thêm kênh trao đổi với trẻ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Tiến sĩ Linh Trang khẳng định cuốn sách của bác sĩ Lan Hải chính là một công cụ, phương tiện để những người làm công tác giáo dục và các bậc phụ huynh có thêm kênh để trao đổi với trẻ.
“Cái gì khó nói quá thì đưa quyển sách cho trẻ. Tất nhiên mình phải đọc trước trước khi đưa cho trẻ. Tôi nghĩ cuốn sách của bác Hải sẽ là một kênh cho các con, để chúng tôi nói chuyện cùng các con. Tôi rất cảm ơn bác Hải về điều này”- Linh Trang nói.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang (Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) khi đọc cuốn sách này đã chia sẻ rằng cách tác giả Lan Hải “thì thầm chuyện nhỏ chuyện to” khiến người đọc không chỉ gật gù tâm đắc về nội dung chuyện mà còn tạo cảm giác lôi cuốn, dễ chịu, nhẹ nhõm.
“Cái giọng thủ thỉ nhẩn nha nói chuyện của chị kèm những hình ảnh ví von tinh tế làm cho mọi sự hoá ra thật nhẹ nhàng, chẳng còn khó nói”- PGS.TS Phương Trang chia sẻ.
Cọc đi tìm trâu thì đã sao?
“Cọc đi tìm trâu thì đã sao? Miễn là cọc đừng tham, 1 cọc mà buộc những 2 trâu. Và trước khi định cột trâu vào sợi thừng thì cần xác định kỹ trâu đó có xứng đáng không, kẻo vớ phải loại “trâu điên” hoặc “lở mồm long móng” thì phí đời cọc! … Theo tôi, trong hình ảnh so sánh “trâu” và “cọc” của dân gian, phụ nữ không phải là cái cọc im lìm thụ động mà chính là sợi giây thừng gần gũi, bền chắc. Vừa cẩn thận giữ vừa khéo léo dắt chú trâu vô tâm, chỉ cho nó đi ăn cỏ ở cánh đồng xa hết cái tầm mà sợi dây buộc ấy cho phép mà thôi". Trích “Thì thầm chuyện nhỏ to” của bác sĩ Nguyễn Lan Hải. _____________________ Thì thầm chuyện nhỏ to là cuốn sách tổng hợp những bài viết từ suốt những năm tháng tác giả-bác sĩ Nguyễn Lan Hải làm về giáo dục giới tính và giáo dục tình dục với nhiều đối tượng, đủ mọi lứa tuổi. |