Vụ ‘sáp nhập ngược’ của ông lớn ngành sữa: Vinamilk ‘xóa sổ’ GTNfoods
Dũng Nguyễn
(KTSG Online) – Vinamilk quyết định sáp nhập công ty con GTNfoods vào một công ty thành viên của mình là Vilico, trong cơn “khát vốn” để tăng mạnh năng lực sản xuất của Mộc Châu Milk (công ty con của Vilico) trong 5 năm tiếp theo.
Dây chuyền sản xuất sữa Mộc Châu. Ảnh: TTXVN |
Công ty mẹ sáp nhập vào công ty con
Theo tài liệu trình đại hội cổ đông thường niên, Hội đồng quản trị Công ty GTNfoods công bố đề án sáp nhập GTNfoods vào Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) với tỷ lệ hoán đổi 1,6:1. Điều này có nghĩa là cổ đông sở hữu 16 cổ phiếu GTN của GTNfoods sẽ đổi thành 10 cổ phiếu VLC của Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico).
Còn Vilico dự kiến phát hành khoảng 156 triệu cổ phiếu để hoán đổi 250 triệu cổ phiếu GTN, tương đương 100% số cổ phần lưu hành thuộc sở hữu của cổ đông GTN.
Sau khi hoàn tất việc hoán đổi, tất cả các cổ đông của GTN sẽ trở thành cổ đông của VLC, cổ phiếu GTN sẽ hủy niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), còn vốn điều lệ VLC sẽ được tăng thêm một khoản tương ứng với số cổ phiếu phát hành trên với mệnh giá.
Nhưng điều đáng chú ý là GTN lại sở hữu 74,49% cổ phần của VLC, đồng nghĩa với việc công ty mẹ lại sáp nhập vào công ty con. Cả hai pháp nhân này đều có liên quan đến công ty sữa đầu ngành của Việt Nam là Vinamilk.
GTN gián tiếp sở hữu 51% cổ phần của Sữa Mộc Châu (MCM). Nguồn: PHS |
Cuối năm 2019, Vinamilk hoàn tất thương vụ thâu tóm GTN (sở hữu 75%), sau đó tiến hành tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. Trong khi Vilico tiền thân là Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam cổ phần hoá năm 2013. Hiện bà Mai Kiều Liên, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Vinamilk cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Vilico.
Trong khi đó, Vilico lại sở hữu Sữa Mộc Châu (51%) tính tới cuối năm 2020. Dự kiến sau sáp nhập, Vinamilk sẽ sở hữu 75% vốn Vilico (VLC), đồng nghĩa với việc bỏ qua “trung gian” là GTNfoods (GTN).
Thương vụ sở hữu gián tiếp Sữa Mộc Châu của Vinamilk thông qua GTNfoods đã được thảo luận nhiều trong những cuộc tọa đàm, bàn tròn về chủ đề mua bán và thâu tóm (M&A) vào năm 2019. Mộc Châu Milk (MCM) khi đó được đánh giá là có những giá trị rất quan trọng hỗ trợ cho sự tăng trưởng của Vinamilk trong dài hạn. Báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng giá trị của Mộc Châu Milk là vẫn được đánh giá là một trong 4 doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam, là nhãn hiệu mạnh đặc biệt là ở thị trường miền Bắc.
Gọi vốn để tiếp tục mở rộng
Tháng 4-2014, GTN niêm yết trên sàn HoSE, đổi chiến lược kinh doanh là đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng với chuỗi giá trị nông nghiệp. Ngoài VLC, GTN còn sở hữu Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu - Mộc Châu Milk với tỷ lệ nắm giữ 26,7% cổ phần, Tổng công ty Chè Việt Nam - Vinatea (16,23%), Công ty cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng (38,3%), Công ty cổ phần Nhựa Miền Trung (40%).
Do đó, trong nhiều năm trước đây, hoạt động kinh doanh chính của GTNfoods là sản xuất và chế biến chè thông qua Vinatea, sản xuất và kinh doanh sữa thông qua Sữa Mộc Châu (công ty con của Vilico); sản xuất rượu, nước giải khát và xuất khẩu điều thông qua Ladofoods. Trong năm 2019, sữa là mảng đóng góp chính về doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 86% và 104%, còn chè đóng góp 12% doanh thu và 8% lợi nhuận gộp.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán VNDirect, doanh thu nội địa của Vinamilk tăng 3,3% trong quí 4-2020 so với cùng kỳ chủ yếu nhờ việc hợp nhất công ty con GTN (đóng góp 5% vào doanh thu hợp nhất) trong khi mảng kinh doanh nội địa (không bao gồm GTN) giảm 2,5%.
Theo kế hoạch, sau sáp nhập, Vilico có kế hoạch đầu tư trang trại bò thịt quy mô khai thác 20.000 con một năm với tổng vốn đầu tư không quá 1.700 tỉ đồng bằng cách tự làm hoặc tìm đối tác để cùng triển khai.
Còn với Mộc Châu Milk, báo cáo tháng 12-2020 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhìn nhận sau khi Vinamilk góp mặt trong bộ máy quản trị, MCM đã tái cấu trúc đáng kể và đặt kế hoạch đầu tư trong 5 năm tiếp theo. Cụ thể là xây dựng trang trại bò sữa công nghệ cao quy mô 4.000 con bò, nâng cấp trang trại hiện hữu về số lượng và tiêu chuẩn, mở rộng thị trường xuống khu vực miền Trung, miền Nam và xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Năm 2020, Vilico ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt gần 2.826 tỉ đồng và 170 tỉ đồng, lần lượt tăng 9% và 87% so với năm trước. Theo giải trình, lợi nhuận tăng nhanh nhờ công ty con là Mộc Châu Milk cải thiện lợi nhuận từ các biện pháp tái cơ cấu hệ thống bán hàng, đánh giá và thay đổi các chính sách với nhà phân phối, giá bán sản phẩm cũng như tối ưu hóa các chi phí.
Sau khi giao dịch trên sàn UpCom vào tháng 12-2020 với mã chứng khoán MCM, Mộc Châu Milk tiếp tục tăng vốn qua phát hành cho cổ đông chiến lược, cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động (ESOP) trong đầu năm 2021. Khoản vốn huy động được sử dụng cho kế hoạch mở rộng đầu tư nhà máy, trang trại.
Nguồn: Euromonitor, BVSC |
Cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành sữa
Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI nhận định ngành sữa vẫn đang trong quá trình hợp nhất. Bên cạnh việc Vinamilk mua lại Mộc Châu Milk, báo cáo cũng ghi nhận việc Blue Point và VietCapital mua lại Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP). “Cạnh tranh ngày càng gay gắt khi có thêm nhiều đối thủ gia nhập thị trường. Masan ra mắt sữa ngũ cốc ca cao lúa mạch với thương hiệu B’fast, cũng như VitaDairy có vẻ đang phát triển nhanh trong phân khúc khúc sữa bột với sản phẩm sữa non”, báo cáo SSI đánh giá.
SSI cũng dẫn lại số liệu của Euromonitor, thị trường sữa Việt Nam uớc tính đạt 135.000 tỉ đồng trong năm 2020, tăng 8,3% so với cùng kỳ, nhờ mức tăng nhanh của ngành hàng sữa chua và sữa uống. Còn theo Kantar Worldpanel, sữa là một trong những sản phẩm được mua trực tuyến (online) tăng mạnh nhất trong thời kỳ dịch bệnh.
Báo cáo của Công ty Chứng khoáng Bảo Việt cho rằng lượng tiêu thụ sữa bình quân đầu người của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Ước tính nhu cầu tiêu thụ sữa bò sẽ tăng trưởng khoảng 10% (CAGR trong giai đoạn 2020-2024) theo Euromonitor.
Dù vậy, ngành sữa cũng đối mặt với sự cạnh tranh của sản phẩm thay thế là sữa hạt và lộ trình giảm thuế từ EVFTA (các sản phẩm sữa và từ sữa nhập khẩu từ châu Âu đang chịu mức thuế hiện tại là 15-30%).
Xem thêm: lmth.sdoofntg-os-aox-klimaniv-aus-hnagn-nol-gno-auc-cougn-pahn-pas-uv/435413/nv.semitnogiaseht.www